Phòng, chống tay chân miệng bùng phát
Điện Biên TV - Hiện trên địa bàn tỉnh ghi nhận 256 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng 247 ca so với cùng kỳ năm 2017. Số trẻ mắc TCM gia tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Để chủ động phòng, chống bệnh TCM, ngành Y tế chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM kịp thời và hiệu quả.
Bệnh tay chân miệng (Ảnh: Nguồn internet) |
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 13/11, toàn tỉnh ghi nhận 256 ca mắc bệnh TCM tại 9/10 huyện, thị, thành phố, tăng 247 ca so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, các ca mắc nhiều nhất tại các huyện: Điện Biên 108 ca, Nậm Pồ 76 ca và TP.Điện Biên Phủ 53 ca.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Virus gây bệnh tay chân miệng do virut EV71 gây lên, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả gây viêm não, nên hậu quả rất nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao, di chứng lớn. Đường lây chính của bệnh là do trẻ trong nhà trẻ đưa vật dụng (đồ chơi) chứa mầm bệnh vào mồm, làm lây bệnh. Hoặc do trẻ ăn phải thực phẩm chứa nguồn bệnh.
Triệu chứng gây bệnh tay chân miệng
Bệnh TCM có những đặc điểm sau: Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây từ trước. Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh: Loét miệng, vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm; sốt nhẹ; nôn; nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng; biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Giai đoạn lui bệnh thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ 14 đến 16 ngày sau lần tiếp xúc với nguồn lây nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 10 đến 21 ngày. Triệu chứng khởi phát thường là sốt nhẹ từ một đến 2 ngày, cảm giác mệt mỏi mỏi toàn thân và phát ban.
Để phòng, chống bệnh TCM, ngoài sự chủ động của ngành Y tế, công tác phòng, chống bệnh TCM cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn đến các địa bàn dân cư và từng hộ dân |
Phòng bệnh tay chân miệng
Hiện nay, bệnh TCM chưa có thuốc phòng ngừa và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh thực phẩm là biện pháp chủ yếu phòng bệnh cho trẻ.
Bác sỹ chuyên khoa II Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom và chất thải của người bệnh vào nhà tiêu hợp vệ sinh; đối với từng hộ gia đình, người lớn và trẻ em đều cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, khi người lớn nghi ngờ mắc bệnh hoặc tiếp xúc người bệnh thì không nên chăm sóc trẻ; khi trẻ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Để phòng, chống bệnh TCM, ngoài sự chủ động của ngành Y tế, công tác phòng, chống bệnh TCM cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn đến các địa bàn dân cư và từng hộ dân. Trên cơ sở đó, ý thức của người dân sẽ được nâng cao hơn và họ sẽ chủ động hơn trong phòng, chống bệnh cho bản thân và cộng đồng./.
Nguyễn Xuân/Dienbientv.vn