ĐIỆN BIÊN:

Cần giải quyết dứt điểm vụ phá rừng làm nương ở Tủa Chùa

Thứ Tư, 07/08/2019, 14:32 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vụ việc phá rừng làm nương tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa không có hướng giải quyết thỏa đáng chắc chắn sẽ gây nhiều bức xúc đối với các hộ gia đình nơi đây. Còn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng của huyện cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý tài nguyên rừng trên địa bàn.

Trao đổi với ông Trần Quốc Khánh, Quyền hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tủa Chùa về vụ việc trên, ông Khánh cho hay: Đối với lực lượng kiểm lâm, Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng chính là căn cứ xác định diện tích rừng quản lý, xác định các hành vi vi phạm, cũng là căn cứ để xác định diện tích để thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Như vậy, gần 10.000m2 tại khu vực Tiểu khu 560 – các khoảnh 13, 15, 16 và 18 thuộc xã Trung Thu, chính là diện tích rừng.

1
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa khẳng định các khoảnh 13, 15, 16 và 18 thuộc xã Trung Thu, chính là diện tích rừng.

7 hộ gia đình trên địa bàn thực tế là phá rừng để làm nương, hay diện tích trên là nương của người dân? Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng hay Tờ bản đồ địa chính 31 có giá trị pháp lý quy định để xác định hành vi của các chủ hộ là đúng hay sai? Đây chính là điều mà cấp ủy, chính quyền xã Trung Thu mong muốn nhận được câu trả lời sớm nhất.

Ông Vừ A Phía, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa cho biết: “Căn cứ 2 bản đồ địa chính và giao 3 loại rừng, chúng tôi mong muốn huyện, tỉnh sớm giúp xã xác minh 2 bản đồ đang có giá trị như nhau như thế này. Để người dân không hoang mang, lo lắng”.

Khi các biên bản vi phạm hành chính về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản do Hạt kiểm lâm huyện ban hành, chưa nhận được sự đồng thuận và đủ sức thuyết phục người dân, UBND huyện Tủa Chùa đã mời Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường làm việc trực tiếp với các hộ vi phạm và cấp ủy, chính quyền địa phương vào ngày 4/6 vừa qua.

1
Quang cảnh buổi làm việc với người dân tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa

Tuy nhiên, mới chỉ có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham gia. Kết thúc buổi làm việc, căn cứ theo Kế hoạch 388 và Bản đồ quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 1208 của UBND tỉnh Điện Biên, diện tích rừng bị phá là rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Tuy nhiên, với người dân, cần phải có ý kiến trực tiếp của Sở Tài nguyên và môi trường về giá trị của Tờ bản đồ địa chính 31.

Ông Vừ A Páo. Thôn Trung Thu, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa cho biết: “Tôi đã nói với cán bộ kiểm lâm tỉnh, đều là các sở của tỉnh thì cái nào có giá trị pháp lý. Chủ tịch xã ký, phó giám đốc Sở TNMT ký. Phải cho dân biết để người ta còn biết, nếu là nương thì để người ta làm nương, còn nếu là rừng thì cứ xử lý theo chủ trương thôi”.

Trao đổi với ông Vừ A Hùng – Phó chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, ông Hùng cho hay: Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 1208 của UBND tỉnh, mặc dù được ban hành vào ngày 21/12/2018, xong mới được công bố vào đầu tháng 7/2019, có nghĩa là đã sau thời điểm người dân Trung Thu phá rừng làm nương 3 tháng. Nên việc xử lý về việc phá rừng làm nương như tại Trung Thu là chưa thật sự phù hợp, mặc dù tại thời điểm tháng 3/2019, các diện tích này là rừng.

1
Việc xử lý về việc phá rừng làm nương như tại Trung Thu cần được giải quyết thỏa đáng, hợp lòng dân

 

Như vậy là đến thời điểm này, việc giải quyết vụ phá rừng làm nương tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. UBND huyện Tủa Chùa, cấp ủy, chính quyền xã Trung Thu và các hộ được xác định đã vi phạm Luật bảo vệ rừng đang mong muốn nhận được ý kiến trả lời trực tiếp từ Sở Tài nguyên và môi trường để có hướng giải quyết dứt điểm những vấn đề còn vướng mắc, xung quanh vụ phá rừng làm nương tại một số thôn trên địa bàn xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa./.

 

 

Bùi Quang – Tiến Thành/DIENBIENTV.VN

.