Dự án giảm nghèo giai đoạn II

Chậm quyết toán các dự án hoàn thành

Thứ Sáu, 18/09/2015, 10:00 [GMT+7]

Điện Biên TV - Bên cạnh kết quả đạt được, tiến độ chậm trễ trong quyết toán các dự án, công trình thuộc dự án giảm nghèo giai đoạn II khiến nhiều người băn khoăn. Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án Giảm nghèo giai đoạn II (2010 - 2015) trên địa bàn tỉnh được tổ chức ngày 26/8 vừa qua, đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án Giảm nghèo tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án các cấp nhanh chóng lập hồ sơ quyết toán dứt điểm các dự án hoàn thành.

c
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Dự án giảm nghèo giai đoạn II, gia đình anh Lê Văn Hưng, bản Tìa Ghềnh C, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông đã dần thoát nghèo.

 

Sau 5 năm thực hiện triển khai dự án tại 38 xã của 5 huyện (Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Ảng và Nậm Pồ), Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh đã tăng cường phân cấp nguồn vốn cho cơ sở. Trong đó, Ban Quản lý Dự án huyện làm chủ đầu tư 45% tổng kinh phí Ngân hàng thế giới phân bổ cho tỉnh; cấp xã làm chủ đầu tư 40%, trong tổng nguồn vốn gần 24 triệu USD của dự án. Ban Quản lý Dự án các cấp đã triển khai được 3.015 tiểu dự án, thu hút 21.389 hộ nghèo tham gia, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn miền núi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu xóa nghèo và nâng cao năng lực quản lý cho chính quyền cấp cơ sở.

Đến nay dự án đã kết thúc giai đoạn II, nhưng theo đánh giá chung của các huyện triển khai dự án thì các dự án, công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành đều chậm quyết toán, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai giai đoạn sau. Con số gần 50% dự án, công trình thuộc Dự án giảm nghèo đã được triển khai thi công, đưa vào sử dụng nhưng lại “quên” quyết toán hoàn thành là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Ông Tạ Xuân Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo tỉnh cho biết: Tiến độ triển khai quyết toán vốn của các chương trình, dự án trong giai đoạn II chậm hơn nhiều so với giai đoạn trước, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Quá trình hoàn thiện hồ sơ quyết toán còn gặp nhiều khó khăn, sai sót; các địa phương chậm giao kế hoạch chi tiết cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán các dự án đã hoàn thành. Bên cạnh đó, hầu hết các tiểu dự án mới được bổ sung trong năm 2014 và đến năm 2015 mới thực hiện, thậm chí có dự án còn chưa kết thúc. Chính vì vậy, tỷ lệ quyết toán mới đạt 53% (1.594 tiểu dự án). Trong đó, các tiểu dự án của hợp phần vận hành và bảo trì chậm quyết toán nhất. Hợp phần vận hành và bảo trì có tổng số 451 tiểu dự án thì mới chỉ quyết toán được 129 tiểu dự án (chiếm 29%). Còn tiểu hợp phần đầu tư và phát triển kinh tế huyện cũng vậy. Dù có 109 công trình xây lắp đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng mới chỉ quyết toán được hơn 10% khối lượng các công trình. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực một số chủ đầu tư hạn chế, chưa thực sự trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền cơ sở còn hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quyết toán, hoàn thành các thủ tục của các công trình đã khởi công xây dựng. Một số công trình phát sinh khối lượng sau khi dự toán hoàn thành dẫn đến thiếu kinh phí thực hiện, có công trình bị hỏng do mưa lũ... nên đến nay chưa thể lập hồ sơ quyết toán.

v
Nhiều dự án đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể quyết toán

 

Theo Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo các cấp thì nguyên nhân chính do hầu hết các dự án, công trình mới được bổ sung năm 2014 nên chưa thể triển khai quyết toán, vì nhiều vướng mắc: Chưa thi công xong; thiếu cán bộ tăng cường năng lực, cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng... Anh Ngô Văn Cuội, cán bộ Ngân sách Phát triển xã, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Điện Biên Đông cho biết: Huyện có 209 bản thuộc vùng dự án. Trong 5 năm đã triển khai 135 công trình đường giao thông, 11 tiểu dự án thủy lợi và 44 công trình nước sinh hoạt được sửa chữa, làm mới. Hầu hết các chương trình, dự án được thực hiện năm 2014, song đến tháng 7/2015 đã hoàn thành. Do vậy, trong khoảng thời gian ngắn cán bộ Phòng Tài chính Kế hoạch huyện không thể giải quyết được lượng lớn hồ sơ, trong khi bộ phận này chỉ có 1 người đảm nhiệm. Bên cạnh đó, nguyên nhân năng lực cán bộ cũng là một vấn đề làm chậm tiến độ quyết toán dự án. Như ý kiến ông Vừ A Cầu, cán bộ tổ vận hành bảo trì xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa thì năng lực của số cán bộ cơ sở yếu trong lập hồ sơ quyết toán nên để hồ sơ sai lệch làm lại nhiều lần.

Qua ý kiến của cán bộ cơ sở, tại hội nghị tổng kết vừa qua, đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo Dự án Giảm nghèo tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án các huyện và địa phương đẩy nhanh quyết toán nguồn vốn xây dựng cơ bản xong trước năm 2016, trên cơ sở đó điều chỉnh các công trình để khởi công đúng yêu cầu. Các dự án liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản cần đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đã giải ngân. Đối với những dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chậm nộp hồ sơ quyết toán yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, lập báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm tra phê duyệt quyết toán theo quy định, tránh tình trạng kéo dài sang giai đoạn mới sẽ ảnh hưởng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương./.

 

Văn Tâm
 

.