Cần siết chặt quản lý, sử dụng đất tài nguyên khoáng sản

Thứ Sáu, 07/12/2018, 17:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Điện Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, trong công tác quản lý và sử dụng đất, khoáng sản trên địa bàn huyện cũng bộc lộ những hạn chế  dẫn đến tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; khai thác khoáng sản trái phép; quản lý, sử dụng đất công ích không đúng quy định...

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/HU của BTV Huyện ủy Điện Biên, 4 năm thực hiện Kết luận số 682-KL/HU, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Điện Biên đã cơ bản đi vào nền nếp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý đất đai, môi trường, khoáng sản.

Từ năm 2012 đến nay, huyện Điện Biên đã tổ chức 5 Hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; 13 Hội nghị giao ban với UBND các xã; 4 buổi tập huấn về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường; tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật về đất đai trong kế hoạch tuyên truyền pháp luật hàng năm.

Từ đó, các điểm nóng liên quan đến tranh chấp, vi phạm quy định về quản lý đất đai được quan tâm giải quyết, một số vụ việc đã được xử lý dứt điểm. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người sử dụng đất cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

1
Tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sai quy định, sử dụng sai mục đích, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra trên địa bàn huyện Điện Biên

 

Trong 5 năm qua, huyện đã cấp gần 8.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên 90% diện tích đất ở, đất trong khu dân cư và đất trồng lúa tại các xã vùng lòng chảo với tổng diện tích gần 4,8 triệu m2 đất. Giai đoạn 2016 – 2018, huyện Điện Biên tổ chức thành công 5 phiên đấu gia quyền sử dụng đất với tổng diện tích trên 12.500ha và 20 thửa đất, thu nộp Ngân sách Nhà nước trên 26 tỷ đồng.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường của huyện Điện Biên vẫn còn bộc lộ những tồn tại hạn chế: Tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sai quy định, sử dụng sai mục đích, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra dưới nhiều hình thức gây bức xúc dư luận xã hội. Việc thực hiện một số chỉ tiêu trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm không đạt theo kế hoạch.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng liên quan đến các chương trình, dự án ngày càng phức tạp, nhiều dự án không thực hiện được. Việc cập nhật, chỉnh lý biến động chưa được thực hiện theo đúng quy định, đo đạc bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ lần đầu còn chậm, nhất là các xã vùng ngoài lòng chảo. Công tác xử lý vi phạm hành chính về đất đai, khai thác khoáng sản trái phép còn chậm, chưa dứt điểm. Tình trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai diễn biễn phức tạp; việc lấn chiếm đất công có chiều hướng gia tăng, nguy cở trở thành những điểm nóng, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Một thực trạng đang diễn ra tại nhiều xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên là đất nông nghiệp bị lấn chiếm hoặc sử dụng không đúng mục đích, đặc biệt là xây nhà trái phép, nhưng chưa được chính quyền cơ sở kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý dứt điểm. Vấn đề này, không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch, quy hoạch và mục đích sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Ðể nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn, ngày 13/9/2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Ðiện Biên ban hành Chỉ thị số 15-CT/HU về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn nhiều thiếu sót, chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân ngang nhiên làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

1
Trên địa bàn huyện Ðiện Biên là đất nông nghiệp bị lấn chiếm hoặc sử dụng không đúng mục đích, đặc biệt là xây nhà trái phép, nhưng chưa được chính quyền cơ sở kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc xử lý dứt điểm

 

Theo thống kê, hiện nay toàn huyện còn 16 điểm tranh chấp, vi phạm hành chính về đất đai, chủ yếu là vi phạm về việc xây nhà trên đất nông nghiệp từ những năm 1990 đến nay. Các điểm vi phạm diễn ra trên địa bàn các xã: Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh An, Pom Lót, Nà Nhạn, Phu Luông, Thanh Yên, Pá Khoang, Noong Hẹt; trong đó nhiều nhất tại 2 xã Thanh Xương và Thanh Hưng với hàng trăm hộ xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

Dọc Quốc lộ 279, khu vực C9, xã Thanh Xương, cũng xảy ra tình trạng người dân xây dựng nhà cửa, công trình trên đất nông nghiệp. Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm nay tình trạng xây nhà trên khu vực này diễn ra công khai. Ban đầu chỉ có vài hộ, sau đó những hộ khác đua nhau làm theo. Ngoài ra, cũng có không ít hộ ban đầu sử dụng khu đất của mình để kinh doanh, xây nhà xưởng sản xuất, sau đó xây nhà kiên cố để sinh sống. Dọc Quốc lộ 279, đoạn qua khu vực C9 là đất hành lang an toàn giao thông và đất nông nghiệp.

Trước đây là khu đất trũng do thi công lấy đất làm nền đường Quốc lộ 279. Từ năm 1988, một số hộ dân đã cải tạo, phục hóa đất để trồng hoa màu và lúa, đến nay đã có khoảng 130 hộ đang sử dụng đất tại khu vực này. Trong đó, có hơn 50 trường hợp đã dựng nhà kiên cố và nhà tạm, còn lại đa số là đổ đất san nền. Tổng diện tích đất được các hộ gia đình sử dụng khoảng 3ha.

Trước tình trạng trên, chính quyền xã đã nhiều lần gặp gỡ, tuyên truyền người dân không tự ý mua bán đất, xây nhà, kinh doanh trên diện tích đất này nhưng hầu hết họ không hợp tác giải quyết, thậm chí không ký biên bản vi phạm hoặc ngang nhiên tiếp tục xây cất lấn chiếm. Nhiều hộ còn xây nhà 2 tầng kiến cố trị giá hàng trăm triệu đồng dù không có bất kỳ một giấy tờ nào chứng minh quyền sử dụng đất ở.

1
Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phổ biến, tự phát và khó kiểm soát tại huyện Điện Biên.

 
Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phổ biến, tự phát và khó kiểm soát tại huyện Điện Biên. Trên dọc chiều dài sông Nậm Rốm khoảng 10km từ thành phố Điện Biên Phủ xuôi xuống phía Nam của huyện Điện Biên, có hàng chục điểm khai thác cát lớn nhỏ hoạt động bất kể ngày đêm, từ lén lút cho đến công khai với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Đáng lo ngại hơn là hoạt động khai thác cát đang dần làm thay đổi dòng chảy của sông Nậm Rốm, mỗi khi mùa mưa đến lại tiềm ẩn nguy cơ lũ quét đối với nhà cửa và cây trồng của những hộ dân sinh sống hai bên bờ sông. Những con đường đi vào bản dần bị “cày xới” do xe tải chở cát vẫn ra vào hằng ngày. Mùa mưa các con đường trở nên lầy lội, trời nắng bụi bặm mù mịt gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, mà đặc biệt là tại các xã: Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, thường xuyên kiểm tra các khu vực dọc bờ sông Nậm Rốm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng này chưa được chấm dứt.

Chính quyền các xã đã sử dụng nhiều biện pháp mạnh tay, như: Tạm giữ phương tiện, phạt hành chính đối với các đối tượng khai thác cát trái phép… nhưng mức phạt từ 2 đến 2,5 triệu đồng dường như chưa đủ để răn đe các đối tượng. Có thời điểm, các xã triển khai việc chôn cột giới hạn bằng bê tông ở các lối đi ra điểm khai thác cát nhằm không cho các phương tiện chở cát ra vào. Tuy nhiên, cột cứ chôn xong lại bị đào khỏi vị trí.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt song vì lợi nhuận mà khai thác cát mang lại, nhiều người vẫn bất chấp pháp luật để lao vào khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo xã, tình trạng khai thác cát ở đây một phần có sự tiếp tay của người dân bằng việc bán đất cho doanh nghiệp khai thác cát. Việc phát hiện, xử lý kịp thời các điểm khai thác cát trái phép trở nên khó khăn hơn. Xã Noong Hẹt được coi là một trong những điểm nóng nhất của nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

1
Xã Noong Hẹt được coi là một trong những điểm nóng nhất của nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn

 

Các điểm khai thác cát trái phép tập trung ở địa phận các đội 17, 18, 19 của xã. Điểm khai thác chỉ cách Quốc lộ 279 khoảng hơn 1km, dễ dàng cho việc vận chuyển ra ngoài. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt song trước lợi nhuận mà khai thác cát mang lại, nhiều người vẫn bất chấp pháp luật để lao vào khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo xã, tình trạng khai thác cát ở đây một phần có sự tiếp tay của người dân bằng việc bán đất cho doanh nghiệp khai thác cát. Việc phát hiện, xử lý kịp thời các điểm khai thác cát trái phép trở nên khó khăn hơn.
 
Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản trong thời gian tới. Huyện uỷ Điện Biên đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức và Nhân dân về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đất, khoáng sản.

Phấn đấu đến năm 2020 xử lý dứt điểm 40% các vụ việc vi phạm còn tồn đọng; giai đoạn 2021 - 2025 giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng từ giai đoạn trước năm 2020, không để phát sinh các vụ vi phạm mới, các vụ việc gây mất trật tự an toàn xã hội. Ngăn chặn kịp thời, tiến tới chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý, sử dụng, khai thác các loại tài nguyên trái phép. Phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện./.

 

 

Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN

.