Khu vực Tây Bắc có thể xuất hiện động đất mạnh trong thời gian tới
Theo chuyên gia, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh. Trong tương lai khu vực này có thể xuất hiện những trận động đất lớn.
Thời gian qua Lai Châu liên tục động đất vì đâu?
Trong Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020 do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức mới đây, ông Lê Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam cho biết, động đất ở tỉnh Lai Châu xảy ra liên tục vừa qua ở mức độ trung bình và là những quy luật bình thường.
Ông Lê Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam. |
“Hoạt động động đất tích lũy năng lượng nhiều năm sau đó xảy ra. Khu vực Tây Bắc hoạt động này diễn ra mạnh nhất ở Việt Nam. Năm 1935, 1983 ở Tây Bắc xảy ra những trận động đất lớn ở Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng. Trong điều kiện hiện nay, nếu xảy ra những trận động đất lớn như vậy thì việc kháng chấn cần hết sức lưu tâm”, ông Lê Xuân Anh cho hay.
Theo ông Lê Xuân Anh, hoạt động động đất xảy ra mạnh nhất ở các khu vực nằm trên vành đai lửa như Nhật Bản, Philippines, Indonesia,…Việt Nam không nằm trong vành đai lửa nhưng hoạt động động đất vẫn xảy ra mạnh ở khu vực Tây Bắc và cần hết sức lưu tâm.
Ông Lê Xuân Anh cho rằng, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu. Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên; trận động đất 6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo vào năm 1983 và trận động đất 5,3 độ richter tại TP Điện Biên Phủ năm 2001.
Một số trận động đất xảy ra tại Việt Nam Trong tài liệu còn ghi lại, vào thế kỷ XII, một trận động đất mạnh cấp 8 xảy ra tại Hà Nội đã làm bia chùa Báo Thiên bị vỡ làm đôi. Hai trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay được ghi nhận bằng máy, gồm: Năm 1935, trận động đất mạnh 6,8 độ Richter đã xảy ra tại Điện Biên; năm 1983, tại Tuần Giáo (Lai Châu) xảy ra trận động đất mạnh 6,7 độ Richter. Ngày 19/2/2001, tại vùng lòng chảo Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) xảy ra trận động đất mạnh 5,3 độ Richter, làm 80% nhà cửa và các công trình xây dựng tại đây bị rạn nứt, tổng thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng. Đêm 28/11/2007, một trận động đất mạnh khoảng 5 độ Richter đã xảy ra tại khu vục ngoài khơi, cách Bà Rịa - Vũng Tàu 100 - 120 km làm rung chuyển các tòa nhà cao tầng tại một loạt các tỉnh thành: TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... Ngày 17/2/2008, một trận động đất mạnh 2,2 độ Richter đã xảy ra tại Điện Biên. Ngày 3/3/2008, một trận động đất mạnh 4,5 độ Richter xảy ra tại huyện Mường Tè (Lai Châu)... |
Các hồ thủy điện ở Việt Nam chống chịu được mức động đất nào?
Ông Lê Xuân Anh cho biết: “Theo như thiết kế kháng chấn, tất cả các hồ thủy điện trên khu vực phải đảm bảo công tác kháng chấn. Khi xây dựng phải nghiên cứu, thiết kế, đánh giá chọn ở các vị trí cách xa những khu vực có nứt gãy,… đảm bảo công tác kháng chấn. Các hồ thủy điện ở Việt Nam như Sơn La, Hòa Bình đều phải đảm bảo công tác kháng chấn và được kháng chấn chống chịu được các trận động đất ở khu vực đó có thể xảy ra, phù hợp với điều kiện ở địa phương đó”.
Theo nghiên cứu, trong tương lai khu vực Tây Bắc Việt Nam vẫn có thể xuất hiện những trận động đất lớn như trong lịch sử đã từng xảy ra, gây ra rung động trên nền sẽ cao.
Ông Lê Xuân Anh khuyến cáo, các tỉnh cần thực hiện đúng quy chế phòng chống động đất mà chính phủ ban hành. Dựa trên đánh giá động đất của khu vực sau đó tính toán rủi ro có thể xảy ra ở khu vực như các công trình mới, xây dựng phải đảm bảo kháng chấn phục vụ cho việc giảm thiểu thiệt hại do động đất xảy ra.
Lớp học điểm trường Mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè sau trận động đất, nơi ghi nhận có 2 cháu nhỏ bị thương trong trận động đất ngày vào 16/6/2020. |
“Trước tiên cần đánh giá chi tiết có thể xảy ra ở những khu vực như Điện Biên, Lai Châu và Sơn La, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp với quy chế phòng chống động đất mà chính phủ ban hành”, ông Lê Xuân Anh nhấn mạnh.
Ông Lê Xuân Anh cho biết thêm: “Rung động nền mặt đất ở Việt Nam có thể xảy ra lên tới cấp 9 trên 12 cấp (theo thang MSK-64) cần phải phòng tránh có thể xảy ra”./.
Thang MSK-64 gồm 12 cấp, được Hội đồng địa chấn châu Âu thông qua năm 1964. Cấp 1: Động đất không cảm thấy, chỉ có máy mới ghi nhận được. Cấp 2: Động đất ít cảm thấy (rất nhẹ). Trong những trường hợp riêng lẻ, chỉ có người nào đang ở trạng thái yên tĩnh mới cảm thấy được hoặc rung động cảm thấy bởi một số người ở tầng cao của các khu dân cư. Cấp 3: Động đất yếu. Ít người nhận biết được động đất. Chấn động y như tạo ra bởi một ôtô vận tải nhẹ chạy qua. Cấp 4: Động đất nhận thấy rõ. Nhiều người nhận biết động đất, cửa kính có thể kêu lạch cạch. Cấp 5: Thức tỉnh. Nhiều người ngủ bị tỉnh giấc, đồ vật treo đu đưa. Cấp 6: Đa số người cảm thấy động đất, nhà cửa bị rung nhẹ, làm nhiều người và các con vật sợ hãi, nứt tường nhà, lớp vữa bị rạn ở các khu dân cư. Cấp 7: Hư hại nhà cửa. Đa số người sợ hãi, nhiều người khó đứng vững, hư hại các công trình xây dựng, sụt lở taluy, làm cạn các khe suối. Cấp 8: Phá hoại nhà cửa; Tường nhà bị nứt lớn, mái hiên và ống khói bị rơi. Gây khiếp sợ và hốt hoảng, phá huỷ một số ngôi nhà cao tầng, trượt lở đất và xuất hiện các khe nứt nhỏ trên mặt đất. Cấp 9: Hư hại hoàn toàn nhà cửa; nền đất có thể bị nứt rộng 10 cm. Cấp 10: Phá hoại hoàn toàn nhà cửa. Nhiều nhà bị sụp đổ, nền đất có thể bị nứt rộng đến 1 mét. Xuất hiện các khe nứt lớn trên mặt đất và sụt lở. Cấp 11: Động đất gây thảm họa. Nhà, cầu, đập nước và đường sắt bị hư hại nặng, mặt đất bị biến dạng, vết nứt rộng, sụp đổ lớn ở núi. Phá huỷ các công trình xây dựng, xuất hiện khe nứt lớn trên mặt đất và nhiều nơi có hiện tượng trượt đất. Cấp 12: Thay đổi sâu sắc địa hình (địa hình bị đảo lộn. Phá huỷ mọi công trình ở trên và dưới mặt đất, thay đổi địa hình trên diện tích lớn, thay đổi cả dòng sông, nhìn thấy mặt đất nổi sóng. |
Link:https://vov.vn/xa-hoi/khu-vuc-tay-bac-co-the-xuat-hien-dong-dat-manh-trong-thoi-gian-toi-1070757.vov
Theo Văn Ngân/VOV