Tìm hiểu địa danh bản mường

Dưới chân đồi Pom Mỏ

Thứ Sáu, 29/05/2020, 14:21 [GMT+7]

Điện Biên TV - Câu ca Thái hát rằng: "Bản Pom Mỏ him pá cang mướng" có nghĩa là bản Pom Mỏ vừa ở gần rừng, vừa ở giữa mường. Từ mấy chục năm về trước, người dân đã về quần cư dưới chân đồi Pom Mỏ. Cuộc sống của đồng bào nay đã có nhiều đổi thay, đầm ấm, yên vui hơn. Nhiều nét đẹp trong nếp sống sinh hoạt truyền thống vẫn được người dân ở đây gìn giữ lưu truyền.

1
Toàn cảnh Đồi Pom Mỏ nhìn từ xa

Ở ngay chân đồi Pom Mỏ, chúng tôi gặp ông Quàng Văn Ún - một trong những gia đình đầu tiên định cư tại vùng đất này. Ông Ún chia sẻ: Đồi Pom Mỏ này đã có từ lâu, nó rộng khoảng 2ha. Cả quả đồi này toàn là cây giang, cây nứa. Sau này, mới phá đi để trồng cây keo, cây muồng... Nhà ông Ún được chia 5.000m2 đất trên đồi để trồng cây. Trong 3 năm đầu, Nhà nước hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây. Hiện nay, những cây này đang phát triển tốt, phủ xanh khắp cả đồi.

Ông Quàng Văn Ún - bản Pom Mỏ Thái, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Theo như bố tôi kể lại, thì bản Pom Mỏ được thành lập với 4 gia đình từ năm 1938, sau này mới có thêm nhiều gia đình khác đến ở. Tên bản được đặt theo tên Đồi Pom Mỏ, đây là quả đồi có hình giống như chiếc nồi đang úp xuống. Thực hiện việc khoanh nuôi và bảo vệ đồi Pom Mỏ, các hộ gia đình trong bản được chia đất để trồng và chăm sóc cây.

Xưa kia, do đồi cao, đất dốc không dựng nhà trên đồi được nên người dân đã quyết định dựng bản ở dưới chân đồi. Nơi đó đất đai bằng phẳng và màu mỡ hơn. Lý giải về câu hát: "Bản Pom Mỏ hím pá, cang mướng" ông Ún chia sẻ thêm: Đây là câu hát đã có từ xưa và không biết ai là người sáng tác. Tuy nhiên, nhiều người ở đây vẫn luôn nhớ đến câu hát này khi được hỏi về bản mình. Bởi chỉ qua một câu hát nhưng nó đã tả một cách rất chân thực về nơi định cư "ở gần rừng Pom Mỏ nhưng lại nằm giữa Mường Thanh" của bản Pom Mỏ.

Khi ấy, dưới chân đồi Pom Mỏ có 3 bản cùng nhau quần cư. Nay bản Na Khưa đã chuyển xuống dưới kênh Đại thủy nông Nậm Rốm nên chỉ còn 2 bản. Phía bên trái đồi Pom Mỏ là nơi đồng bào Thái sinh sống; bên phải đồi là nơi đồng bào Thổ sinh sống. Do có chung đồi Pom Mỏ nên 2 bản này lấy tên là bản Pom Mỏ Thái và Pom Mỏ Thổ.

1
Hiện nay đồi Pom Mỏ có 2 bản là  bản Pom Mỏ Thái và Pom Mỏ Thổ.

Bản Pom Mỏ Thái nay có diện tích tự nhiên hơn 40ha, riêng ruộng gần 20ha. Từ khi được triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong bản được nâng cao rõ rệt. Bản chỉ còn 5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Các gia đình đồng bào Thái vẫn giữ nguyên nếp sống, nếp sinh hoạt theo phong tục tập quán trong cuộc sống đời thường.

Bà Lò Thị Pâng - bản Pom Mỏ Thái, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Bây giờ bản khác xưa nhiều lắm, bản mới, cuộc sống mới. Xưa kia, bản vừa rất ít hộ vừa có chiến tranh nên cuộc sống khó khăn lắm. Bây giờ, bản mường yên vui, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Men theo con đường bê tông nông thôn mới, chúng tôi tìm đến bản Pom Mỏ Thổ. Chúng tôi tìm gặp ông Mồng Văn Nhì để hiểu thêm về bản Pom Mỏ Thổ. Ông Nhì chia sẻ: Bản này được thành lập trước khi giải phóng Điện Biên, vào khoảng năm 1950. Khi đó, ông ngoại của ông là một trong những gia đình đầu tiên đến định cư ở đây. Khi ấy, bản mới có 3 hộ thôi. Sau giải phóng năm 1954 thì bản có 9 hộ gia đình sinh sống. Lúc ấy, bản có tên Tông Va (nghĩa là bản Bãi Hoa).

Khi sinh sống cùng với đồng bào Thái dưới chân đồi Pom Mỏ, người dân đã thống nhất gọi tên bản là Pom Mỏ Thổ. Trước đây, bản chỉ có người Thổ, sau này bản có thêm người Tày về đây sinh sống nữa nhưng vẫn lấy tên bản như cũ. Chỉ vào mó nước ngay chân đồi, ông Nhì cho biết thêm: Xưa kia nước trong xanh lắm, cả bản cùng nhau ra đây lấy nước để sinh hoạt, có người còn tắm giặt luôn ở đây.

Ông Mồng Văn Nhì - Bản Pom Mỏ Thổ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Đây là đồi Pom Mỏ, nó tròn  như cái vung nồi úp. Ở đây có một cây "Nỏng" - thuộc họ cây đa, cây đề - cây này có từ lâu rồi. Dưới gốc cây có một mó nước. Nước trong vắt và rất ngọt. Nước khác tự chảy ra, chúng tôi làm máng dẫn nước về để dùng cho tiện. Vì mó nước này mà chúng tôi mới về đây dựng bản. Bây giờ, có nước sạch nông thôn rồi nên chúng tôi ít dùng, chỉ có một vài hộ gần mó nước là còn dùng thôi.

1
Dưới chân đồi Pom Mỏ, cuộc sống của đồng bào nay đã có nhiều đổi thay, đầm ấm, yên vui hơn. Nhiều nét đẹp trong nếp sống sinh hoạt truyền thống vẫn được người dân ở đây gìn giữ lưu truyền.

Dù về đây sinh sống đã lâu, nhưng những người con dân tộc Thổ, dân tộc Tày vẫn luôn nhớ về nguồn cội. Họ vẫn lưu giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, từ cưới xin đến các nghi lễ tâm linh. Trang phục truyền thống vẫn luôn gắn bó mật thiết trong cuộc sống đời thường của họ. Nam giới vẫn mặc áo chàm đen, có thêu hoa văn ở gấu áo. Nữ giới mặc áo dài đen, hầu như không thêu thùa mà chỉ trang trí một chút ở trước ngực. Đặc biệt chiếc vòng cổ là trang sức không thể thiếu được. Nó như tô điểm thêm sự mềm mại cho người phụ nữ.

Bà Bế Thị Minh - Bản Pom Mỏ Thổ, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Chúng tôi về đây ở lâu lắm rồi. Các phong tục tập quán của dân tộc vẫn được chúng tôi duy trì, nhất là trang phục truyền thống. Tuy nhiên, để phù hợp với cuộc sống mới, nhiều nghi lễ không phù hợp chúng tôi cũng đã loại bỏ dần rồi. Giờ tuổi cũng cao, con cái đã khôn lớn trưởng thành, chúng tôi cùng bảo ban nhau sống có ích, xây dựng đời sống văn hóa, bản làng văn minh.

Chúng tôi rời Pom Mỏ khi ánh nắng đang tắt dần. Đồi Pom Mỏ vẫn sừng sững đứng đó. Từng làn gió mát, trong lành vẫn đều đặn thổi vào cuộc sống của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Một vùng đất đẹp như tranh, đầy sức sống vẫn đang vươn mình đổi mới./.

 

Lường Hương - Kim Oanh/DIENBIENTV.VN

.