"Biểu dương, tôn vinh những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"

Thứ Ba, 10/12/2019, 13:43 [GMT+7]
Điện Biên TV - Nhiều cá nhân, tập thể người dân tộc thiểu số đã được biểu dương, tôn vinh tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ III năm 2019. 
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Đại hội.
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên lần thứ III năm 2019, đồng chí Trần Văn Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: “Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây là dịp ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời để tổng kết đánh giá thành tựu và kết quả đạt được đồng thời hoạch định chủ trương, chính sách, xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời gian tới.

Để ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, đó là "phấn đấu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc” hơn bao giờ hết, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh Điện Biên bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm: Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc Việt Nam ta trong sản xuất và đời sống; nêu cao vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng thôn, bản ngày càng văn minh, giàu đẹp.; 

Chủ động tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tham gia đào tạo, học nghề, khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các địa phương, các dân tộc trong tỉnh.

Hưởng ứng và tham gia tích cực hơn với chính quyền địa phương trong việc thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, vừa có việc làm, vừa tăng thu nhập, vừa đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục tạo điều kiện để con em mình được đến trường học tập, duy trì việc thăm khám bệnh tại cơ sở y tế, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các phong tục đang là rào cản để vươn lên thoát nghèo. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hóa”, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Toàn cảnh đại hội.
Toàn cảnh đại hội.

Trong 5 năm qua (2014-2019), tỉnh Điện Biên đã quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù để phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS từ đó góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu trên các lĩnh vực: 

Kinh tế của tỉnh đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao; sản xuất nông - lâm nghiệp từ phương thức sản xuất dựa vào thiên nhiên là chính, đồng bào các dân tộc thiểu số đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đầu tư giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng đất đai trên địa bàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt bình quân 29,7 triệu/người/năm, tăng 28% so với năm 2015.

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình được thực hiện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, được nhân dân các dân tộc đồng tình ủng hộ cao, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ trực tiếp cho đời sống nhân dân; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, dự kiến đến hết năm 2019 có 30 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82,7%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia chiếm 90,52%...

Văn hóa, giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. 100% các xã đã có trạm y tế khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, với tỷ lệ 12,2 bác sỹ/1 vạn dân; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường lớp học, đội ngũ giáo viên được chuẩn hoá. Các hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng về cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân. Công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc được tỉnh quan tâm khôi phục và phát triển, góp phần quan trọng trong xây dựng đời sống chính trị, tư tưởng, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung triển khai thực hiện đồng bộ như: chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg, Chính sách bảo vệ phát triển rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP... Dự kiến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 33,97%.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh phát động, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng và tham gia; đồng bào đã tích thực hiện phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khư dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trở thành tấm gương đoàn kết dân tộc, gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hướng dẫn bà con phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã có bước trưởng thành đáng kể.

Toàn cảnh đại hội.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các cá nhân, tập thể.

Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 5 tập thể và 20 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019; UBND tỉnh Điện Biên cũng đã tặng Bằng khen cho 10 cá nhân, 4 tập thể.

 
 
Tử Long/DIENBIENTV.VN
.