Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019

Nét đẹp Tằng cẩu của phụ nữ dân tộc Thái

Chủ Nhật, 06/10/2019, 15:07 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ðối với phụ nữ người Thái đen, mái tóc Tằng cẩu tức là búi tóc lên đỉnh đầu, là biểu hiện cho một giai đoạn vô cùng quan trọng trong cuộc đời, đó chính là đời sống hôn nhân. Giản dị, mộc mạc nhưng từ bao đời nay Tẳng cẩu vẫn luôn song hành và gắn bó với cuộc sống của phụ nữ người Thái đen; trở thành nét đặc trưng quan trọng – không thể bị nhầm lẫn với bất cứ dân tộc nào khác.

1
Tẳng cẩu vẫn luôn song hành và gắn bó với cuộc sống của phụ nữ người Thái

Tằng cẩu gắn liền với cuộc sống của phụ nữ người Thái đen bắt đầu từ ngày Khửn cẩu. Khửn cẩu là phong tục có từ ngàn xưa, một nghi lễ thiêng liêng được tiến hành tại nhà gái, trước khi người con gái làm lễ về nhà chồng.

Khi Khửn cẩu, cô dâu sẽ ra chào họ hàng hai bên và ngồi hướng về phía mặt trời mọc để chủ hôn thực hiện nghi lễ búi tóc lên đỉnh đầu. Các lễ vật mà nhà trai mang đến gồm 2 bó tóc rời, một trâm bạc, hai vòng tay bằng bạc, khăn piêu… Tất cả lễ vật đều thành đôi thể hiện sự chung thuỷ, hạnh phúc của đôi vợ chồng.

Bà Lò Thị Khuyên, bản Hồng Lếch Cuông, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: Tằng cẩu là phong tục tập quán của dân tộc Thái, phụ nữ lấy chồng thì nhà trai sẽ mang đến lễ vật như vòng, trâm, tóc giả, quần áo, chăn màn... Khi làm lễ thì bên nhà trai sẽ chuẩn bị, người ta sẽ làm lễ. Tóc thì người làm lễ sẽ buộc lên cao, xong bên nhà trai sẽ cuốn cho thành Tằng cẩu

"Khửn cẩu" là một trong những nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong cuộc đời của phụ nữ người Thái đen. Sau nghi lễ này, mái tóc được Tằng cẩu không những sẽ trở thành trang sức làm tăng thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Thái mà còn khẳng định sự thủy chung, kính trọng của họ đối với nhà chồng.

Khi đã về làm dâu mái tóc ấy vĩnh viễn không bao giờ được buông thả bởi lời thề trọn một lòng thủy chung son sắt. Đây chính là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân gia đình của người Thái.

1
Tằng cẩu nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thái

Chị Cà Thị Lan, bản Nghịu, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên cho biết: Từ lúc tôi Tằng cẩu lên nhà chồng thì bản thân tôi cảm thấy rất vui và tự hào vì Tằng cẩu là nét đặc trưng của dân tộc mình và là biểu tượng của người con gái đã có chồng. Nó thể hiện được sự trưởng thành của người con gái tiến tới một cuộc sống mới với trách nhiệm cao hơn

"Mái tóc dài, chải cho mượt
Búi ngược lên thành "Tằng Cẩu"
Từ nay về sau, người đã có chồng
Nước không đổi dòng
Lòng không đổi hướng con ơi"

Câu hát đó như một lời dặn dò và chúc mừng hạnh phúc cho đôi uyên ương trong lễ Tằng cẩu của người Thái. Tằng cẩu chính là sợi dây kết nối giữa tâm hồn của người phụ nữ Thái với trách nhiệm của họ đối với gia đình. Sự coi trọng của người Thái đối với Tằng cẩu cũng chính là thể hiện đức tôn kính đối với đấng sinh thành, tổ tiên - những người đã sinh thành ra họ. Đây là phong tục đẹp ngàn đời, cần được lưu truyền và gìn giữ qua nhiều thế hệ cả hôm nay và mai sau./.
                    

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN

.