Đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa

Thứ Hai, 18/08/2014, 18:11 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian qua, công tác đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa đã được các huyện, thị của tỉnh rất quan tâm. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, bởi điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của các xã vùng sâu, vùng xa, để thực hiện cuộc vận động này không hề dễ dàng.

Ở các địa phương vùng sâu, vùng xa tỉnh ta hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân là không nhỏ. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế của đồng bào còn khó khăn, nên hàng hóa được đưa về tiêu thụ ở khu vực này thường là các mặt hàng có giá cả phải chăng. Đây chính là cơ hội để hàng hóa giá rẻ, chất lượng kém thâm nhập thị trường nông thôn miền núi qua nhiều con đường.

Ở huyện Tủa Chùa, hàng hóa được đưa về tập trung ở chợ thị trấn và các chợ phiên. Chúng tôi đã nhiều lần dạo qua các chợ phiên ở Tả Sìn Thàng, ở Xá nhè và chợ Huổi Só. Ở các phiên chợ này hàng nông sản địa phương được bày bán nhiều, bên cạnh đó là các mặt hàng tiêu dùng như: vải vóc, quần áo, các loại nhu yếu phẩm cần thiết và thậm chí là cả thuốc tây. Hàng hóa phong phú đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tại các phiên chợ này cũng có không ít hàng hóa trôi nổi, kém chất lượng và hàng Trung Quốc không rõ xuất xứ. Bởi hợp với túi tiền của người dân miền núi, lại có mẫu mã phong phú nên các mặt hàng này vẫn được tiêu thụ mạnh.

Họp thường xuyên như chợ đầu mối của cả huyện là chợ thị trấn Tủa Chùa, đây là nơi có khá nhiều loại hàng hóa hợp với các thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng, nhiều nhất là hàng may mặc và thực phẩm. Nhưng cũng có thể thấy, phần lớn hàng hóa ở đây là loại hàng giá rẻ, không rõ xuất xứ. Qua cách mua hàng của người tiêu dùng đến chợ, chúng ta có thể thấy được phần nào đó thị hiếu của người tiêu dùng ở các xã, huyện vùng cao.

b
Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên bà con vùng sâu, vùng xa vẫn lựa chọn những sản phẩm phù hợp với túi tiền mà ít quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.


Anh Chơ A Khày, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, cho biết: "Khi đi mua hàng tôi cũng rất quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Tuy nhiên, để mua một sản phẩm nào đó thì tôi lại quan tâm giá cả của nó có phù hợp với túi tiền của mình không. Người miền núi, vùng sâu, vùng xa như chúng tôi điều kiện kinh tế khó khăn, nên thường phải cân nhắc trước khi lựa chọn sản phẩm".

Ngoài các gian hàng nhỏ trong chợ, thị trấn Tủa Chùa còn có những cửa hàng bách hóa tổng hợp, trong đó có đủ các loại mặt hàng được gắn nhãn, mác Việt Nam, Thái Lan và cả hàng Trung Quốc. Theo các chủ cửa hàng lớn ở đây, sau nhiều thông tin từ truyền hình, báo chí phản ánh về tình trạng nhiều hàng Trung Quốc có sử dụng các chất gây ung thư, hàng Việt Nam đã trở thành tiêu chí lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Ngoài ra, người dân cũng ưa chuộng hàng Thái Lan. Song vì rẻ tiền và có màu sắc, kiểu dáng bắt mắt, hàng Trung Quốc vẫn có mặt nhiều trên thị trường và có không ít khách hàng.
 
Huyện Tủa Chùa có 12 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Bởi các cơ sở buôn bán, kinh doanh phân tán, nhỏ lẻ, số lượng hàng hóa ít, quy mô nhỏ nên khó kiểm soát chặt chẽ. Đây là khó khăn chính cho việc thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại của các cơ quan chức năng huyện.

Làm việc với Đội quản lý thị trường số 9 chúng tôi được biết, do đặc thù về điều kiện địa hình và phân bố dân cư của huyện, công tác nắm bắt tình hình diễn biến hoạt động kinh doanh ở các xã vùng cao có những khó khăn, nên việc kiểm soát hàng hóa lưu thông đến các xã trên địa bàn, được thực hiện ngay tại các cơ sở kinh doanh ở trung tâm huyện. Đây chính là đầu mối phân phối hàng hóa tới các xã. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thống kê, rà soát số thương nhân phân phối hàng hóa, theo dõi việc chấp hành pháp luật thương mại của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; nắm bắt thị trường và tình hình cung cầu hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu, là nhiệm vụ thường xuyên Đội quản lý thị trường số 9. Đây cũng là biện pháp để Đội kịp thời nắm bắt, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm.

v
Cán bộ Đội QLTT số 9 kiểm tra các mặt hàng được bày bán tại một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thị trấn Tủa Chùa.


Hiện nay, huyện Tủa Chùa có trên 180 cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm, Đội quản lý thị trường số 9 phối hợp với đội kiểm tra liên ngành của huyện, tổ chức nhiều đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và kiểm tra việc đăng ký sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là vào các dịp như Tết Nguyên Đán, dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Trần Chí Cương, Phó Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 9, cho biết: Qua kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh thường mắc các lỗi vi phạm về bán hàng hết hạn sử dụng; hàng không có xuất xứ rõ ràng; sản xuất, chế biến thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh, nguồn thực phẩm chưa đảm bảo; không có giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật... đều được Đội xử lý kịp thời.
 
Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, công tác khuyến khích đưa hàng Việt, đặc biệt là hàng Việt chất lượng cao về các xã vùng sâu, vùng xa, vẫn là trăn trở đối với những người quản lý về lĩnh vực công thương huyện Tủa Chùa. Do thị trường tiêu thụ nhỏ bé, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập quán sản xuất tự cung, tự cấp, điều kiện kinh tế có hạn, nên lượng hàng hóa tiêu thụ ở tuyến xã rất ít. Hơn nữa, hàng Việt Nam có chất lượng đảm bảo, giá thành thường cao hơn hàng Trung Quốc chất lượng kém, do đó càng khó tiêu thụ. Vấn đề ở đây không chỉ là đưa hàng Việt về vùng cao, mà còn là làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân vùng cao và khuyến khích được bà con tăng cường tiêu dùng hàng Việt. Để làm được điều này, Sở Công thương Điện Biên, Phòng Công thương huyện Tủa Chùa đã vận động tổ chức đưa hàng hóa về vùng cao qua hình thức chợ phiên. So với một số huyện vùng cao khác trong tỉnh thì việc tổ chức được các chợ phiên ở Tủa Chùa, khiến hàng Việt có nhiều cơ hội về với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa hơn.

Ông Nguyễn Hữu Khiêm, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Tủa Chùa, cho biết: "Để đưa hàng Việt về với vùng sâu, vùng xa, huyện Tủa Chùa đã chủ động trong công tác tuyên truyền để thay đổi thói quen tiêu dùng trong nhân dân. Chúng tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước để đưa hàng hóa tới với nhân dân".

Khuyến khích đưa hàng Việt về vùng cao qua kênh phân phối của các tiểu thương chợ đầu mối, qua chợ phiên, đồng thời từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân vùng cao về sử dụng hàng Việt đảm bảo chất lượng, không phải là việc làm mới ở Tủa Chùa nói riêng và các huyện vùng sâu, vùng xa trên toàn tỉnh ta nói chung. Tuy nhiên, để cuộc vận động thực sự đạt hiệu quả vẫn cần có chính sách khuyến khích đối với các tư thương và doanh nghiệp, đồng thời cần có sự đầu tư hợp lý, đảm bảo giao thông tới tới huyện và tới các xã vùng sâu, vùng xa.
    
 

Minh Giang – Trọng Lâm

.