Tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây đặc biệt nóng
Ngày 4/5, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo, Triều Tiên đã phóng vật thể được cho là một tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, hãng Yonhap đưa tin, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một vật thể bay hướng vào Biển Nhật Bản. Đây đã là vụ phóng thứ 14 của Bình Nhưỡng từ đầu năm đến nay, một con số được đánh giá là cao bất thường. Vụ thử diễn ra không lâu trước lễ nhậm chức chính thức của Tổng thống Hàn Quốc đắc cử Yoon suk Yeol ngày 10/5 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn ngày 21/5.
Theo một số nguồn tin truyền thông Hàn Quốc trích nguồn từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân nước này, vật thể bay Triều Tiên phóng có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa, với tốc độ được ghi nhận lên tới Mach 11. Động thái mới nhất sau hàng loạt vụ phóng từ đầu năm, tiếp tục vấp phải những phải ứng gay gắt của các láng giềng Đông Bắc Á và Mỹ.
Ông Kim Joon Rak - Người phát ngôn, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết: "Tên lửa đạn đạo này bay khoảng 470km, đạt độ cao tối đa 780km. Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi và giám sát chặt chẽ các hoạt động liên quan, chuẩn bị tình huống có các vụ phóng bổ sung. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc đã hội đàm trực tuyến với Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, trao đổi về những diễn biến mới nhất, tái khẳng định các nỗ lực nhằm đảm bảo một thế trận phòng thủ phối hợp vững chắc".
Ông Oniki Makoto - Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản: "Sự phát triển đáng chú ý gần đây của Triều Tiên về các công nghệ liên quan đến tên lửa hạt nhân là điều đáng lo ngại. Nhật Bản sẽ xem xét đến nhiều khả năng, bao gồm cả việc gọi là tấn công vào căn cứ của đối phương, và sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ của chúng tôi".
Tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây đặc biệt nóng
Trong lễ duyệt binh tối 25/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có bài phát biểu khẳng định quyết tâm tăng cường và phát triển năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng với tốc độ nhanh nhất. Trong khi đó, Washington đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an đưa vấn đề tăng cường trừng phạt Triều Tiên ra bỏ phiếu trong tháng 5 này.
Triều Tiên liên tiếp thực hiện phóng các vật thể bay được cho là tên lửa xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất Triều Tiên thường xuyên thể hiện sức mạnh quốc gia trong các dịp lễ lớn của đất nước như vừa qua là kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông Kim Jong-il vào tháng 2, 110 năm ngày sinh của ông Kim Nhật Thành vào tháng 4. Thứ hai, Triều Tiên thường thể hiện sức mạnh quân sự khi Mỹ hay Hàn Quốc thành lập chính phủ mới, hiện nay, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc là Yoon Suk Yeol sẽ chuẩn bị nhậm chức vào ngày 10/5 tới. Thứ ba, môi trường quốc tế thuận lợi cho Triều Tiên thúc đẩy chương trình phát triển vũ khí của mình, Mỹ và các nước phương Tây đang phải tập trung giải quyết vấn đề Ukraine, trong khi khó có thể nhận được sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc nếu muốn áp đặt lệnh trừng phạt.
Đánh giá, phân tích kỹ về các vũ khí được Triều Tiên thử nghiệm, phóng đi mới đây, có ý kiến cho rằng, Triều Tiên đang muốn xây dựng một ưu thế mới, có một thế đàm phán mới nếu nối lại các thảo luận trong vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có bài phát biểu khẳng định quyết tâm tăng cường và phát triển năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng với tốc độ nhanh nhất. |
Việc tăng cường phát triển vũ khí của Triều Tiên có thể thấy nhằm vào hai mục tiêu chính, một là từ những tiến bộ trong quân sự để thúc đẩy tinh thần trong nước, nhấn mạnh, hướng sự quan tâm của người dân về các mối đe dọa từ phương Tây thay vì sự trì trệ của kinh tế trong nước. Thứ hai là yêu cầu sự công nhận của quốc tế đối với Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đồng thời, gây áp lực tăng cường lợi thế của nước này trong các cuộc đàm phán với Mỹ trong tương lai. Triều Tiên rõ ràng không muốn bị cô lập, nhưng vẫn tiếp tục cứng rắn để bước vào đàm phán trên thế có lợi.
Phản ứng từ các nước Đông Bắc Á và Mỹ với vấn đề Triều Tiên
Đối với các vụ thử vũ khí của Triều Tiên, các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên. Các chuyên gia tại Nhật Bản nhận định, Triều Tiên thậm chí có thể khôi phục các hoạt động thử hạt nhân vốn bị tạm dừng từ năm 2018. Nếu Triều Tiên khôi phục hoạt động thử hạt nhân, Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ có động thái phản ứng mạnh mẽ hơn như tăng cường tập trận, tăng cường năng lực quốc phòng.
Đối với Nhật Bản, nếu Triều Tiên tăng cường thử vũ khí, đây sẽ là lý do chính đáng để Chính phủ nước này thuyết phục dư luận trong nước ủng hộ việc thúc đẩy thông qua dự luật an ninh mới, cho phép thực hiện quyền phản công, hay tiến xa hơn là sửa đổi Điều 9 Hiến pháp, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia bình thường.
Triều Tiên nhiều lần lý giải, các động thái phóng tên lửa là đáp trả các hoạt động tập trận chung Mỹ - Hàn mà nước này cho là khiêu khích và đe dọa an ninh của Bình Nhưỡng. Căng thẳng nối tiếp căng thẳng, có ý kiến từ Hàn Quốc lo ngại rằng Triều Tiên sẽ phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9/2018 hay cắt đứt đường dây liên lạc liên Triều, hoặc thậm chí thử nghiệm hạt nhân.Thế giằng co giữa các bên liên quan trong lập trường, quan điểm vẫn kéo dài, nếu như không có biện pháp cụ thể để Triều Tiên thấy yên tâm trong các vấn đề như cam kết bãi bỏ cấm vận từng phần, hay đàm phán.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/tinh-hinh-ban-dao-trieu-tien-gan-day-dac-biet-nong-20220504232934332.htm
Theo VTV