Sức sống mãnh liệt trên cánh đồng Mường Thanh

Thứ Năm, 07/05/2015, 18:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - 61 năm trở về trước, tại lòng chảo Mường Thanh đã diễn ra trận quyết chiến cuối cùng, kết thúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân pháp xâm lược với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 61 năm sau ngày chiến thắng, mảnh đất huyền thoại này đã hồi sinh mạnh mẽ, khoác lên mình diện mạo mới, vươn lên cùng sự phát triển của đất nước.

vv
Cánh đồng Mường Thanh đã chiếm tới 37% tổng sản lượng lúa gạo toàn tỉnh

 

Nhắc đến cánh đồng Mường Thanh, có lẽ không chỉ những người con ở Điện Biên, Tây Bắc mà trên mọi miền Tổ quốc đều biết đến là cánh đồng rộng lớn nhất, bằng phẳng và phì nhiêu nhất vùng Tây Bắc, trải dài hơn 20km với chiều rộng trung bình 6km, diện tích canh tác trên cánh đồng Mường Thanh lên tới gần 6 nghìn ha lúa trong 2 vụ.

Những ngày này, 61 năm về trước, cánh đồng Mường Thanh đang phải gồng mình hứng chịu biết bao trận mưa bom, lửa đạn, in dấu bằng những trận đánh ác liệt của quân dân ta chống thực dân Pháp. Trên cánh đồng Mường Thanh, mỗi tấc đất, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm máu đào của những chiến sỹ Điện Biên quả cảm năm xưa đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những ký ức của những trận chiến trên cánh đồng Mường Thanh như vẫn còn vẹn nguyên đối với những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Ông Nguyễn Văn Thóa, Chiến sỹ Điện Biên xã Thanh An, huyện Điện Biên cho biết: “61 năm về trước, cánh đồng Mường Thanh rất hoang tàn, quân địch nhảy dù xuống đã phá hoại khắp cánh đồng, đánh bom, làm vành đai xung quanh, dân thì dồn vào một chỗ để địch dễ kiểm soát và thỉnh thoảng lại ra bắt trâu, bắt lợn của dân.”

Ngay sau ngày giải phóng, phong trào san lấp hố bom mìn, thu gom  dây thép gai trên cánh đồng Mường Thanh nhằm khôi phục đời sống và sản xuất của người dân đã được triển khai mạnh mẽ. Ngày đó, trên cánh đồng Mường Thanh, nhân dân chỉ canh tác được 1 vụ lúa mùa với diện tích còn hạn chế. Để từng bước mở rộng diện tích canh tác và năng suất cây trồng, năm 1962, Đảng và Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm, với sự góp sức trẻ của 2 nghìn thanh niên xung phong trên mọi miền Tổ quốc tự nguyện xây đập tích nước. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đại thủy nông Nậm Rốm vẫn miệt mài cung cấp nước tưới mát cho cánh đồng Mường Thanh.

vv
Điện Biên đã từng bước đưa cơ giới hóa để thâm tăng canh vụ, tăng năng suất sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng Mường Thanh

 

Nằm trong lòng chảo Điện Biên, từ mảnh đất chịu nhiều đau thương, khói lửa, cánh đồng Mường Thanh nay đã trở thành vùng sản xuất lúa gạo tập trung với quy mô lớn nhất của vùng Tây Bắc. Từ sản xuất 2 vụ lúa, trong đó có tới 90% diện tích gieo trồng là giống lúa chất lượng cao, cánh đồng Mường Thanh đã chiếm tới 37% tổng sản lượng lúa gạo toàn tỉnh, trung bình hiện nay năng suất đạt từ 58 - 60 tạ/1ha lúa chiêm xuân, 65 - 67 tạ/1ha lúa mùa, nông dân thu về trên 100 triệu đồng/1ha. Nhờ được bồi đắp phù sa, hội tụ những tinh túy của đất trời và những dòng nước mát từ công trình đại thủy nông Nậm Rốm đã làm nên thương hiệu gạo Điện Biên nức tiếng xa gần.

Không chỉ nổi tiếng về diện tích với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh đã mang đến những hạt ngọc thơm ngon với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo nhỏ, dẻo ngọt, có hương vị thơm ngon tự nhiên. Xác định sản xuất lúa gạo là trọng tâm trong phát triển kinh tế của tỉnh, trong nhiều năm trở lại đây, Điện Biên đã từng bước đưa cơ giới hóa để thâm tăng canh vụ, tăng năng suất sản xuất nông nghiệp, tạo thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm gạo Điện Biên.

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đối với cánh đồng Mường Thanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ tuyên truyền về việc cơ giới hóa và đã thực hiện thí điểm một số mô hình như: Máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hợp, máy xay xát. Để đầu ra của gạo ổn định, Sở cũng tham mưu phối hợp với các ngành trong việc quản lý chất lượng vật tư đầu vào như: Giống, phân bón, thuộc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố về việc xây dựng các mô hình thí điểm sản xuất gạo an toàn.”

Cánh đồng Mường Thanh mùa này lúa đang trổ bông, phơi màu trong chiều gió mát, hứa hẹn một mùa vàng bội thu. 61 năm đã trôi qua, những bông lúa trĩu hạt đã minh chứng cho sự kiên trì, óc sáng tạo và bàn tay lao động cần cù của người dân Điện Biên, khẳng định sức sống mãnh liệt và trường tồn của cánh đồng Mường Thanh cũng như những người con trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng./.

 

Như Quỳnh - Hoàng Út

.