Điện Biên

Chuyện về những người giữ hồn âm nhạc dân tộc Thái

Thứ Hai, 01/06/2020, 14:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với lòng đam mê, mong muốn lưu giữ nét đẹp Văn hóa của dân tộc Thái, thế hệ người cao tuổi bản ở Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo đang kiên trì lưu giữ,  bảo tồn, phát huy giá trị Văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có nền âm nhạc truyền thống mang đâm nét Văn hóa dân tộc.

1
Nhạc cụ độc đáo của người Thái đã diễn tả cuộc sống mộc mạc, chân thực của người dân

Đối với dân tộc Thái, tính tẩu là một nhạc cụ gắn bó với cuộc sống sinh hoạt, là nhạc cụ chính, dùng để độc tấu, đệm hát và tạo giai điệu múa. Đi cùng những giai điệu dân ca ấy thường có nhạc cụ đệm theo làm nền như pí, đàn môi, tính tẩu... những nhạc cụ được làm ra từ cây nứa, quả bầu thân thuộc đối với người dân. Ông Bạc Cầm Xế, sinh năm 1948, nguyên Cựu giáo chức huyện Tuần Giáo được dân bản coi như người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Thái. Ông Xế không chỉ làm tính tẩu mà còn  chế tác, biểu diễn hầu hết các nhạc cụ dân tộc.

Bà Hà Thị Sáng-Bản Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo cho biết: “ Ông Xế là cán bộ hưu trí luôn luôn giúp đỡ hội văn nghệ của bản và của chi hội người cao tuổi từ năm 2001 đến nay. Ông ấy làm tính tẩu, nhị, sáo, pí pặp của người Thái, ông ấy rất nhiệt tình.”

Nhạc cụ độc đáo của người Thái đã diễn tả cuộc sống mộc mạc, chân thực của người dân. Để có những tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, những người cao tuổi đã tự bỏ kinh phí đóng góp mua sắm trang phục biểu diễn, đạo cụ múa… Lên kế hoạch luyện tập tại nhà văn hóa bản để dựng lên các tiết mục văn nghệ từ nhạc cụ do chính nghệ nhân của bản chế tác.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, trước sự phát triển và giao thoa cũng như sự du nhập của nhiều luồng văn hoá, lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà để tiếp thu học hỏi, cũng như phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.

Ông Bạc Cầm Thân, Bản  Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo cho biết: “Rõ ràng là lớp trẻ hiện nay không quan tâm lắm, nên học tập và cố gắng gìn giữ nó, phải cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.”

1
Đội văn nghệ bản Chiềng Chung thị trấn Tuần Giáo luôn giữ gìn nét đẹp của dân tộc.

Đây cũng là trăn trở của lớp người cao tuổi hiện nay trước nguy cơ mai một của những nét văn hóa truyền thống của dân tộc đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Với khát khao khơi dậy những tiết mục múa dân gian, nhạc cụ truyền thống dân tộc mình để giới thiệu và truyền dạy cho con cháu sau này, dù đã bước qua tuổi 70 tuổi, nhưng ông Bạc Cầm Xế vẫn nhiệt tình tham gia truyền dạy âm nhạc cho người cao tuổi và lớp trẻ. Với tình yêu âm nhạc, tình yêu văn hoá tinh thần của dân tộc, ông đã tự tay chế tác rất nhiều cây đàn tính tẩu, đàn nhị tặng những người yêu các loại nhạc cụ của dân tộc truyền lửa âm nhạc cho đội văn nghệ bản Chiềng Chung.

Bà Hà Thị Sáng-Bản Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo cho biết: “ Từ trước tới nay, đội văn nghệ bản Chiềng Chung luôn giữ gìn nét đẹp của dân tộc. Các bài hát, bài múa đều dùng nhạc cụ dân tộc như tính tẩu, nhị...để lưu giữ nét đẹp dân tộc Thái và đi giao lưu nơi khác chúng tôi đều biểu diễn những bài hát múa của dân tộc Thái.”

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, điều kiện sống cũng như môi trường sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng có những thay đổi, một bộ phận âm nhạc của các dân tộc thiểu số đang gặp phải những khó khăn, thách thức và đứng trước nguy cơ mai một. Các nghệ nhân và lớp người cao tuổi đã và đang nỗ lực giữ gìn và truyền dạy âm nhạc truyền thống dân tộc Thái cho thế hệ trẻ để chúng không bị mai một, lãng quên./.

 

 

Việt Hòa/DIENBIENTV.VN

.