Cảnh báo trồng sắn ồ ạt ở Điện Biên Đông

Thứ Ba, 08/10/2019, 13:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm gần đây, do giá ngô liên tục giảm nên nhiều nông dân trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đua nhau chuyển đổi trồng ngô sang trồng sắn. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng sắn không theo quy hoạch, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn dẫn đến những hệ lụy khó lường, như: Sản lượng tăng đột biến, bị ép giá, khó tiêu thụ; phá vỡ cơ cấu cây trồng...

Trước đây, gia đình anh Lò Văn Nam, ở bản Trung tâm, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông chỉ trồng 3.000m2 sắn. Tuy nhiên, năm nay, giống như nhiều hộ dân khác trong bản, anh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ gần 2ha đất nương đang trồng ngô của gia đình sang trồng sắn, với hy vọng cây sắn khởi sắc hơn cây ngô.

1
Hiện nay huyên Điện Biên Đông có gần 1.300ha trồng sắn

Anh Lò Văn Nam - Xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông cho biết: Nhà mình trước đây trồng ngô nhưng ngô không mang lại hiệu quả lắm nên mình chuyển đổi sang trồng sắn. Cả bản mình cũng nhiều người chuyển sang trồng sắn. Ngô năm nay bà con trồng diện tích ít chăn nuôi tại nhà thôi không buôn bán được. Sắn mình nghĩ là mình trồng nhiều với diện tích lớn. Đến mùa sẽ thu hái được

Có chung suy nghĩ với anh Nam, trong 3 năm qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã tự ý chuyển đổi hàng trăm ha đất đang trồng ngô sang trồng sắn. Điều này làm cho diện tích cây sắn của huyện tăng nhanh. Theo thống kê, năm 2017 chỉ có một số xã trồng sắn với hơn 700ha thì đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều trồng sắn, nâng tổng diện tích loại cây này lên gần 1.300ha, tức là tăng gấp 2 lần. Trung bình một xã, diện tích sắn tăng gần 30% so với kế hoạch; thậm chí có xã người dân tự chuyển đổi gần 100% diện tích trồng ngô sang trồng sắn, như: Na Son, Pú Nhi, Keo Lôm...

Ông Quàng Văn Điện, Phó chủ tịch UBND xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông cho biết: Bà con từ mấy năm trước trồng ngô nhưng mà chuyển đổi sang cây sắn mà cũng chưa biết là hiệu quả kinh tế có hơn cây ngô không. Riêng trong 2 năm vừa qua, giá sắn từ 10-13 nghìn/yến thôi, theo đánh giá thì cân thì nặng mà giá như thế là rẻ. Như vậy thì hiệu quả kinh tế không cao

Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân chỉ thấy được cái lợi trước mắt khi sắn là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư ít. Bên cạnh đó, nếu so sánh về năng suất, sản lượng và giá thành thì cây sắn cao hơn so với cây trồng khác.

Cụ thể, mỗi ha sắn nếu đầu tư khoảng 10 triệu đồng thì trừ chi phí và công chăm sóc, người trồng có thể thu lãi khoảng 40 triệu đồng/ha. Tuy nhiên việc trồng sắn ồ ạt, không theo quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: sắn là loại cây trồng hại đất, nếu trồng liên tục 3 - 4 vụ sẽ làm cho đất cạn kiệt dinh dưỡng, rất khó để trồng loại cây khác; sản lượng trồng ra không có nơi tiêu thụ, tư thương ép giá..v..v.

1
Trong 3 năm qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã tự ý chuyển đổi hàng trăm ha đất đang trồng ngô sang trồng sắn

Ông Mai Xuân Chi, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNN huyện Điện Biên Đông cho biết: Cây sắn là cây trồng không bền vững, thứ 2 là về thị trường thì cây sắn chủ yếu phục vụ cho nhà máy sắn Núa Ngam, thế nên nếu người dân không quan tâm đến vấn đề thị trường lâu dài mà cứ tiếp tục trồng sắn sẽ gây hậu quả được mùa mất giá. Trong khi chính quyền đã tuyên truyền người dân hạn chế trồng sắn tránh thiệt hại sau cho người dân. Vì cây sắn năm nay có thể giá cao, nhưng đến mùa thu hoạch tư thương lại ép giá thì sẽ thiệt hại cho người dân

Chạy theo giá nhất thời, ồ ạt chuyển đổi từ ngô sang trồng sắn là cách làm tự phát của người dân, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch sản xuất, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các cấp chính quyền, ngành chức năng huyện Ðiện Biên Ðông đã có tuyên truyền, hướng dẫn người dân không nên trồng sắn ồ ạt, tuy nhiên điều này vẫn chưa mang lại những hiệu quả tích cực./.
                                

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN

.