Điện Biên

Nâng cao hiệu quả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Bảy, 22/12/2018, 01:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở các địa phương từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua hơn 6 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh đã mang lại những tác động tích cực, công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến thời điểm này, tổng số hộ tham gia nhận giao khoán, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh là hơn 1.500 chủ rừng.

Bao gồm: 4 chủ rừng là tổ chức và hơn 720 chủ rừng là hộ gia đình; 14 nhóm hộ, 777 chủ rừng cộng đồng, phân bố trên địa bàn 104 xã thuộc 8 huyện, thị xã, với trên 240.000 ha rừng. Tất cả các hộ được nhận khoán bảo vệ rừng đều được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Thu nhập bình quân hàng năm của các hộ từ nhận khoán bảo vệ rừng luôn tăng, năm 2012 đạt 315.000 đồng/ha, năm 2018 tăng lên 720.000 đồng/ha.

1
Hiện nay toàn tỉnh Điện Biên có hơn 1.500 chủ rừng tham gia nhận giao khoán, bảo vệ rừng trên địa bàn 


Điển hình trong công tác bảo vệ rừng là bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, là cộng đồng dân cư bản được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ hơn 2.700 ha rừng. Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, năm 2017 bản Tả Ló San nhận được hơn 2,2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn tiền này, các hoạt động tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng ở bản được tổ chức thường xuyên, đầy đủ hơn, kết nối bà con trong bản với nhau.

Từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng nơi mình sinh sống. Cũng nhờ nguồn tiền nhận khoán, bảo vệ rừng mà các gia đình ở bản Tả Ló San, xã Sen Thượng ngày càng gắn bó với rừng. Để cải thiện sinh kế, các hộ dân đã dùng tiền này đầu tư sửa chữa nhà ở, mua gia súc về chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
 
Còn đối với anh Chảo Sủ Chòi, những chuyến đi tuần tra rừng hàng tuần đã trở nên quen thuộc với cá nhân anh và cộng đồng dân cư bản Huổi Sâu, xã Pa Tần. Nếu những năm trước đây, anh Chòi và nhiều người dân tại địa phương xem chuyện đốn hạ vài ba cây gỗ vì nhu cầu sử dụng và lấn chiếm rừng lấy đất sản xuất là chuyện bình thường, thì nay đã thay đổi. Bởi lẽ, anh Chòi cùng hàng chục thành viên khi tham gia vào tổ bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ những khu rừng mình quản lý, không để xảy ra tình trạng người dân phá rừng làm nương.

Chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của chủ rừng là tổ chức nhà nước, cũng như các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản. Nhờ vậy, đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện qua từng năm, góp phần huy động đông đảo người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
 
Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến các nhóm hộ theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ đã nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng. Các nhóm hộ đã phối hợp tốt với các Hạt kiểm lâm ngăn chặn các trường hợp khai thác lâm sản trái phép. Trong những năm gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh ta đã đi vào cuộc sống của người dân.

1
Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, hiệu quả tích cực là thế nhưng thu nhập của người dân từ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn đạt rất thấp, chưa đảm bảo cho người dân thu nhập và sống được bằng nghề rừng.

Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tiếp nhận tiền dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và nguồn thu theo quy định từ các nhà máy thủy điện và nhà máy sản xuất nước sinh hoạt trên địa bàn, với khoảng hơn 270 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi ha rừng một năm được chi trả hơn 1,1 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức chi trả có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Một số huyện thuộc lưu vực sông Đà có mức chi trả lớn, đã đạt mức chi trả tối đa là 800 nghìn đồng/ha/năm như huyện Mường Nhé và một số xã của huyện Nậm Pồ. Trong khi đó, tại huyện Điện Biên Đông thuộc lưu vực sông Mã, năm 2017 mức chi trả chỉ hơn 5.400 đồng/ha/năm. Do đó tại địa phương này trước đây chưa thu hút được sự quan tâm của người dân về chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.  
 
Trong năm 2018, tại huyện Điện Biên Đông và một số địa phương khác trong tỉnh thuộc lưu vực sông Mã, mức chi trả được nâng lên 300 nghìn đồng/ha/năm. Đồng thời, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh thực hiện điều tiết mức chi trả dịch vụ môi trường rừng ở khu vực này đạt mức tối thiểu 400 nghìn đồng/ha/năm theo quy định của Chính phủ.

1
Chi trả tiền cho các chủ rừng tại xã Huổi Mí, huyện Mường Chà

 

Để nâng cao hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn trong thời gian tới, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả chính sách này trên địa bàn tỉnh bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cộng động dân cư thôn bản về tầm quan trọng của tài nguyên rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đồng thời, các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng cần chấp hành, thực hiện đầy đủ trong việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các địa phương tăng cường công tác giao đất, rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bản; lồng ghép thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng gắn với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường giám sát việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người dân./.

 

 

Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN

.