"Giải mã" các nhóm vũ trang nước ngoài ở Sơn La

Thứ Hai, 09/07/2018, 14:41 [GMT+7]

Các nhóm vũ trang trên khu vực biên giới tại Sơn La là người nước ngoài, được thuê từ 15 – 20 triệu đồng/người cho một lần vận chuyển ma túy.
 
Tại buổi họp báo về việc tiêu diệt các trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân (SN 1983) và Nguyễn Văn Thuận (SN 1984), lãnh đạo Công an tỉnh Sơn La cho biết lực lượng chức năng đã phát hiện các nhóm vũ trang nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam.

Trang bị súng quân dụng chuyển ma túy

Về các nhóm này, đại tá Nguyễn Văn Hiệp - Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BÐBP) cho biết họ là người nước ngoài, được các đầu nậu thuê vận chuyển ma túy qua biên giới. Thông thường, lịch trình của chúng gồm 1 đêm đi, ngày nghỉ và đêm sau quay lại với tiền công 15 - 20 triệu đồng/người.

Theo đại tá Hiệp, từ năm 2009, BÐBP đã đánh trận đầu tiên với một nhóm như trên. Tới năm 2010 - 2011, trinh sát xác định đây là các toán, nhóm được các đối tượng ở cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng - Muống (tỉnh Hủa Phăn, Lào) thuê vận chuyển “hàng trắng”. Các nhóm được tổ chức từ 3 đến gần 20 tên thậm chí đông hơn, có trang bị vũ khí quân dụng. Chúng thường cắt rừng vào bản Tà Dê, Lũng Xá (Sơn La) hoặc Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình).

BÐBP cho rằng, các toán vũ trang này tồn tại ở đây do có 3 điều kiện. Thứ nhất, cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng - bản Muống là địa bàn nóng, có nhiều đầu nậu ma túy. Chúng chuyển ma túy từ “Tam Giác Vàng” về đóng gói, cất giấu để chờ thời cơ, thuê các nhóm chuyển vào Việt Nam. Công an nước bạn cũng cố gắng giải quyết nhưng vẫn tồn tại những tụ điểm như vậy.

Thứ hai, biên giới tại đây rất hiểm trở, có dãy núi Pha Luông rừng đặc dụng Xuân Nha. “Ði 3km mất khoảng 2 - 3 tiếng hoặc có ngọn núi mình nhìn ngay trước mặt nhưng leo lên phải mất từ sáng tới trưa” - đại tá Hiệp nói. Cuối cùng, điểm tập kết trong nội địa như các bản Lũng Xá, Tà Dê có đường độc đạo và tội phạm ma túy tập trung. Có lúc, đây trở thành “cứ điểm” an toàn của tội phạm ma túy. Các nhóm ma túy có vũ trang vượt biên qua rừng Pha Luông sẽ vào Lũng Xá, Tà Dê tập kết an toàn, nghỉ ngơi trước khi quay lại Lào.

Sẵn sàng chống trả

Nhằm giải quyết các nhóm vũ trang trên, BÐBP đã thực hiện nhiều biện pháp gồm tuyên truyền, chuyển hóa địa bàn; tăng cường bóc gỡ các ổ nhóm; phối hợp cùng nước bạn tấn công từ xa và phát hiện, ngăn chặn các toán vũ trang.“Ví dụ như tại bản Muống, BÐBP đã phối hợp với nước bạn và cử các đoàn văn công sang biểu diễn, đưa bác sĩ của ta sang thăm khám chữa bệnh… qua đó lồng ghép tuyên truyền” - đại tá Hiệp nói.

Theo tài liệu, hiện tại các toán vũ trang vẫn lợi dụng hoạt động nhưng tần xuất giảm rất nhiều. Trước kia, các nhóm này vận chuyển ma túy vào sâu nội địa nhưng nay, chúng vận chuyển hạn chế hơn và tập kết tại rừng Pha Luông. Sau đó, các đối tượng người Việt sẽ trà trộn thành người đi rừng, đến điểm hẹn lấy ma túy vào nội địa nhằm tránh mật phục của ta. Chúng cũng tổ chức “hoa tiêu, chim lợn” để nắm tình hình lực lượng chức năng.

Ðầu năm 2018, có lần trinh sát đã phát hiện 2 toán với 10 đối tượng xâm nhập từ Lào vào dãy Pha Luông. Tuy nhiên, lực lượng mật phục đã bố trí ở phía sau không phát hiện, chặn bắt được chúng. Theo BÐBP, rất có thể các nhóm này chỉ vận chuyển tới điểm hẹn trên núi, không đi sâu vào nội địa như trước.

Các đối tượng vận chuyển ma túy tại biên giới khu vực Vân Hồ, Mộc Châu bị bắt giữ trong năm 2018.

Các đối tượng vận chuyển ma túy tại biên giới khu vực Vân Hồ, Mộc Châu bị bắt giữ trong năm 2018.

Tội phạm ma túy tại đây cũng sẵn sàng bắn trả khi “có biến”. Ngay trong ngày Phòng chống ma túy (26/6/2018), các đối tượng đã bắn 2 sĩ quan BÐBP bị thương trước khi 1 đối tượng bị bắt cùng súng đạn và ma túy. Cuối tháng 4/2018, bộ đội cũng phát hiện tại một đường mòn nơi thường xuyên tuần tra có bẫy là một lựu đạn đã rút chốt, buộc vào sợi dây thép căng ngang. Hoặc tại bản Muống, sau khi bị bắt giữ ma túy, các đối tượng đã gài lựu đạn gây nổ tại nhà một người Việt tại đây.

Ðảm bảo an toàn cho bộ đội

Về các ông trùm Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận, BÐBP cũng nắm được thông tin chúng về bản Tà Dê sinh sống. Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, đây là địa bàn nội địa và bản Lũng Xá - Tà Dê nằm trong kế hoạch chiến lược của Bộ Công an, BÐBP là lực lượng phối hợp và đã sát cánh ngay từ khi Tổng cục Cảnh sát triển khai kế hoạch.

Theo đại tá Hiệp, BÐBP đã làm tốt công tác kiểm soát tội phạm ma túy trên biên giới và đã phối hợp với công an Lào xác lập đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn, đánh vào các đối tượng chủ mưu cầm đầu. Lực lượng này gồm Ðoàn đặc nhiệm Miền Bắc, các đơn vị đóng quân tại địa bàn và của Học viện Biên phòng, Trường Huấn luyện chó nghiệp vụ.

Trước việc Công an tỉnh Sơn La cho rằng, khi công an bắt ma túy, tội phạm có thể nghĩ biên phòng báo tin nên tấn công các trạm, đại tá Hiệp cho biết ý kiến này có căn cứ. Ông lấy ví dụ, trạm BÐBP G2 của Ðồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập sát biên giới, cạnh bản Muống từng nhiều lần bị đe dọa.

"Khi bị BÐBP bắt hụt một lần, Tàng Keang Nam đã treo giải bắn chết một đồng chí trong trạm G2 do nghi đồng chí này báo tin. Vì vậy, công an nói rất đúng và khi họ tấn công nhưng cũng đảm bảo an toàn cho lực lượng biên phòng. Vì thế, BÐBP luôn chủ động tổ chức ngăn chặn, đấu tranh ngay từ trên biên giới đồng thời phối hợp với công an cũng như lực lượng chức năng nước bạn để triệt tiêu cơ bản 3 điều kiện mà tội phạm ma túy có vũ trang lợi dụng” đại tá Nguyễn Văn Hiệp nói./.

 

 

Theo VOV

.