La bàn chiến lược: "Chiếc ô" an ninh mới của châu Âu?
Đây là một chương trình hành động tham vọng, với mục đích củng cố, tăng cường chính sách quốc phòng an ninh của các thành viên khu vực.
Tuần qua, Liên minh châu Âu chính thức thông qua Định hướng chiến lược, hay La bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng. Một chương trình hành động tham vọng, với mục đích củng cố, tăng cường chính sách quốc phòng an ninh của các thành viên khu vực. Khái niệm đã được EU nghiên cứu soạn thảo từ năm 2020 và cuộc xung đột Nga - Ukraine được xem là chất xúc tác mới nhất - hiện thực hóa kế hoạch.
Sáng kiến La bàn chiến lược được Liên minh châu Âu xây dựng và phát triển từ tháng 6/2020, xuất phát từ ý tưởng ban đầu do Tổng thống Pháp Macron nêu ra cuối năm 2018 là thành lập lực lượng quân đội chung mới tại khu vực, hoạt động độc lập với Mỹ và chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình. Một định hướng nâng cao quyền tự chủ chiến lược của EU và khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ giá trị và lợi ích của EU.
La bàn chiến lược cụ thể có gì, mang lại những thay đổi nổi bật nào?.
Một kế hoạch đã thai nghén từ lâu, nhưng với hàng loạt biến động được xem là mang lại các thay đổi chiến lược đáng kể với cục diện châu Âu và thế giới, bao gồm việc Anh rời liên minh châu Âu, Mỹ rút khỏi Afganistan, và gần đây nhất, căng thẳng tại Ukraine đã khiến La bàn chiến lược gấp rút được thông qua.
Theo Cao ủy liên minh châu Âu về vấn đề đối ngoại, Sáng kiến La bàn chiến lược có sự tán thành của 27 nước thành viên. Sáng kiến gồm 4 trụ cột là hành động, đầu tư, đối tác và bảo mật mà trọng tâm là thành lập lực lượng phản ứng nhanh với quân số 5.000 người trước năm 2025. Đây là cơ sở để EU tổ chức các cuộc tập trận chung, tăng cường vai trò của EU với tư cách là một tổ chức an ninh hàng hải.
Ông Joseph Borrell - Cao ủy Liên minh châu Âu về vấn đề đối ngoại khẳng định: "Đây là bước ngoặt đối với Liên minh châu Âu với tư cách là nhà cung cấp an ninh và là bước tiến quan trọng cho chính sách quốc phòng và an ninh chung châu Âu".
Ông Joseph Borrell - Cao ủy Liên minh châu Âu về vấn đề đối ngoại |
Bà Christine Lambrecht - Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói: "Đức sẽ cung cấp lực lượng nòng cốt cho kế hoạch thiết lập đơn vị phản ứng nhanh của EU vào năm 2025".
Để tăng cường năng lực giải quyết những thách thức an ninh cho lực lượng phản ứng nhanh, Sáng kiến La bàn chiến lược ưu tiên hợp tác với các đối tác chiến lược như NATO, Liên hợp quốc và các đối tác khu vực như OSCE, ASEAN… Đáng chú ý, các nước EU cũng cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng, giảm khoảng cách năng lực quân sự và dân sự giữa các nước, đồng thời, củng cố cơ sở công nghệ và công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Ông Joseph Borrell chia sẻ: "Chúng tôi sẽ thiết lập các công cụ để chống lại nguy cơ từ các cuộc tấn công hỗn hợp, tấn công mạng, sự can thiệp và thao túng thông tin của nước ngoài, vì chiến trường trong tương lai sẽ nằm trên không gian mạng, ngoài vũ trụ và trên biển".
Chỉ ít ngày sau khi Liên minh châu Âu thông qua Sáng kiến La bàn chiến lược, Tổng thống Mỹ trong chuyến công du các nước châu Âu mới đây đã thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về khả năng hợp tác giữa quân đội Mỹ với đội phản ứng nhanh của các nước châu Âu trong những vấn đề có chung lợi ích chiến lược.
Tầm quan trọng của NATO trong đảm bảo an ninh châu Âu
Nguồn gốc sâu xa của La bàn chiến lược là từ những rạn nứt sâu sắc giữa châu Âu và Mỹ trong giai đoạn 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông công khai chỉ trích các đồng minh châu Âu, đặt dấu hỏi về sự tồn tại của NATO và nêu cao chủ nghĩa biệt lập đặc quyền của Mỹ. Đó là thời điểm châu Âu ý thức việc đã đến lúc thay đổi tư duy, phải tự trang bị sức mạnh cho mình để bảo vệ các lợi ích của mình, không thể dựa hoàn toàn vào ai được, dù NATO hay Mỹ.
Thời điểm hiện tại, mục tiêu tự củng cố sức mạnh vẫn vậy, nhưng với những bối cảnh thực tế mới, khi châu Âu nhận diện cuộc chiến tại Ukraine làm phá vỡ cấu trúc an ninh khu vực và tự củng cố sức mạnh, không có nghĩa là tạo chia rẽ, khoảng cách với các đồng minh truyền thống.
Theo giới chức châu Âu, nội dung kế hoạch La bàn chiến lược không xung đột lợi ích với NATO. Phó Đô đốc Hervé Bléjean - Bộ tham mưu quân đội EU cho biết: "Không có chỗ cho bất kỳ sự trùng lặp hay cạnh tranh nào với NATO. Trong 27 thành viên của EU thì có 21 thành viên của NATO và tất cả các quốc gia thành viên đang xem xét kỹ lưỡng tất cả mọi sáng kiến, mọi đề xuất để đảm bảo rằng nó không gây hại cho NATO".
Nội bộ các nước EU có quan điểm khác nhau về kế hoạch La bàn chiến lược. |
Theo bà Ursula Von De Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Một sự hợp tác tốt đẹp giữa EU và NATO vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã có những trao đổi với Tổng thư ký NATO về những đe dọa, thách thức mà EU đang phải đối mặt và chúng tôi sẽ phải giải quyết các thách thức này cùng với NATO. NATO rất quan trọng với an ninh châu Âu".
Còn theo các chuyên gia, EU vẫn phụ thuộc vào NATO trong bảo vệ an ninh của mình, ít nhất là trong tương lai gần. Ông Michael Gahler - Chuyên gia về chính sách đối ngoại, nhóm Liên minh dân chủ Cơ đốc tại Nghị viện châu Âu nói: "La bàn chiến lược của EU không có cách nào cạnh tranh với liên minh NATO. Phòng thủ tập thể sẽ phải tiếp tục được thực hiện với NATO trong tương lai gần".
Bà Stefanie Babst - Nhà nghiên cứu chính trị, nguyên Phó trợ lý Tổng thư ký NATO (2006-2012): "La bàn chiến lược không đề cập đến một công cụ quyền lực thiết yếu: chiếc ô an ninh hạt nhân của Mỹ. La bàn chiến lược không cho biết liệu người châu Âu muốn phát triển khả năng răn đe hạt nhân của riêng họ trong tương lai hay không, và về mặt logic, năng lực này sẽ phải dựa trên lực lượng ngăn chặn hạt nhân của Pháp".
Tuy nhiên, nội bộ các nước EU có quan điểm khác nhau về kế hoạch La bàn chiến lược. Pháp chủ trương thúc đẩy một châu Âu tự chủ, mạnh mẽ về an ninh, độc lập với NATO, nhất là sau những lo ngại từ việc Mỹ, Anh ký kết thỏa thuận an ninh AUKUS với Australia. Trong khi đó, Đức, các nước Đông Âu thì cho rằng cần nêu rõ vai trò của NATO trong La bàn chiến lược, đặc biệt là trong bảo vệ vành đai phía Đông của châu Âu.
Các chuyên gia nhận định, La bàn chiến lược không chỉ là kế hoạch tự chủ chiến lược mà cần đi đôi với tăng cường hợp tác, mà trong đó, EU và NATO có thể sẽ cần thảo luận về một chiến lược hợp tác mới cho phù hợp với mục tiêu của mỗi bên.
Kết quả nổi bật các hội nghị thượng đỉnh ngày 24/3
Việc châu Âu viết lại chiến lược, công bố tăng cường tự chủ an ninh lại diễn ra chỉ ít ngày trước chuỗi sự kiện quan trọng của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Tổng thống Mỹ Joe Biden tới châu Âu, tham dự thượng đỉnh bất thường của NATO, G7 và liên minh châu Âu EU vào ngày thứ 5 vừa qua. Hỗ trợ cho Ukraine vẫn là những nội dung chính được đề cập. Duy trì chặt chẽ các hợp tác về an ninh, quốc phòng giữa các đồng minh là thông điệp được nhấn mạnh.
Sự bất đồng khiến các nước thành viên EU không thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc dừng nhập khẩu dầu khí của Nga. |
24/3 một ngày bận rộn của ngoại giao quốc tế. Liên minh quân sự NATO cũng như EU và G7 đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp chưa từng có tại Brussels. Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova cho rằng: "Hội nghị thượng đỉnh này là một tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm của chúng tôi để ngăn chặn cuộc chiến".
Một trong những kết quả quan trọng trong ngày của NATO là thống nhất các đợt tăng quân lớn ở Đông Âu. Bằng việc triển khai 4 lực lượng dự bị ở Bulgaria, Romania, Slovakia, tổng số quân dự bị đa quốc gia của NATO từ biển Baltic đến biển Đen đã được nâng lên 8 nhóm. Ngoài các binh sĩ châu Âu, 100.000 binh sĩ Mỹ cũng được triển khai để hỗ trợ nỗ lực của NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: "Chúng tôi sẽ tiếp tục áp đặt các trừng phạt chưa từng có đối với Nga. Và chúng tôi sẽ củng cố khả năng răn đe và phòng thủ của đồng minh".
NATO cũng mở rộng hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, tuy nhiên liên minh này sẽ không triển khai lực lượng ở Ukraine, mà thực hiện trách nhiệm đảm bảo xung đột không leo thang hơn nữa, gây thêm nguy hiểm và tàn phá. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo không tìm được điểm chung trong vấn đề cấm vận năng lượng Nga. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói: "Chúng ta sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt khiến chúng ta yếu đi một cách không cần thiết, Tôi nghĩ việc trừng phạt lĩnh vực năng lượng là không cần thiết".
Còn Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins thì cho rằng: "Nếu chúng ta muốn ngăn chặn chiến tranh thì cần phải cô lập nền kinh tế Nga".
Sự bất đồng khiến các nước thành viên EU không thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc dừng nhập khẩu dầu khí của Nga. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo EU nhất trí sẽ "làm việc cùng nhau về việc mua chung khí đốt" trước mùa đông tới và nỗ lực lấp đầy kho chứa khí đốt. Ngoài ra, EU cũng đang nhắm tới việc đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Joe Biden để đảm bảo nguồn cung cấp khí hóa lỏng bổ sung từ Mỹ cho mùa đông tới.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/la-ban-chien-luoc-chiec-o-an-ninh-moi-cua-chau-au-20220327094731348.htm
Theo VTV