Kẻ buôn ma túy "vĩnh biệt cuộc đời" trên Facebook trước khi ra hàng

Chủ Nhật, 17/02/2019, 07:48 [GMT+7]

Khi thời gian suy nghĩ còn 5 phút, Trung xin nối máy gặp lại mẹ và người thân, sau đó tự nguyện nộp vũ khí, giơ hai tay đầu hàng.

Công an Hà Tĩnh cho biết, sáng 16/2, nghi phạm cuối cùng trong vụ nhóm buôn ma túy tông ôtô vào cảnh sát đã gọi điện thoại xin ra trình diện. Từ chiều tối đến xuyên đêm 15/2, hơn 50 công an, cảnh sát cơ động, biên phòng cùng 5 chó nghiệp vụ được điều động về khu vực rừng núi xã Sơn Quang (huyện Hương Sơn) để truy tìm kẻ này.

Hàng chục cảnh sát được huy động để bảo vệ hiện trường vụ nhóm nghi phạm vận chuyển ma túy dùng súng cố thủ ở huyện Hương Sơn. Ba nghi phạm được đưa về trụ sở để lấy lời khai, 9 kg ma túy đá cùng 2.000 viên ma túy tổng hợp được thu giữ.
 

1
Trung dí súng vào đầu dọa tự sát.


Theo tài liệu điều tra, khoảng 15h ngày 15/2, Cục Cảnh sát ma túy (Bộ Công an) cùng Công an Hà Tĩnh phát hiện ôtô bán tải không biển số và ôtô Fortuner biển Gia Lai chạy trên quốc lộ 8C đoạn qua huyện Hương Sơn có biểu hiện nghi vấn nên dừng kiểm tra.

Tài xế trên hai ôtô không chấp hành hiệu lệnh, lao xe vào tổ công tác rồi bỏ chạy. Nhóm cảnh sát phải nhảy sang hai bên đường để tránh, dùng xe chuyên dụng truy đuổi.

Sau vài phút, trinh sát chặn được ôtô Fortuner, kẻ ngồi bên trong vùng xuống tẩu thoát. Chiếc bán tải tiếp tục chạy khoảng 5 km, đến đường liên xã Sơn Lâm và Sơn Giang (huyện Hương Sơn) thì lao xuống ruộng. Hai người đàn ông ngồi trong xe chốt cửa, cầm súng cố thủ.
Hàng trăm công an cùng bộ đội biên phòng vây ráp, thuyết phục hai người này buông súng. Người dân quanh khu vực được lệnh di dời. Đến 17h, nghi phạm Nguyễn Anh Tuấn (28 tuổi) bước ra xin đầu hàng. Riêng Nguyễn Thanh Trung (34 tuổi, trú huyện Hương Sơn) vẫn cầm súng và lựu đạn đã mở chốt, cố thủ trong xe.

Đại tá Lê Văn Sao (Giám đốc Công an Hà Tĩnh) đã xin ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an để huy động hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, cảnh sát cơ động Nghệ An, công an huyện Hương Sơn tới bao vây khu vực cánh đồng ở hai xã Sơn Lâm và Sơn Giang. Đoạn đường liên xã được phong tỏa, đội cảnh khuyển được cử đến.

Thấy Trung ngoan cố, nhà chức trách đưa mẹ và dì ruột của hắn tới gọi điện thoại, thuyết phục qua loa phóng thanh, khuyên hạ vũ khí. Qua nhiều cuộc đối đáp, Trung xin lỗi người thân, muốn tìm đến cái chết.

Trong chiều 15/2, khi đang cố thủ, Trung viết trên Facebook cá nhân: "Vĩnh biệt cuộc đời này, ân tình xin cho Trung trả lại kiếp sau".

Đại tá Lê Văn Sao và Phó giám đốc Công an Hà Tĩnh, Đại tá Đặng Hoài Sơn trực tiếp nối máy, nói chuyện thuyết phục Trung "buông vũ khí trước khi mọi việc quá muộn". Sau các cuộc nói chuyện, Trung xin suy nghĩ vài phút.

Trong lúc Trung đang kéo dài thời gian, ban chuyên án phát lệnh bao vây. Xe thiết giáp, cảnh khuyển, tốp lính bắn tỉa vào vị trí ở cách đó vài trăm mét. Hệ thống máy phát điện, đèn pha chiếu sáng được bố trí để phục vụ việc tiếp cận nghi phạm khi có lệnh.

Khi thời gian suy nghĩ chỉ còn 5 phút, Trung xin được nối điện thoại gặp lại mẹ cùng người thân. Kẻ buôn ma túy sau đó bước lên trên đường, miệng hút thuốc, tay phải cầm lựu đạn, tay trái cầm súng, đầu chếch về bên trái. 19h15, Trung tự nguyện bỏ vũ khí gồm súng, lựu đạn, dao găm, giơ hai tay đầu hàng, đi về phía có ánh sáng nơi hàng trăm cảnh sát đang bao vây.

Nhà chức trách cho hay, Trung có tiền án về ma túy, nhiễm HIV giai đoạn cuối, thường mang theo súng, lựu đạn bên người để phòng thân.

Theo cán bộ điều tra, trong các cuộc vây bắt tội phạm có vũ khí, công an bố trí lính bắn tỉa cùng nhiều lực lượng khác là điều rất cần thiết. Việc kéo dài thời gian thương thuyết là biện pháp thích hợp và nhân đạo được lãnh đạo Công an tỉnh đề ra nhằm thuyết phục nghi phạm. Chỉ khi đến bước đường cùng, không thể thuyết phục, nhà chức trách mới dùng biện pháp mạnh./.

 

 

Theo VOV

.