Tín dụng đen biến cả chủ nợ lẫn con nợ thành tội phạm
Nhiều trường hợp người cho vay và cả người vay đã biến mình thành nạn nhân hay tội phạm khi sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp tiền bạc.
Mặc dù luật dân sự đã có những quy định rõ ràng về mức lãi suất cho vay, nhưng trong thực tế, tình trạng cho vay với lãi suất cao hay tín dụng đen vẫn không ngừng phát triển và hoạt động ngày càng công khai. Tín dụng đen đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, cho chính người vay và cả người cho vay.
Băng nhóm tội phạm nguy hiểm tự xưng là “Tập đoàn Nam Long” vừa bị Công an Thanh Hóa và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá |
Tín dụng đen được dùng để chỉ các dạng hoạt động tín dụng dân sự không qua hệ thống ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng chính thức, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép, không tuân thủ và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. Hình thức giao dịch này không chỉ gây bất ổn về an ninh chính trị, thậm chí thiệt hại đến tính mạng con người mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (Bộ Công an), 9 tháng năm 2017, cả nước xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen.
Vì sao tín dụng có thể hoành hành ghê gớm như vậy? Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra đó là do nó đánh vào lòng tham của con người với sự hứa hẹn về lãi suất cao ngất ngưởng, muốn làm giàu nhanh, nhiều người đã rút toàn bộ vốn liếng, tài sản cho vay, huy động cả của người khác để cho vay nặng lãi nhằm kiếm lời chênh lệch dù người vay nhận biết được rủi ro có thể đến với mình nhưng họ vẫn chấp nhận bởi nhiều lý do. Nhưng chỉ khi vào vòng xoáy của tín dụng đen rồi mới thấy rất khó có thể trả hết được các khoản vay của chủ nợ bởi sự gia tăng từ lãi mẹ đẻ lãi con. Khi con nợ không thanh toán được khoản vay đúng hẹn, kẻ cho vay sẽ dùng mọi biện pháp kể cả bạo lực để đòi nợ, siết nợ.
Dẫn ra một số vụ án giết người, cố ý gây thương tích hay cưỡng đoạt tài sản mà nguyên nhân bắt nguồn từ tranh chấp nợ nần tín dụng đen như vụ án tập đoàn tội phạm tín dụng đen ở Thanh Hóa núp bóng Công ty Nam Long vừa bị triệt phá hay vụ án Trần Đông Quốc (quê Đồng Nai) bị Tòa án Nhân dân TP HCM tuyên phạt tử hình về tội giết người vì đã tước đi mạng sống của con nợ; rồi ở Đà Nẵng, vợ chồng Nguyễn Hùng Dũng và Lê Thị Phương Oanh đã giết chết chủ nợ khi không có khả năng thanh toán khoản vay 200 triệu đồng, Tiến sĩ Đỗ Thị Hải Yến, giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định: Nhiều trường hợp người cho vay và cả người vay đã biến mình thành nạn nhân hay tội phạm khi sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp tiền bạc. Bằng chứng là chính những hành vi tấn công từ phía các chủ nợ và trong nhiều trường hợp để tránh sự đe dọa cho bản thân mình, các con nợ cũng dễ dàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo nhiều chuyên gia về tội phạm học và tài chính ngân hàng, hoạt động cho vay nóng với lãi suất cao đang diễn biến phức tạp. Một số nhóm đối tượng lợi dụng tài chính khó khăn, hình thành các đường dây cho vay lãi suất cao, đối tượng chúng nhằm vào là sinh viên, những người ham mê cá độ bóng đá, cờ bạc, lô đề hoặc những người làm ăn nhỏ lẻ ít vốn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, giảng viên Luật Hình sự (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, hoạt động cho vay lãi cao luôn tiềm ẩn những phức tạp khi phát sinh tranh chấp. Từ những những tranh chấp khó giải quyết giữa các bên rất dễ dẫn tới hành động “tự xử” trái pháp luật, gây thêm phức tạp về an ninh trật tự.
Dù lực lượng công an thường xuyên đấu tranh phòng ngừa hoạt động của tội phạm liên quan đến vay nợ tiền bạc nhưng hệ lụy của nó gây ra nhiều phức tạp cho xã hội. Rất nhiều trường hợp vay tín dụng đen đã tán gia bại sản, nhiều vụ án đau lòng xảy ra mà có cả con nợ, chủ nợ đều trở thành tội phạm đặc biệt nguy hiểm.
Là người từng xét xử nhiều vụ án hình sự liên quan đến vay nợ với lãi suất cao, ông Nguyễn Xuân Hùng, Thẩm phán Tòa án cấp cao ở Hà Nội cảnh báo: “Người dân có nhu cầu vay nợ nên tìm đến những nơi uy tín. Khi đã giải quyết xong công việc nên nhanh chóng thu xếp để trả nợ. Đối với những người cho vay, khi đòi nợ phải tuân thủ quy định của pháp luật, không nên có các hành vi vi phạm pháp luật, không kéo đông người để gây sức ép cho con nợ, ném chất bẩn, gây thương tích hoặc bắt giữ người trái pháp luật để thu hồi nợ. Đấy là những hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc”.
Để phòng ngừa những phát sinh phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến hoạt động vay nợ tiền bạc, lực lượng an ninh ở cơ sở cần nắm chắc các đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi để có đối sách quản lý. Điều quan trọng nhất, mỗi người cần cân nhắc kỹ lưỡng khi vay nợ từ các loại hình dịch vụ này đồng thời có những ứng xử hợp với đạo lý và pháp luật khi có tranh chấp nợ nần. Đừng vì những món hời được hứa hẹn từ lãi suất cao mà dẫn mình lôi kéo người khác vào con đường phạm pháp./.
Theo Tiến Anh/VOV