Nghề "chăn" ong

Thứ Năm, 14/05/2015, 11:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ lâu người ta thường nói đến chăn trâu, chăn bò nhưng ít khi nhắc đến chuyện chăn ong mật. Thế nhưng, với những người nuôi ong mật “quy mô” thì việc “chăn” ong không quá xa lạ. Như thường lệ, hàng năm cứ đến “hẹn”, người nuôi ong bắt đầu hành trình của mình cùng với đàn ong. Họ rong ruổi khắp nơi, từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống đồng bằng, vượt chặng đường hàng ngàn ki lô mét đến những vườn cây đầy hoa để “chăn” ong.

Không thể phủ nhận nghề nuôi ong đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Song để có được những giọt mật thơm ngon là bao nỗi vất vả của người nuôi. Hiện ở tỉnh ta có khoảng 6.000 đàn ong, quy mô mỗi đàn trên 100 thùng. Trong khi lượng hoa trên địa bàn không đủ cung cấp mật cho ong. Do vậy, để duy trì đàn ong hàng năm người nuôi phải đưa ong về các tỉnh khác để “chăn”.

Thời điểm từ tháng 2 trở đi, khi những vườn vải ở Thanh Hà, Chí Linh (Hải Dương); Lục Ngạn (Bắc Giang) hay nhãn (Hưng Yên)… nở rộ hoa cũng là lúc anh Nguyễn Văn Lợi, bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên “bay” theo đàn ong của mình về đây tìm mật. Là người có thâm niên gần 20 năm nuôi ong, anh Lợi chia sẻ: “Nghề “chăn” ong không giống bất cứ nghề nào khác, người làm nghề này cũng phải cần mẫn như một chú ong, phải đi khắp các vùng miền. Hết mùa hoa nơi này lại phải di chuyển đến nơi khác”. Để đưa ong đi “chăn” người nuôi trước hết phải khảo sát địa bàn, tìm những vùng hoa có diện tích tương đối lớn, đồng thời nguồn hoa nở phải tiết mật ít nhất từ 20% trở lên. Theo anh Lợi thì huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là địa điểm tập kết lớn của các đàn ong từ khắp nơi về đây. Bởi đây là vùng cây ăn quả lớn của miền Bắc với 22 nghìn héc ta cây ăn quả các loại, trong đó có 18 nghìn héc ta vải thiều. Sau khi khảo sát được địa bàn di chuyển đàn ong cũng phải tuân thủ những điều kiện bắt buộc như di chuyển vào ban đêm để không làm ảnh hưởng đến đàn ong và tránh tình trạng phân tán đàn do bị thay đổi địa điểm đột ngột.

j
 Anh Nguyễn Văn Lợi chăm sóc đàn ong

 

Chia sẻ với chúng tôi về nghề “chăn” ong, anh Lợi kể, khoảng 10 năm trước khi số lượng đàn ong trên địa bàn tỉnh còn ít thì hiếm khi phải đưa ong đi lấy mật. Nhưng 5 năm gần đây, số lượng đàn ong tăng vọt, không đủ mật nên hàng năm phải đưa ong đi các tỉnh khác lấy mật. “Một năm, bình quân phải di chuyển từ 7 đến 10 lần. Thường từ tháng 2 bắt đầu đưa các đàn ong về vườn vải Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn Hưng Yên, rồi cứ thế xuôi vào các tỉnh miền Trung, thu mật keo, tràm, cao su... Cuối tháng 7, lại đưa những thùng ong ngược về Điện Biên để bắt đầu mùa nuôi dưỡng”, anh Lợi cho biết. Cũng theo anh, để đưa được một số lượng đàn ong lớn đi nơi khác không hề đơn giản bởi công vận chuyển rất khó. Mỗi lần vận chuyển phải thuê xe tải chở đi. Thế nhưng, khi đưa được ong đến địa điểm không phải là xong. Nhất là thay đổi thời tiết sẽ ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của ong, cho nên nếu mưa nhiều ong không đi lấy mật, bắt buộc phải đổ đường cho ăn. Suốt thời gian “chăn”, người chủ phải ở trong những lán trại, chịu đựng cảnh sinh hoạt thiếu thốn. Chính vì vậy, nhiều người nói nghề “chăn” ong giống như đánh bạc với trời. Tìm được nơi nhiều hoa, gặp thời tiết tốt thì chẳng mấy chốc mà giàu. Có những vụ hoa nhãn xum xuê, trời nắng đẹp thì cứ khoảng 5 ngày là thu được một lứa mật. Nhưng chẳng mấy khi được như vậy.

Hành trình của những người nuôi ong thường gặp thời tiết thất thường. Có những chuyến đi vượt hàng ngàn ki lô mét nhưng đến nơi thì trời mưa ròng rã, không thể thu hoạch. Chi phí thuê xe, tiền sinh hoạt, thức ăn cho ong… mùa ấy xem như thất thu. Với kinh nghiệm lâu năm của mình, anh Lợi cho rằng cái khó của nghề là nhận định tình hình thời tiết. Nhớ lại thời điểm năm 2000, khi mới bước chân vào nghề nuôi ong, do chưa có kinh nghiệm nên anh Lợi vận chuyển hơn 100 thùng ong xuống Bắc Giang đúng vào đợt rét đậm và mưa phùn. Đợt ấy số lượng ong chết khoảng 10%. Năm đó xem như thất thu. Bên cạnh yếu tố thời tiết, thì người “chăn” ong phải đến đúng mùa hoa nở và đi lúc nó chưa tàn, nếu không các chủ hộ sẽ phun thuốc đậu quả, gây nguy hiểm cho đàn ong và ảnh hưởng đến chất lượng mật ong. Do đó, trước khi đến vùng nào đó, người nuôi ong phải cử một người đi trước dò đường, đánh giá vùng hoa, chọn chỗ đặt đàn ong, thuê địa điểm, liên hệ với chính quyền địa phương. Chính vì vậy, người ta thường ví những người nuôi ong như những con ong thợ chăm chỉ bay đi khắp nơi hút mật ngọt dâng đời.

Gần 20 năm trong nghề anh Lợi đã mang đàn ong của mình đi đến hàng chục tỉnh, thành trong cả nước để tìm hoa. Xa nhất là vào đến các tỉnh Quảng Trị. Còn các tỉnh phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình... đàn ong của anh đều đã đặt chân đến. Theo các chủ ong, mỗi khi chuyển đến một địa bàn mới, việc đầu tiên là phải đến làm việc với chính quyền sở tại để đăng ký tạm trú, cam kết không để xảy ra mất an ninh trật tự, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực...

Trung bình với những người nuôi ong trên 100 thùng nếu thuận lợi trừ chi phí cũng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Để cảm nhận được hương vị mật ong thơm ngon, anh Lợi rót đầy chén mật mời chúng tôi thưởng thức. Nâng chén mật trên tay, nhấm nháp từng giọt mật vàng sánh, thơm ngon, tôi chợt nhớ tới câu hát: “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật”. Đúng là mùa của các loài hoa bung nở cũng là lúc những người thợ “bay” cùng những con ong bé nhỏ đi khắp nơi để mang về những giọt mật tinh túy cho đời./.

 

Văn Tâm
 

.