Hồi sinh sau hơn 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ Năm, 07/05/2015, 16:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vào những ngày này cách đây 61 năm, thung lũng Mường Thanh đang diễn ra những trận đánh cuối cùng. Khắp lòng chảo Điện Biên trắng xóa một màu cờ xin hàng, chiến trường ngổn ngang. Nhưng giờ đây, trên chính chiến trường xưa, Điện Biên Phủ đã trở thành thành phố khang trang. Các công trình lớn, nhỏ mọc lên, biểu thị cho sức trẻ của một thành phố đang trên đà phát triển.

c
Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, là chiến sỹ Điện Biên năm xưa thăm lại đồi A1

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, họ cùng chung một chiến hào, "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn" chiến đấu quả cảm, sẵn sàng hy sinh để làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Hơn 60 năm sau, họ trở về chiến trường xưa với nỗi niềm cháy bỏng, cùng nhớ lại những ngày tháng giành giật từng mét chiến hào, từng mỏm đồi, khe suối và cùng chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất đau thương hơn 60 năm về trước.

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Vinh, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên nhớ lại: "Giữa đồi A1 này, nó là cứ điểm cao nhất và quan trọng nhất ở khu đông của 5 cứ điểm quan trọng nhất, trong đó có A1, C2, C1 và đồi E, D. Nó án ngữ toàn bộ phía đông này để bảo vệ hầm Đờ-cát, do đó không dứt điểm được cái A1 này thì chúng ta không có đường để tấn công vào Sở chỉ huy của địch. Qua hơn 18 ngày đêm đào liên tục mà chỉ riêng mở được một cửa đã hy sinh cả một tiểu đội. Cuối cùng đã đặt được quả bộc pháo tại đây và đêm 6/5 quả bộc phá này nổ làm hiệu lệnh cho tổng công kích."

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trạch, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khi lên tới đây tôi không thể nhận ra bãi chiến trường năm xưa giờ đã trở thành thành phố khang trang, sạch đẹp. Thấy vậy tôi rất xúc động và chảy cả nước mắt."

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với nhân dân Tây Bắc, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Từ một mảnh đất từng bị bom đạn cày xới với ngổn ngang phế tích chiến tranh, giờ đây trong lòng chảo Mường Thanh đã hiện lên một thành phố trẻ khiêm nhường mà lộng lẫy, khác xa với ký ức năm nào.

Ngược thời gian, năm 1990, thị xã Điện Biên Phủ nay là thành phố Điện Biên Phủ được thành lập với dân số 25.000 người, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đơn sơ. Song với niềm hứng khởi được "an cư lạc nghiệp" lâu dài, nên chỉ trong một thời gian ngắn, đội ngũ cán bộ và đồng bào các dân tộc nơi đây đã đồng tâm hiệp lực, nhanh chóng xây dựng vùng đất này trở thành đô thị loại ba vào năm 2003.

v
Một góc nhìn của thành phố Điện Biên Phủ hôm nay (Ảnh: Nguồn internet)

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo và huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, thành phố Điện Biên Phủ đã có bước phát triển vượt bậc, vững chắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều kỳ diệu nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân giai đoạn 2011 - 2013 đã đạt gần 17%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 2.900 USD/năm.

Trong năm 2014 vừa qua, thành phố Điện Biên Phủ đã hoàn thành 14/16 mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều mục tiêu đạt và vượt cao so với kế hoạch. Điển hình, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt trên 3.450 tỷ đồng, tăng 630 tỷ đồng so với năm 2013, đạt 109% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt gần 820 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2013; tổng giá trị xây dựng cơ bản đạt hơn 1.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 370 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn ước đạt 172 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 155 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt hơn 7.800 tấn, tỷ lệ hộ đói nghèo từ 0,83% xuống còn 0,5%.

Đồng chí Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ cho biết: "Để thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh giao và nghị quyết HĐND thành phố đã đề ra, thành phố đề ra 16 mục tiêu cần phải phấn đấu, trong đó mục tiêu hết sức quan trọng là kinh tế của thành phố phải tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Cụ thể, thành phố xác định, hàng năm tốc độ tăng trưởng từ 11 - 12%; xác định phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch là mũi nhọn, chiếm 63%. Thành phố cũng tập trung vào công tác quản lý đô thị và chỉnh trang đô thị nhằm tạo tiều đề phấn đấu thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại 2."

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thành phố còn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhiều dự án lớn được triển khai trên địa bàn, một số công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật được hoàn thiện và đưa vào sử dụng đã tạo nên một diện mạo mới khang trang hơn, tạo tiền đề để thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại 2 trong thời gian tới.    

Những ngày tháng 5 lịch sử này, đến với thành phố Điện Biên Phủ, du khách sẽ thực sự ngỡ ngàng trước sự hồi sinh nhanh chóng trên chính nền chiến trường cũ hiện lên một đô thị mang dáng vẻ hiện đại và được ví như nàng thiếu nữ đang vươn mình đón những tia nắng ban mai của ngày mới. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc thành phố đã và đang nêu cao truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, phát huy nội lực, nắm bắt thời cơ, quyết tâm xây dựng thành phố trở thành đô thị loại 2 thuộc tỉnh và là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc./.

 

Quốc Hưng

.