Sai phạm trong quản lý đất đai ở Tuần Giáo: Địa phương đang tích cực vào cuộc xử lý

Thứ Năm, 04/09/2014, 17:05 [GMT+7]

Điện Biên TV - Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh phản ánh tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, lấn chiến đất công tại thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo; cũng như cách giải quyết của huyện khiến chính quyền cơ sở và người dân hết sức bức xúc. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có chuyến công tác về Tuần Giáo để tìm hiểu thực tế, công tác giải quyết của các cấp chính quyền sau sự việc báo chí nêu.

Tại hiện trường vụ “đổ đất lấp ruộng” ven đoạn đường tránh Quốc lộ 279 qua trung tâm thị trấn nối với Quốc lộ 6 được mở từ năm 2006, chúng tôi chứng kiến một bãi đất rất rộng, đã được đổ đất lấp cao gần mặt đường. Sâu tít dưới chân của bãi đất khổng lồ đó là những thửa ruộng, lúa đang lên xanh tốt, đối nghịch với những gốc chuối, hàng cây hồng hoa, cây ngô úa vàng trồng vội trên diện tích đã bị đổ đất lấp ruộng. Ở phía bên kia, suốt dọc theo cả đoạn đường dài cũng là một dải đất rộng vốn trước đây là ruộng, bị đổ đất vùi lấp rất cao, trên đó đã mọc lên những ngôi nhà, xưởng gạch ép, hàng quán…

Tại thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Quân, Chủ tịch UBND thị trấn. Ông Quân thừa nhận, có thực trạng sau khi đoạn đường tránh quốc lộ 279 qua trung tâm thị trấn được mở mới, 14 hộ dân thuộc 2 bản Chiềng Chung và Chiềng Khoang có ruộng ven đường đã tự ý san lấp lấy mặt bằng nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng với tổng diện tích 10.000 m2.

"Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ thời điểm đơn vị thi công nâng cấp quốc lộ 6 và quốc lộ 279 đã đổ đất không đúng vị trí được phép đổ, đổ lấn xuống cả ruộng của dân. Ở đoạn đường tránh quốc lộ 279, người dân tự ý san gạt nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng tới hàng nghìn m2 ruộng là bởi, diện tích đất này đã hàng chục năm nay không có nước để sản xuất nông nghiệp, dù trên sổ sách là đất sản xuất 2 vụ song người dân chỉ có thể trồng màu. Sau khi làm đường, một số người lợi dụng việc này để đổ đất lấn ra, dẫn đến tình trạng một số hộ khác làm theo" - ông Nguyễn Duy Quân, cho biết.

b
Những khóm chuối, cây hồng hoa được trồng vội trên mặt bằng do người dân san gạt nhằm  chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp khi chưa có sự đồng ý của chính quyền sở tại.


Cũng tại buổi làm việc này, UBND thị trấn Tuần Giáo khẳng định vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản chỉ đạo nào từ cấp huyện, dù tháng 9/2013 thị trấn đã báo cáo với huyện về tình trạng sử dụng đất sai mục đích của 14 hộ dân thuộc 2 bản Chiềng Chung và Chiềng Khoang nói trên đề nghị huyện xem xét, giúp thị trấn có hướng xử lý, khắc phục.

Mang vấn đề này lên gặp ông Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo Lò Văn Hoàn, ông Hoàn thừa nhận có thực trạng như báo chí  đã nêu. Và để giải quyết thực trạng trên, từ tháng 3 đến tháng 4/2014, Huyện ủy, UBND  huyện Tuần Giáo đã ra các Chỉ thị, Kế hoạch về tăng cường lãnh đạo đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện. Trong kế hoạch thực hiện cũng đã nêu rõ lộ trình để xử lý vụ việc trên. Huyện cũng đã chỉ đạo các phòng ban liên quan xuống phối hợp với UBND thị trấn để ngăn chặn, không cho người dân chuyển đổi mục đích và giữ nguyên hiện trạng. Như vậy, theo lời ông Hoàn cũng như các văn bản mà chúng tôi cầm trên tay thì, rõ ràng từ thời điểm tháng 3 và tháng 4/2014, Huyện ủy, UBND huyện đã ra các văn bản chỉ đạo về việc giải quyết các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao đến cuối tháng 8/2014, khi chúng tôi tới làm việc, UBND thị trấn Tuần Giáo vẫn khẳng định chưa nhận được bất kỳ văn bản chỉ đạo nào từ cấp huyện?

Đặt câu hỏi để xảy ra những sai phạm nói trên thì cấp nào phải chịu trách nhiệm, ông Lò Văn Hoàn tiếp tục khẳng định: "Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm này trước hết thuộc về UBND thị trấn". Ông Hoàn lý giải, bởi đây là đất thuộc phạm vi quản lý của UBND thị trấn. Khi người dân 2 bản Chiềng Khoang, Chiềng Chung cố ý san lấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép đã không được thị trấn quyết liệt ngăn cản, xử lý kịp thời dẫn đến sự việc đã rồi mới báo cáo cấp trên tìm hướng giải quyết. Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Quân, Chủ tịch UBND thị trấn Tuần Giáo lại cho rằng: "Chúng tôi không đẩy trách nhiệm lên huyện. Với chức năng, nhiệm vụ của cấp mình, khi phát hiện sai phạm, chúng tôi đã xuống nhắc nhở và lập biên bản đối với các hộ vi phạm. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm người dân lại tiếp tục đổ đất lấn chiếm, khiến chúng tôi không thể ngăn chặn được. Chúng tôi thừa nhận thiếu sót của mình trong việc tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân còn chưa tốt".

b
Một số văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Tuần Giáo về tăng cường lãnh đạo đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện.


Dẫn chúng tôi đi thực tế tại khu vực người dân tự ý san gạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền, ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, phân trần: "Trên thực tế, số diện tích 10.000 m2 đất này người dân mới chỉ trồng các loại cây hồng hoa, chuối, ngô, chứ không có bất kỳ hàng quán nào mọc lên như báo chí phản ánh. Còn diện tích phía bên kia đường là khu vực đã quy hoạch để tái định cư cho các hộ trước đây bị thu hồi đất để làm đường; quy hoạch cho các cơ quan nhà nước xây dựng công sở. Chỉ có một số diện tích nhỏ lẻ do các đơn vị thi công đổ đất tràn lên diện tích ruộng, một số hộ gia đình đã san gạt ra để dựng lều quán bán hàng và làm dịch vụ”. Ông Hoàn cũng cho biết, quan điểm giải quyết của huyện là chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND thị trấn tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng, đối với những diện tích không thể trồng các loại cây hoa màu sẽ chuyển sang trồng cây lâu năm chứ huyện không có ý tưởng là chuyển đổi thành đất thổ cư.

Như vậy là cho đến nay, sau khi các cơ quan báo chí và dư luận quần chúng phản ánh những vi phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn, chính quyền các cấp của huyện Tuần Giáo đang tích cực vào cuộc để xử lý vụ việc trên. Tuy nhiên, nếu như chính quyền địa phương này làm tốt công tác quản lý, ngăn chặn những vi phạm ngay từ khi mới nảy sinh, có lẽ đã không phải vất vả, để “chạy theo” xử lý theo kiểu “sự đã rồi”. Dù chính quyền có tích cực đến đâu nữa, thì diện tích ruộng đã mất, cũng như uy tín của chính quyền địa phương cũng khó có thể lấy lại.

 

Dương Huyền

.