40 năm xứng đáng thành phố mang tên Bác Hồ

Chủ Nhật, 12/04/2015, 11:27 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cách đây 40 năm, với sự toàn thắng của Chiến dịch mang tên Bác Hồ vĩ đại, ngày 30/4/1975, thành phố Sài Gòn - Gia Định được hoàn toàn giải phóng. Bắt đầu từ thời điểm này, cùng với các sự kiện như Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945); Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 30/4/1975 đã và sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng rực rỡ và là một “dấu mốc bằng vàng” trong lịch sử kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Tổ quốc của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

v
Một góc TP.Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao (Ảnh: Nguồn internet)

 

Nhìn lại lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh cho thấy: Kể từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến khi chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Trong hơn hai thập kỷ đấu tranh cách mạng đó, cùng với cả nước và với niền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, nêu cao tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Đồng thời, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định còn là trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị, là địa bàn trọng điểm của chiến trường miền Nam, là điểm quyết chiến chiến lược của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đây là địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, cũng như của Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương cục miền Nam.

Thử thách hết sức gay gắt đối với Đảng bộ thành phố trong những năm tháng đó không chỉ là vượt qua biết bao gian lao, ác liệt, hy sinh mà chính là sự đọ sức với kẻ thù về mưu lược, về trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, của từng đảng viên để tồn tại, bám trụ, gây dựng phong trào, phát động và tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng. Mặc dù đứng ở đầu sóng, ngọn gió, giữa sào huyệt của kẻ thù nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vẫn luôn một lòng, một dạ kiên trung, bất khuất, cùng miền Nam “đi trước, về sau” trong cuộc trường chinh giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam ta. Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ này, đã có biết bao người con ưu tú của đất nước, của thành phố đã anh dũng vượt qua muôn vàn khó khăn, gian lao, thử thách, ác liệt, chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân, xông pha giữa làn tên, mũi đạn, lập nên chiến công hiển hách, làm nên căn cứ lòng dân vững chắc trong mỗi người dân thành phố. Những địa danh anh hùng: Củ Chi “Đất thép Thành đồng”, Địa đạo Phú Thọ Hòa gan góc, Hóc Môn “18 thôn vườn trầu”, An Phú Đông – Vườn Cau đỏ, Vùng Bưng 6 xã – Thủ Đức kiên cường bám trụ; một Chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ, Láng Le, Bàu Cò, Vườn Thơm – Bình Chánh,... cùng hàng ngàn cuộc đình công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình trong mũi đấu tranh chính trị không ngừng nghỉ, làm kẻ thù ăn không ngon, ngủ không yên. Giáp công cùng mũi vũ trang với hàng trăm trận đánh mưu trí, sáng tạo, táo bạo vào các mục tiêu hiểm yếu, vào các cơ quan đầu não chỉ huy bộ máy chiến tranh của địch tại Sài Gòn với hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, giành thắng lợi giòn giã, lập nên những chiến công vang dội, khắc họa nên “dáng đứng Việt Nam”, tạo thế và lực trên chiến trường, cùng quân và dân cả nước đi đến đỉnh cao là mốc son chói lọi của Đại thắng năm Xuân 1975 lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong mỗi chiến công của thành phố đều “có máu xương, công sức, trí tuệ của chiến sỹ và đồng bào khắp mọi miền đất nước”. Sự hy sinh của các thế hệ người Việt Nam ta trong những chiến công nơi đây còn góp phần tạo dựng nên truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, anh hùng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và là của thành phố mang tên Bác Hồ hôm nay.

Sau khi chiến trường ngưng tiếng súng, quá khứ đã để lại trên đất nước ta nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, những hậu quả nặng nề về nhiều mặt. Bởi thành phố trước khi được giải phóng, vốn là nơi ăn chơi xa xỉ, chủ yếu sống bằng nguồn viện trợ, nên phụ thuộc rất lớn vào nước ngoài. Nền kinh tế ở trong trạng thái bị què quặt, mất cân đối, chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của cuộc chiến tranh xâm lược. Trong khi vết thương trên cơ thể của nền kinh tế bị suy kiệt chưa kịp lành, thành phố đã phải trực diện đương đầu với những thử thách mới vô cùng nghiệt ngã: Thiên tai nghiêm trọng xảy ra dồn dập, chiến tranh trên tuyến biên giới Tây Nam gây ra nhiều thảm họa, nguồn viện trợ từ các nước cộng đồng xã hội chủ nghĩa ngày càng suy giảm, giá cả trên thị trường thế giới liên tục tăng đột biến... Những khó khăn khách quan ấy, cộng với sự non yếu của chúng ta trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý đô thị... đã tạo thêm những ngăn cản và trở ngại không nhỏ đối với thành phố.

c
Đến cuối năm 2014, GDP bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh đạt 5.131 USD, tăng 12,9% so với năm 2013 (Ảnh: Nguồn internet)

 

Xuất phát từ thực trạng trên, từ sau ngày đất nước giải phóng, trải qua chín nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ và các tầng lớp đồng bào thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cố gắng phấn đấu vượt qua những khó khăn trở ngại, với nhiều sáng tạo, tìm những phương hướng, bước đi và cách làm đúng đắn, đưa thành phố không ngừng tiến bước trên con đường đổi mới. Sự cải biến diện mạo lớn nhất trong 40 năm là thành phố đã được “xây dựng đàng hoàng hơn, to đẹp và văn minh hơn”, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học của các tỉnh phía Nam và cả nước.

Đến với thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, chúng ta hết sức vui mừng và trân trọng nhận thấy, trong nhiều năm qua, nhất là bốn năm gần đây, những biến động chính trị và kinh tế thế giới chậm phục hồi, diễn biến phức tạp trên Biển Đông, cùng những khó khăn của nền kinh tế nước ta đã ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Song, trên cơ sở dự báo đúng tình hình, quán triệt các nghị quyết, chủ trương của Đảng; Đảng bộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo mang tính đột phá trong việc triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ với các giải pháp khả thi, đồng bộ, trong đó trọng tâm là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, về thông tin thị trường, về bình ổn và phát triển thị trường, về quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới và nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Nhờ vậy, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2014 tăng 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng 5,8%/năm của cả nước; từ năm 2013, GRDP năm sau tăng cao hơn năm trước, năm 2014 quý sau tăng cao hơn quý trước. Không những quy mô kinh tế mở rộng mà chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh được cải thiện; yếu tố tăng trưởng kinh tế giảm lệ thuộc vào vốn đầu tư, năm 2011 vốn đầu tư xã hội chiếm 35,2% GRDP, sang năm 2014 chỉ chiếm 28,5%; hệ số ICOR giảm, năm 2010 là 3,55, năm 2014 còn 3,45, hiệu quả đầu tư tăng; đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; tăng dần tỷ trọng các nhóm ngành dịch vụ có giá trị cao và 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, cuối năm 2014 chỉ tăng có 1,65 lần so với cuối năm 2013. Đóng góp của thành phố vào ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, vượt dự toán hàng năm, năm 2014 dù rất khó khăn, thành phố vẫn thu vượt 11,9%, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách tăng lên, nếu giai đoạn 2006 - 2010 một đồng vốn ngân sách thu hút 8,5 đồng vốn đầu tư xã hội thì giai đoạn 2011 - 2014 thu hút hơn 12,5 đồng. Đến năm 2014, GRDP trên địa bàn thành phố đạt gấp 2 lần năm 2010, bằng 5,16 lần năm 2005. Tỷ trọng kinh tế thành phố so với cả nước năm 2011 chiếm 18,3%, đến năm 2014 chiếm 21,5%, ngày càng khẳng định vị trí kinh tế của thành phố so với cả nước.

Đi đôi với việc chú trọng phát triển kinh tế, những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kiên trì và hết sức tập trung các giải pháp chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững. Do vậy, đến cuối năm 2014, số hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm chỉ còn 1,35%, số hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 2,78%. Đến cuối năm 2014, GDP bình quân đầu người đạt 5.131 USD, tăng 12,9% so với năm 2013 là 4.545 USD, tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

So với trước giải phóng, diện mạo thành phố ngày càng được chỉnh trang và mở rộng quy mô phát triển. Nhiều tuyến đường, trục đường, nút giao thông quan trọng đã được cải tạo, các dự án lớn và công trình trọng điểm như: Mạng lưới cầu đường, hệ thống cảng và kho bãi; mạng bưu chính - viễn thông; các trung tâm thương mại - dịch vụ hiện đại; các khu đô thị lớn; các khu chế xuất; các khu công nghiệp tập trung và khu công nghệ cao... đã được xây dựng. Những vấn đề bức xúc về thanh toán nhà ổ chuột trên các kênh rạch và khu lao động, về nước sạch, điện chiếu sáng, xử lý úng ngập, rác thải, chống kẹt xe nội thị... từng bước được giải quyết có hiệu quả.

Qua các đợt thăm, tìm hiểu và chứng kiến những kết quả đạt được trong chặng đường bốn năm đã qua của thành phố chúng ta vui mừng nhận thấy sự phát triển đúng định hướng và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện của thành phố mang tên Bác Hồ sau 40 giải phóng. Điều đó cũng khẳng định sự phát triển của thành phố là kết quả của tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân thành phố, của các dân tộc, các tôn giáo; kết quả của tinh thần vượt khó của đội ngũ doanh nhân; là kết quả của sự phấn đấu cật lực, huy động sức mạnh tổng hợp, sự năng động, sáng tạo, sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thấu hiểu lòng dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết bức xúc của nhân dân nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Đây là những bài học quý báu không chỉ đối với thành phố mà còn có giá trị to lớn đối với cả nước nói chung, Đảng bộ tỉnh Điện Biên nói riêng.

Những thành tựu và bài học rút ra qua 40 năm kể từ sau ngày giải phóng cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và luôn cùng cả nước, không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển. Vì cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm, vận dụng mô hình cơ chế quản lý mới nhằm góp phần có ý nghĩa vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng ta; đồng thời đóng vai trò tích cực đối với cả nước bằng việc tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội; xứng đáng với trọng trách nặng nề, vẻ vang mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, chúng ta cùng nhau vui mừng và tin tưởng: "Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng. Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội."

 

Nguyễn Vân Chương
UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên

.