Sức sống mới ở bản Phiêng Pi

Thứ Tư, 27/05/2020, 08:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Phiêng Pi là một bản ở vùng quê có truyền thống cách mạng (xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Với lòng khát khao đổi đời, người dân bản Phiêng Pi đã khắc phục mọi khó khăn, từng bước thực hiện tốt lời ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “…đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành”.

1
Một góc bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Phiêng Pi, nơi có đồn Trung Dình - đám lính Tây khét tiếng khủng bố dân lành, tra tấn cán bộ, du kích cách mạng những năm 1948 – 1952, giờ đây đã trở thành một bản trù phú. Trên đường vào bản trẻ em tung tăng cắp sách tới trường, người dân tấp nập thu hái, chăm sóc cây màu.

Kế thừa truyền thống cách mạng, người Mông bản Phiêng Pi ra sức thi đua lao động sản xuất, chăn nuôi làm cho ra nhiều của cải tích cóp cho gia đình no ấm, chung tay kiến thiết cho bản làng - quê hương từng bước đổi thay.

Đã nhiều năm về đây dân bản Phiêng Pi nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thâm canh tăng vụ, tập trung mở rộng diện tích các loại cây màu như ngô, sắn, lúa, cây ăn trái, cây mía, dứa, và cây cà phê làm ra những mặt hàng nông sản hàng hóa. Dù trên đồng, hay trong bản, người dân luôn nhanh chân, nhanh tay lao động không ngưng nghỉ. Nhờ thế, gia đình nào cũng có thu, bốn mùa có trái ngọt.

Bởi thế, đã nhiều năm nay ở bản Phiêng Pi không ai còn thấy những cảnh sớm chiều người dân phải vất vả giã gạo bằng chài, nghiền ngô bằng cối đá nặng nhọc. Ngay như việc chăn nuôi lợn, gà thì người dân đã sử dụng máy nông cụ băm rau, nghiền cám…tiếng máy xát thóc, nghiền ngô, băm rau, cỏ từ khắp các gia đình vang vọng khiến Phiêng Pi càng toát lên một sức sống mới...

1
Những ngôi nhà trệt, nhà sàn lợp ngói, tôn xanh, đỏ với những hàng cột gỗ nghiến bề thế...

Cuộc cách mạng công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đang dần manh nha ở thôn quê này. Đến góc bản nào cũng hiện lên những ngôi nhà trệt, nhà sàn lợp ngói, tôn xanh, đỏ với những hàng cột gỗ nghiến bề thế…mà sân nhà còn bê tông hóa, hiên và nền nhà lắp gạch hoa, quanh nhà được rào lưới thép B 40, tạo cho ngôi nhà vừa sạch, đẹp, an toàn. Một gia đình làm được, là nhiều gia đình làm theo. Ai nấy đều nỗ lực kiến thiết cho nhà mình, tạo cảnh quang đẹp cho thôn bản.

Chị Lầu Thị Sinh, bản Phiêng Pi, Xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Hai vợ chồng tôi là nông dân, chỉ biết làm nương trồng cây màu, chăn nuôi. Riêng ngô, thì một vụ cũng bán thu được trên 30 triệu, Sắn cũng được trên dưới 30 triệu/vụ. Đồng thời chịu khó làm thóc đủ ăn, nuôi gia súc gia cầm cải thiện và bán có thu nhập thêm. Cuộc sống bây giờ do sinh đẻ ít, chỉ có 2 – 3 con, lại biết chuyển đổi cây trồng năng xuất, vật nuôi chóng lớn nên không còn hộ nào đói, ai cũng có nhà đẹp. Cuộc sống hôm nay không đói khổ như thời cha mẹ những năm trước đây”.

Qua chị Sinh tiết lộ, mỗi năm một hộ dân bản Phiêng Pi có thu nhập trên dưới 100 triệu. Là một bản chuyên nông, muốn có ngần ấy thu, người dân phải thật sự năng động, nỗ lực lao động sản xuất, chăn nuôi; nắm bắt thông tin thị hiếu, giá cả các mặt hàng nông sản trên thị trường, học hiểu biết kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi. 

Biết tận dụng lợi thế đất đai trồng cây gì cho năng suất, nuôi con gì mới chóng lớn sớm có thu. Bởi thế, những năm qua, ngoài sản xuất cây màu, bà con Phiêng Pi đã rất chú tâm cho việc chăn nuôi. Chuyển đổi những mảnh nương gần nhà đất đã bạc màu rào lưới thép thành vườn, đưa cây cỏ voi, mía, chuối, sắn trồng vào để cho chăn nuôi.

Người dân ai cũng rất muốn giàu, nhưng nghề nông là không nóng vội. Bởi thế, ở Phiêng Pi với 787 khẩu, nhưng không ai vi phạm pháp luật. Mà 172 hộ đều cùng nỗ lực lao động sản xuất, chăn nuôi, cần mẫn tích cóp. Dù biết rõ 1 con bê phải nuôi trong 3 năm, 1 con nghé phải nuôi 4 năm mới thành trâu bò trưởng thành bán được giá. Nhưng không nao núng, dần tích tiểu  thành đại. Bởi thế, gia đình nào cũng nuôi trâu, nuôi bò thành phong trào và đem lại một nguồn thu lớn, chắc chắn.

1
Cuộc sống khá lên, đồng bào bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo từng bước đổi thay.

Ông Sùng Dũng Chía – Bí thư chi bộ bản Phiêng Pi, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: “Bản Phiêng Pi hiện có 172 hộ, 778 khẩu, là một bản đông người, nhưng hộ nào cũng biết chăm lo làm ăn. Nay bản chỉ còn 20 hộ thuộc diện nghèo. Nói là nghèo, nhưng họ đều có đủ ăn, đủ mặc, và đang nỗ lực để thoát nghèo.

Trước đây còn nhiều đồi núi hoang, việc chăn nuôi là thả rông. Nhưng bây giờ đất đai đều được đưa vào trồng cây màu, cây công nghiệp. Nên chúng tôi đã vận động bà con rào vườn trồng cỏ voi, chuối, mía cho chăn nuôi trâu bò, trồng sắn trong vườn để nuôi lợn gà.

Ở các bãi nương, dù nương dốc hay bãi bằng đều được trồng cây màu, những loại cây phù hợp đất, nên hộ nào cũng có thu. Bảo là giàu thì chưa, nhưng người dân chúng tôi đã có cuộc sống ấm no. Cụ thể như gia đình tôi, chỉ hai nhân lực, nhưng tính cả sắn, ngô, lúa nương thì một năm cũng có thu 100 triệu. Không chỉ riêng hộ tôi, mà đại đa số các hộ trong bản đều có mức thu ấy”.  

Nhờ bản tính chăm làm, không ai mang tư tưởng trông chờ, ỷ nại. Lại là những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Mạnh dạn sản xuất nông sản hàng hóa. Họ cùng hiểu, là người nông dân thì phải có nông sản hàng hóa bán ra thị trường thu về tiền. Đất đai rộng, nếu chăm chỉ thì sẽ có nhiều thứ nông sản bán theo từng mùa. Nhờ thế, ở bản Phiêng Pi ngày nay không có mùa đói, mà quanh năm người dân luôn có nông sản thu để bán kiếm ra đồng tiền tích lũy làm giàu. Cuộc sống khá lên, đồng bào trong mỗi hộ thật sự được hạnh phúc, tràn đầy sức sống mới.

 

Mùa A Ký/DIENBIENTV.VN

.