Tiện dụng - Lạm dụng
Điện Biên TV - Thuốc bảo vệ thực vật là những chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hay hóa chất tổng hợp được dùng để bảo vệ cây trồng chống lại sự phá hoại của những sinh vật gây hại. Dù tiện dụng song thực tế hiện nay, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang trở nên đáng báo động khi số lần và liều lượng thuốc sử dụng trong một vụ sản xuất ngày càng gia tăng.
Thuốc bảo vệ thực vật là sản phẩm dùng để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, có nguồn cung ứng dồi dào và sức tiêu thụ lớn. Với 1.000 m2 lúa từ khi làm đất, gieo cấy đến khi thu hoạch, gia đình chị Lò Thị Hiêng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cũng khoảng chục lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Lúc cày bừa tôi phải phun thuốc diệt trừ ốc, cấy xong phun thuốc trừ cỏ, sau đó cần phun nhiều lần để diệt trừ các loại sâu bệnh khác, như: đạo ôn, bọ xít, rầy,…Có lúc phun mấy lần mà sâu bệnh không chết.” - chị Hiêng nói.
Trung bình, mỗi vụ sản xuất lúa, người nông dân phải phun từ 5 - 7 lần thuốc bảo vệ thực vật. |
Với sự tiện dụng, thuốc bảo vệ thực vật lại dễ mua ở cửa hàng vật tư nông nghiệp và được người nông dân sử dụng thường xuyên ở nhiều thời điểm khác nhau của cây trồng. Trung bình, mỗi vụ sản xuất lúa, người nông dân phải phun từ 5 - 7 lần thuốc bảo vệ thực vật. Đó là đối với tình trạng cây trồng bình thường, còn nếu sâu bệnh phát triển nhiều thì số lần phun thuốc bảo vệ thực vật càng tăng lên.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ tăng chi phí đầu tư sản xuất mà còn tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người cũng như chất lượng nông sản. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay còn nhiều bất cập khi người dân vẫn có tâm lý phun phòng khi sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ hay tự ý tăng liều lượng và phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một bình phun mà không theo hướng dẫn cơ quan chuyên môn.
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nhiều hệ lụy tới môi trường,hệ sinh thái và thiên địch trên đồng ruộng cũng như sức khỏe con người. |
Theo bà Lò Hải Dinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên: “Quá trình sử dụng mà lạm dụng không đúng lúc, đúng cách hay liều lượng quá nhiều hoặc bón quá nhiều lần mà khi chưa phát sinh bệnh cũng như mật độ sâu chưa đến ngưỡng cần phòng trừ sẽ dẫn đến lãng phí về mặt chi phí. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái và thiên địch trên đồng ruộng.”
Không thể phủ nhận, những tiện dụng mà thuốc bảo vệ thực vật mang lại khi sử dụng theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Để việc “tiện dụng” không đi đôi với “lạm dụng” gây ra vô vàn tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người thì chính người nông dân phải thay đổi ý thức và tập quán sản xuất nhằm hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn mang tính bền vững./.
Hoàng Út - Duy Hải/DIENBIENTV.VN