Hoạt động của HĐND và Đại biểu HĐND huyện Mường Nhé

Chủ Nhật, 30/06/2013, 18:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND là nhiệm vụ quan trọng nhằm từng bước nâng cao năng lực các mặt hoạt động của Hội đồng nhân dân. Bằng nhiều giải pháp phù hợp, thời gian qua, HĐND các cấp huyện Mường Nhé đã có nhiều đổi mới và đóng góp tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

vn
Nhiệm kỳ III (2011 - 2016), HĐND huyện Mường Nhé có 391 đại biểu, trong đó HĐND huyện 33 đại biểu, HĐND cấp xã 358 đại biểu

Mường Nhé là huyện đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung, trình độ dân trí không đồng đều. Khắc phục những khó khăn đó, trong những năm qua, thường trực HĐND các xã của huyện Mường Nhé đã tổ chức thực hiện khá tốt chức năng và nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước ở cơ sở theo Luật tổ chức HĐND và UBND. Nổi bật như: Nhiều chủ trương, quyết sách do HĐND xã thông qua đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương; thực hiện khá tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức tốt công tác tiếp xúc cử tri, tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu HĐND các cấp tiếp thu, tổng hợp và chuyển tải các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đến các cấp, các ngành chức năng. Công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Một số xã tập trung chuẩn bị cho kỳ họp khá tốt, tổ chức điều hành linh hoạt, sáng tạo đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND. Công tác giám sát, khảo sát được HĐND các cấp quan tâm. Nội dung giám sát của HĐND thường là những vấn đề cụ thể ở địa phương như: Tình hình thực hiện thu, chi ngân sách; quyết toán ngân sách, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; việc bình xét, xây dựng nhà ở hộ nghèo, các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, các công trình xây dựng, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất từ các nguồn vốn đầu tư của Chính phủ. Thông qua hoạt động giám sát, HĐND đã giúp UBND, các ngành hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết của HĐND cũng như chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao. Mặt khác, thông qua hoạt động giám sát còn giúp đại biểu HĐND nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trước cử tri, có thêm thông tin để tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương, chính sách thuộc thẩm quyền của HĐND. Có được những kết quả trên chủ yếu là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể đại biểu HĐND, nhất là vai trò của Thường trực HĐND trong thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đến nhiệm kỳ III (2011 - 2016), HĐND huyện Mường Nhé có 391 đại biểu, trong đó HĐND huyện 33 đại biểu, HĐND cấp xã 358 đại biểu. Trong 3 nhiệm kỳ, HĐND huyện Mường Nhé đã tổ chức được 28 kỳ họp, ban hành 147 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và các Nghị quyết chuyên đề về chia tách xã, Nghị quyết quy hoạch đất đai... Trong các cuộc họp thường kỳ cuối năm, HĐND huyện Mường Nhé đều xây dựng Nghị quyết về chương trình giám sát của năm sau và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các cuộc giám sát theo chương trình đã đề ra. Hoạt động tiếp xúc cử tri được tăng cường và được tổ chức tại các thôn, bản, các ý kiến kiến nghị của cử tri đều được tổng hợp, thông qua tại các kỳ họp. Các ý kiến của cử tri thuộc thẩm quyền đã được chuyển đến UBND huyện và các ngành chức năng của huyện xem xét trả lời, giải quyết. Các ý kiến kiến nghị vượt thẩm quyền đã được tổng hợp báo cáo lên cấp trên xem xét giải quyết kịp thời.

Trải qua 3 nhiệm kỳ, HĐND và đại biểu HĐND huyện Mường Nhé đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, theo quy định của luật. Đây thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ mà luật quy định. Đại biểu HĐND huyện đã tham gia đầy đủ các kỳ họp, các ý kiến tham gia của đại biểu HĐND đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, dân chủ. Các Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh được ban hành phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và có tính khả thi cao. Các Nghị quyết của HĐND đã thể chế hóa kịp thời các chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Các nghị quyết của HĐND ban hành đã đi vào cuộc sống và được cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân đồng thuận, đánh giá cao.

vbc
Phần lớn Đại biểu HĐND huyện Mường Nhé đều là kiêm nhiệm

Qua thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu HĐND đã nêu cao tinh thần trách nhiệm là người đại diện của nhân dân, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Đại biểu HĐND đã tham gia vào việc cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy, ra quyết định đúng về quy hoạch và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ở từng năm, từng giai đoạn. Đồng thời, quyết định phân bổ nguồn lực công và nguồn lực đầu tư được huy động từ các thành phần kinh tế hợp lý, đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều hành trong quá trình xem xét, quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. HĐND đã nghiên cứu, phân tích chính sách, lấy ý kiến của cử tri và thông qua các đại biểu HĐND quyết định các mục tiêu, các chương trình trọng điểm, danh mục các dự án đầu tư trong thời kỳ quy hoạch, kế hoạch. Cùng với đó là ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực kịp thời, phát huy tác dụng trong thực tiễn cuộc sống. HĐND đặc biệt coi trọng phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong thảo luận để thống nhất cao trước khi quyết định. Các kỳ họp gần đây, đại biểu đã thảo luận kỹ từng nghị quyết chuyên đề, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau được tách ra để bàn thảo đến khi thống nhất. Nhiều nghị quyết trước khi thông qua được các đại biểu tranh luận dân chủ, thẳng thắn. Văn hóa tranh luận, đối thoại công khai trước khi tiến hành biểu quyết. Điều này cho thấy, HĐND đã thực sự là của dân, do dân và vì dân. Cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND, bởi cơ quan dân cử, các đại biểu dân cử đã nói lên tiếng nói của người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở để ban hành các quyết sách. Đại biểu HĐND cũng đã phát huy vai trò tích cực của mình trong hoạt động giám sát. Qua tiếp xúc cử tri và thực tiễn hoạt động, nhiều đại biểu đã phát hiện những vấn đề mang tính nổi cộm, bức xúc ở địa phương, từ đó có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị với Thường trực, các Ban HĐND để tổ chức các đoàn giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhiều đại biểu đã kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn, kiến nghị thể hiện được bản lĩnh, tâm huyết trong hoạt động dân cử.

Hiện nay, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn so với tổng số đại biểu. Phần lớn đại biểu là kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động của HĐND. Hơn nữa một số vị đại biểu còn giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Các đại biểu chuyên trách với số lượng ít ỏi, áp lực công việc nhiều nên thời gian dành cho nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công việc rất hạn chế. Từ những nguyên nhân đó, nên đôi lúc các đại biểu chưa đủ khả năng và tự tin để bảo vệ quan điểm của mình khi xem xét những vấn đề được trình tại kỳ họp. Do vậy, nghị quyết HĐND được thông qua về cơ bản thường nhất trí với đề nghị của UBND, mặc dù có trường hợp các Ban HĐND đã có ý kiến phản biện hoặc có đại biểu đã phát hiện và nêu những vấn đề chưa phù hợp. Hậu quả của tình trạng trên là không ít nghị quyết được ban hành nhưng triển khai, thực hiện gặp nhiều khó khăn, có nghị quyết không thể đi vào cuộc sống. Đối với hoạt động giám sát, đôi lúc đại biểu chỉ có ý kiến mang tính phản ánh hiện tượng mà chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, đơn vị nên kết luận giám sát thiếu sức thuyết phục. Trong hoạt động tiếp xúc cử tri - hoạt động không thể thiếu của một đại biểu dân cử cũng còn một số bất cập. Do việc đại biểu là kiêm nhiệm, chỉ chuyên sâu lĩnh vực mình phụ trách mà không nắm vững, bao quát tình hình chỉ đạo, điều hành chung, nên nhiều vấn đề cử tri có ý kiến, lẽ ra đại biểu có thể trả lời ngay, nhưng lại ghi nhận theo kiểu chung chung làm giảm lòng tin của người dân vào HĐND.

Có thể khẳng định, hoạt động của HĐND các cấp huyện Mường Nhé đã có nhiều đổi mới và đóng góp tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Để nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả hoạt động của HĐND bên cạnh việc tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, việc lựa chọn những thành viên hiểu biết, chuyên sâu các ngành, lĩnh vực hoạt động của HĐND, nhất là trong lĩnh vực kinh tế -  ngân sách để khi tổ chức thẩm tra, giám sát các thông tin đưa ra chính xác, luận cứ thuyết phục, giúp các quyết định, kiến nghị giám sát của HĐND có chất lượng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu để vừa bảo đảm tính cơ cấu vùng miền, dân tộc, tôn giáo, các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng, vừa bảo đảm tiêu chuẩn đạo đức, năng lực của đại biểu, không nên nặng về cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn năng lực. Chỉ có những đại biểu tâm huyết, có trình độ, am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực kinh tế - xã hội thì mới có những ý kiến đóng góp thiết thực, làm cho các quyết định của HĐND có chất lượng, đi vào cuộc sống./.

 

  Trần Sơn – Trọng Lâm

.