Điện Biên vào xuân

Thứ Tư, 18/02/2015, 15:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là chúng ta bước vào năm Ất Mùi 2015. Lúc này, tại Quảng trường 7/5 và trung tâm huyện Nậm Pồ dòng người đang tấp nập đổ về để thưởng thức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa. Ở các trung tâm huyện lỵ, thị xã cũng tấp nập người và xe trên các tuyến phố được trang hoàng rực rỡ bởi hoa và ánh đèn, còn ở mỗi khu dân cư hay trong mỗi ngôi nhà từ vùng thấp đến vùng cao mọi người quây quần, đoàn tụ háo hức chờ đón thời khắc giao thừa, chờ đón năm mới với nhiều niềm tin và hy vọng.

c
Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,08%

Vậy là năm cũ 2014 đã đi qua, xuân về Tết Cổ truyền của dân tộc đã đến. Đất trời thêm một năm mới, con người thêm một tuổi mới. Năm mới đã về mang sắc xuân đến khắp các bản làng với biết bao dự cảm tốt đẹp, an lành.

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước do Đảng đề xướng và lãnh đạo, nhất là sau 4 năm (2010 – 2014 ) dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, điều hành của chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và người dân, tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh luôn trong thế ổn định, quốc phòng – an ninh đảm bảo; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố kiện toàn, chất lượng hoạt động nâng lên. Các chương trình dự án, chính sách đầu tư phát triển của Đảng, Nhà nước tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, cùng với quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, đồng thời với sự giúp đỡ của cả nước đã tạo điều kiện để tỉnh phát triển.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2014, năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và kế hoạch 5 năm 2011-2015 trong bối cảnh nền kinh tế trong nước tăng trưởng, phục hồi chậm hơn dự báo, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ thận trọng với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khiến sức mua của thị trường sụt giảm, cộng với tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tình hình thiên tai, lũ lụt diễn biến phức tạp; đặc biệt là thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra. Tình trạng di cư tự do, tuyên truyền trái pháp luật, tình hình buôn bán, sử dụng ma túy... diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Khó khăn, thách thức là vậy song cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nguồn lực đầu tư thông qua nhiều chương trình dự án tiếp tục được đầu tư, đồng thời năm 2014 là năm diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức ở cấp Quốc gia tại tỉnh, là điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2014, là một năm hết sức khó khăn song cũng là một năm kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên phát triển rất tốt. Kết thúc năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,08%. Tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng là kết quả khá tích cực trong điều kiện của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Mức tăng trưởng này cao hơn so với năm 2013 cho thấy kinh tế đã ổn định và phát triển hơn năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng 5,04%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,26%; dịch vụ tăng 12,94%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định.

Năm 2014, cũng như mọi năm Điện Biên luôn phải đối mặt với sự "đỏng đảnh" của thời tiết. Đầu năm rét đậm rét hại, giữa năm lũ ống lũ quét, cuối năm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rình rập tái bùng phát. Năm 2014, còn đánh dấu với sự thiệt hại không nhỏ bới ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây ra khi hàng trăm ha lúa sắp đến ngày thu hoạch bị bão gió, bùn đất vùi lấp. Trước tình đó, không ít người lo lắng nghĩ rằng sản xuất lương thực sẽ gặp khó khăn, song với rất nhiều giải pháp được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra và triển khai kịp thời nên tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh vẫn đạt 247 ngàn tấn, tăng 11.276 tấn so với năm 2013. Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 462 kg/người/năm.

Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đạt được những thành tích trên là do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc sản xuất lương thực, đặc biệt là sản xuất cây lúa nước. Những năm qua, hệ thống cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho bà con nông dân được tăng cường. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 800 công trình thủy lợi, hơn 500 công trình thủy lợi đã được kiên cố hóa và số km kênh mương được kiên cố hóa là 1.373,5km, đây là một lợi thế thể phát triển cây lúa nước.

Cùng với thành tựu về lĩnh vực nông nghiệp, năm 2014, sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực hơn so với năm 2013. Một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp tăng cao so với năm trước như: điện, xi măng, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi. Lưu thông hàng hoá và dịch vụ thương mại trên thị trường sôi động, hàng hóa trên thị trường phong phú. Giá cả các hàng hóa, dịch vụ tương đối ổn định cho thấy hiệu quả của chính sách điều hành nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát được phát huy.

Về hoạt động du lịch, năm 2014, phát triển khá mạnh và sôi động do các hoạt động xúc tiến phát triển du lịch liên vùng và các hoạt động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức với nhiều hoạt động. Lượng du khách du lịch đến Điện Biên tăng mạnh, nhất là dịp trước ngày 7/5/2014. Dự ước trong năm đã đón 440 ngàn lượt khách, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,6% so với năm 2013; trong đó, khách Quốc tế ước đạt 75 ngàn lượt, tăng 12,3%. Doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 540 tỷ đồng, tăng 24,5%.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai tích cực, trong năm tỉnh đã chấp nhận hơn chục chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 3.632 tỷ đồng. Trong năm, toàn tỉnh có thêm 100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Kinh tế tập thể và hộ kinh doanh tiếp tục phát triển. Dự ước năm 2014 có 23 hợp tác xã mới được thành lập, với tổng số vốn đăng ký là 46 tỷ đồng; nâng tổng số lên 166 hợp tác xã, với tổng số vốn đăng ký 215 tỷ đồng. Đăng ký mới 1.430 hộ kinh doanh.

Năm 2014 đã đi qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế đất nước có nhiều khó khăn thách thức, song các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Bước sang năm 2015, năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XII và kế hoạch 5 năm (2010 – 2015), các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn lại hết sức nặng nề. Bên cạnh những khó khăn, bất lợi về điều kiện tự nhiên và xã hội là tình hình thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, nguy cơ dịch bệnh bùng phát gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể xảy ra; nguồn lực đầu tư từ ngân sách khó khăn trong khi phải ưu tiên để thanh toán nợ đọng, yêu cầu hoàn thành những dự án trọng điểm có thời hạn kết thúc vào năm 2015 sẽ là những yếu tố tác động chi phối đến hoạt động chỉ đạo điều hành và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo của tỉnh trong năm 2015.
 

c
Năm qua, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 247 ngàn tấn, tăng 11.276 tấn so với năm 2013

Trước dự báo và đứng trước những khó khăn nêu trên, năm 2015, tỉnh phấn đấu mục tiêu chung đó là: Nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo bền vững gắn với phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Phấn đấu tốc độ phát triển kinh tế 10%, trong đó giá trị sản xuất khu vực nông - lâm nghiệp tăng 4,5%, công nghiệp xây dựng tăng 11,7%, khu vực dịch vụ tăng 11,82%; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xác định. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28%, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 90% xã đi lại được quanh năm, 100% xã, phường có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với 83% số hộ được dùng điện và một số mục tiêu khác về về an sinh xã hội.

Để thực hiện các mục tiêu của năm 2015 cũng là những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (2010 – 2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tập thể Đảng bộ tỉnh thông qua các buổi họp bàn với trí tuệ tập thể được phát huy đã xác định tập trung thực hiện cho bằng được các giải pháp trên các lĩnh vực đó là: Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, là tăng cường phối hợp giữa các đơn vị liên quan chủ động lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng kênh mương nội đồng, hỗ trợ khai hoang để khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi được xây mới bảo đảm phát huy hiệu quả công trình đầu tư phục vụ cho cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác chỉ đạo và điều hành sản xuất, tích cực chủ động trong phòng chống dịch bệnh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm nghiệp. Tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất.  Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đo đạc địa chính và cắm mốc phân loại rừng làm cơ sở thực hiện công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện trồng rừng nhằm kịp thời đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến lâm sản. Tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành trong việc vận động nhân dân hợp tác, góp đất cùng với các doanh nghiệp thực hiện các dự án trồng cây công nghiệp, trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giám sát tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã được cấp phép, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ theo chính sách quy định của Nhà nước một cách chặt chẽ trên cơ sở kết quả triển khai của nhà đầu tư. Tăng cường hậu kiểm đánh giá năng lực thực sự của các nhà đầu tư nhằm ngăn chặn kịp thời những nhà đầu tư không có năng lực, lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông, khuyến lâm, công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm, chống rét cho trâu bò trong mùa đông, tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thủy điện. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt. Khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục gia hạn, cấp phép khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng tại địa bàn các huyện thị, trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có và bảo vệ môi trường, để các doanh nghiệp tăng cường sản xuất đáp ứng nhu cầu xây dựng, đảm bảo tính cạnh tranh giảm giá thành vật liệu xây dựng của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động thăm dò khai khai thác khoáng sản kim loại, để đảm bảo doanh nghiệp được cấp phép thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ về tài chính và bảo vệ môi trường theo quy định, cam kết; khuyến khích gắn khai thác với chế biến. Hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp có thị trường tiêu thụ và hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu của thị trường, nhất là các sản phẩm đặc trưng phục vụ nhu cầu du khách.

Về phát triển các ngành dịch vụ, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng phát triển hạ tầng thương mại, chợ tại các đô thị; mở rộng cơ sở kinh doanh thương mại tại các vùng khó khăn để thúc đẩy sản xuất hàng hóa và giao lưu thương mại. Tiếp tục triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Nâng cao chất lượng công tác quản lý thị trường, chất lượng hàng hóa và quản lý giá cả. Thực hiện tốt cơ chế quản lý đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo phương châm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân, doanh nghiệp để thu hút các nguồn hàng từ các địa phương lân cận. Tăng cường phối hợp với các tỉnh Bắc Lào để đầu tư hạ tầng, thống nhất cơ chế chính sách quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển dịch vụ xuất, nhập khẩu. Chú trọng tập trung khai thác tiềm năng về dịch vụ du lịch, gắn với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Khuyến khích đầu tư hạ tầng mạng viễn thông, mở rộng ứng dụng các phương thức truy nhập băng thông rộng.

Về nhiệm vụ giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đó là tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm thông qua các dự án cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động mất việc làm; nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động. Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án và chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo; huy động các nguồn lực cho công tác XĐGN, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.  

Các giải pháp tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư được đưa ra là: Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư, thực hiện nhất quán các chính sách ưu đãi hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tiếp tục tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án sau khi cấp phép đầu tư để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Kiên quyết rút giấy phép đầu tư đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực theo đăng ký, chậm trễ, không triển khai thực hiện dự án theo quy định.

Giải pháp quan trọng có ý nghĩa rất lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội năm 2015 được tỉnh xác định đó là: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020, thực hiện rà soát cắt giảm, sửa đổi kịp thời các thủ tục hành chính không còn phù hợp với quy định mới. Tăng cường thông tin, phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong điều hành thực hiện kế hoạch. Tiếp tục hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới phương thức điều hành của các cơ quan hành chính theo hướng mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO trong quá trình hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Ất Mùi 2015 đã về, chúng ta tự tin và hy vọng gặt hái nhiều thành công khi những thành tựu có được từ những năm trước tiếp tục tạo thế, lực cho sự phát triển của năm 2015 và các năm tiếp theo. Ở thời khắc thiêng liêng tràn đầy cảm xúc giữa năm cũ và năm mới này, chúng ta dâng trọn niềm tin và hy vọng một năm mới với bao dự cảm tốt lành, bởi chúng ta luôn có một chỗ dựa vững chắc, một niềm tin vững chắc, đó là những định hướng và quyết sách trí tuệ, trách nhiệm của Đảng./.

 

Nhâm Hòa - Duy Hưng
 

.