Điện Biên đứng trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống
Điện Biên TV - Bí đầu ra, không có người kế nghiệp hay khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp trên thị trường là những nguyên nhân khiến một số làng nghề và nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đang gặp khó hoặc đứng trước nguy cơ bị mai một.
Nhà xưởng đóng cửa đã lâu, máy móc bên trong bụi phủ kín... Đây là thực trạng của Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, đơn vị tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề trên địa bàn.
Để hỗ trợ cho HTX Dệt thổ cẩm Na Sang, tổ chức JICA của Nhật Bản đã hỗ trợ cho HTX 12 máy dệt. Việc hỗ trợ máy móc đã giúp cho HTX sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn, chất lượng hơn. Tuy nhiên hơn 2 năm qua hệ thống máy móc phải đắp chiếu do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào bản Na Sang 2, được đánh giá là một trong 3 làng nghề trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn hoạt động. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của làng nghề này gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng, phần lớn mặt hàng thổ cẩm của hợp tác xã chỉ bán được cho các đại lý phục vụ khách du lịch.
Sản phẩm của HTX Dệt thổ cẩm Na Sang 2 chất thành đống do không thể tiêu thụ. |
Ông Lò Văn Tho, HTX Dệt thổ cẩm Na Sang 2 cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng nên HTX cũng không có một đơn hàng nào được đặt. Chính vì vậy hàng hoá tồn từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chất đống ở trụ sở HTX.
Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, sự phát triển nhanh chóng của đồ nhôm, đồ nhựa… khiến làng nghề mây tre đan truyền thống xã Nà Tấu gặp muôn vàn khó khăn để tồn tại, chưa nói đến phát triển. Nếu như trước đây, gần như cả bản Nà Tấu 1, Nà Tấu 2 gắn bó với nghề mây tre đan thì đến nay chỉ còn 5 hộ.
Ông Lò Văn Muôn ở bản Nà Tấu 2 là một trong những số ít đó vẫn còn duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại. Tuy nhiên với ông Muôn, nghề mây tre đan giờ chỉ là một nghề phụ, tranh thủ lúc nông nhàn, không mang lại thu nhập cao.
Làng nghề mây tre đan tuyền thống xã Nà Tấu cũng gặp muôn vàn khó khăn để tồn tại, chưa nói đến phát triển. |
Trước những tác động của cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, làng nghề mây tre đan Nà Tấu đang dần thu hẹp và đứng trước nguy cơ sẽ bị thất truyền vì lớp trẻ không mấy người còn mặn mà với nghề. Mặt khác, nguồn nguyên liệu hiện cũng trở nên khan hiếm.
“Sản phẩm làm ra phải có đầu ra ổn định thì người dân mới mặn mà đan sản phẩm đó. Thanh niên bây giờ một ngày làm ra 60 - 70 nghìn đồng thì họ không làm. Về nguyên liệu cũng hết sức khó khăn, do không có nguyên liệu tại chỗ nên bà còn phải đi các huyện khác mua, trong bản cũng đã trồng nhưng do giống mây tẻ không làm được.” - ông Quàng Văn Thích, bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ nói.
Theo thống kê, Điện Biên có khoảng trên 44 nghề và làng nghề lớn nhỏ hoạt động đa lĩnh vực với nhiều ngành nghề khác nhau như: nhóm ngành nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan; sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản. Thế nhưng, có một thực tế các làng nghề ở Điện Biên đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, manh mún, chủ yếu theo hộ gia đình chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau nên chưa có nghề, làng nghề nào đạt tiêu chí công nhận nghề, làng nghề truyền thống theo quy định.
Với một tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh về du lịch như Điện Biên, sẽ là đáng tiếc nếu như không phát huy được giá trị mang lại từ các làng nghề. Các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống xuất hiện còn khá khiêm tốn trong các tour, tuyến du lịch của tỉnh.
Trên thực tế, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống xuất hiện còn khá khiêm tốn trong các tour, tuyến du lịch của tỉnh Điện Biên. |
Theo bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nhằm khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, sẽ tiếp tục ưu tiên duy trì và phát triển mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm của các làng nghề hiện có, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP.
Mặc dù tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực để khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm, làng nghề truyền thống như: Quảng bá tại các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh hay tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nhằm phát triển phong phú các sản phẩm theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên từ việc không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm dẫn đến việc làng nghề không hoạt động hoặc hoạt động lay lắt, cầm chừng.
Trước sự mai một của các nghề, làng nghề truyền thống, nhiều người dân không khỏi xót xa, lo lắng. Những người già tại các thôn bản am hiểu về nghề thì ngày càng thưa thớt, trong khi lớp trẻ không mấy mặn mà với chính những nghề truyền thống của cha ông.
Hoàng Hảo - Văn Hùng/DIENBIENTV.VN