Con đường vướng vào vòng lao lý của 17 cán bộ ở Sơn La
Với sự tiếp tay của một số cán bộ, nhiều hộ dân khai khống số diện tích đất cần được hỗ trợ khiến số tiền chi trả lên tới hàng chục tỷ đồng, dẫn đến khiếu kiện kéo dài
Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La được triển khai thực hiện từ năm 2003 đến 2015, chia làm 2 giai đoạn. Đến nay, sau 14 năm chuyển về các điểm tái định cư, các hộ dân đã cơ bản ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, cơ quan điều tra tỉnh Sơn La đã khởi tố, bắt tạm giam 17 cán bộ vì những dấu hiệu sai phạm trong quá trình thực hiện di dân làm xôn xao dư luận.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La tổ chức họp báo thông tin vụ việc |
Sau 3 ngày bắt giữ các đối tượng liên quan đến vụ án, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La đã chủ động thông tin cho các cơ quan báo chí. Trong buổi thông tin đó, cơ quan điều tra đã nêu rõ 2 nhóm tội danh là tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời công bố danh sách những người bị khởi tố bị can.
Qua việc chủ động thông tin cho báo chí, cho thấy, tỉnh Sơn La thể hiện quyết tâm trong xử lý hành vi phạm tội trong vụ án này. Ông Cà Văn Dọn - Phó Chủ tịch HĐND xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nói: "Trước thông tin bắt giữ một số trường hợp liên quan đến công tác di dân thủy điện, người dân tin tưởng và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục giải quyết đúng quy định của pháp luật; xử đúng tội, đúng luật để nhân dân tái định cư yên tâm".
Thực hiện tái định cư xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La thực hiện tái định cư chia làm 2 giai đoạn với những chính sách bồi thường, hỗ trợ khác nhau. Giai đoạn I là di chuyển các hộ dân để có mặt bằng xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, với dự án tái định cư mẫu tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Giai đoạn này bắt đầu từ năm 2003 và hoàn thành vào năm 2004. Giai đoạn này chỉ liên quan đến một số bản, với hơn 300 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã Ít Ong và Tạ Bú, huyện Mường La.
Vùng ngập thủy điện Sơn La |
Giai đoạn II được thực hiện từ năm 2004, khi dự án tái định cư mẫu tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu kết thúc và hoàn thành quyết toán vào năm 2016. Đây là giai đoạn di chuyển dân khỏi vùng ngập của lòng hồ tích nước Thủy điện Sơn La.
Tổng số hộ phải di dời đến các khu, điểm tái định cư của cả 2 giai đoạn là hơn 12.500 hộ dân và gần 16.000 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng. Tổng giá trị quyết toán của toàn Dự án hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 5.400 tỷ đồng, còn lại là đầu tư cho cơ sở hạ tầng các khu, điểm tái định cư như: Điện, nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông...
Việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ dự án được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch theo một quy trình công khai nhiều bước. Mỗi hộ dân được phát 1 sổ tự theo dõi các khoản bồi thường hỗ trợ của gia đình mình để tiện cho công tác thanh tra, kiểm tra. Để quyết toán 2 giai đoạn này, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 4 lần kiểm toán vào các năm: 2009, 2012, 2013, 2015.
Trong suốt quá trình hơn chục năm thực hiện dự án, để đảm bảo tính công bằng, ổn định tư tưởng người dân và đẩy nhanh tiến độ di dân theo kế hoạch của Nhà nước, UBND tỉnh Sơn La đã duy trì chỉ 1 khung giá đất nhằm đảm bảo tính công bằng giữa người chấp hành tốt việc di chuyển trước và người di chuyển sau. Việc này tuy giúp cho công tác đền bù, bồi thường, hỗ trợ thuận lợi, nhanh gọn nhưng lại gây cho người dân những thiệt thòi trong việc áp giá đền bù, hỗ trợ đối với diện tích đất sản xuất.
Vì hiểu những thiệt thòi của người dân trong vùng dự án di dân Sơn La đang phải gánh chịu, năm 2013 và 2014, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh Sơn La được hỗ trợ thêm (bù chênh lệch giá đất) cho hộ dân bị thu hồi đất sản xuất thực hiện dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, với mức hỗ trợ bình quân là 48 triệu đồng/ha; tổng mức kinh phí hỗ trợ là 1.300 tỷ đồng, tại các văn bản số 883/TTg-KTN ngày 20.6.2013, số 1754/TTg-KTN ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi tỉnh Sơn La thực hiện hỗ trợ bù chênh lệch giá đất cho các hộ dân xong, các hộ thuộc giai đoạn 1 kiến nghị là những người tiên phong trong việc di dời khỏi quê hương, lấy đất cho công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La nhưng khi di dời không được bồi thường hỗ trợ đất sản xuất mà mang tính hoán đổi: Những hộ dân này được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố, vườn cây công nghiệp cùng cơ sở hạ tầng trước khi họ chuyển đến (Khu tái định cư Tân Lập, huyện Mộc Châu). So với người dân thuộc giai đoạn II, các hộ này bị thiệt thòi hơn 96 triệu đồng/ha đất sản xuất. Do đó, tỉnh Sơn La tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ với số hộ dân Giai đoạn I số tiền 96 triệu đồng/ha đất sản xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung.
UBND tỉnh Sơn La đã ban hành công văn số 617 ngày 18/3/2014 giao cho UBND huyện Mường La tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính. Căn cứ vào kết quả đo đạc này, huyện Mường La thống kê diện tích đất của từng hộ và phân theo từng đối tượng (hộ tái định cư di chuyển đi xã Tân Lập (huyện Mộc Châu); hộ tái định cư tự nguyện; hộ sở tại), trong đó xác định rõ diện tích đất đã được bồi thường hỗ trợ và chưa được bồi thường hỗ trợ. Nhưng khi triển khai thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân trong Giai đoạn I (2014-2015), phía UBND huyện Mường La (tỉnh Sơn La) chưa thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của tỉnh Sơn La và các ngành chức năng về việc đo đạc, kiểm đếm, vẽ bản đồ, công khai mức hỗ trợ... nên đã dẫn đến những sai phạm. Việc sai phạm chỉ xảy ra đối với phần giá trị bổ sung thêm chính sách cho các hộ dân thuộc giai đoạn I, tái định cư mẫu Tân Lập.
Bên cạnh đó, một số đối tượng dân cư nằm trong diện Giai đoạn I đã tranh thủ lợi dụng tình hình diện tích đất có thực đã ngập trong nước, không thể kiểm đếm chính xác để khai man, hưởng lợi. Điển hình trong vụ này là đối tượng Đèo Văn Ban, diện tích đã khai để hưởng đền bù của gia đình ông Ban năm 2005 là 4,5ha và đã nhận đủ chế độ từ năm 2005. Nhưng đến 2013-2014, ông Ban với sự tiếp tay của một số cán bộ đã kê khống diện tích của gia đình mình lên tới 17 ha.
Đồng thời, theo cách làm của ông Ban, nhiều hộ dân khác trong địa bàn cũng kê khai và đòi hỏi số diện tích đất sản xuất cần được hỗ trợ tăng rất cao, dẫn tới con số cần chi trả (theo Quyết định 883 của Thủ tướng Chính phủ) tăng vọt lên hàng chục tỷ đồng và dẫn đến những khiếu kiện kéo dài, vượt cấp và đông người diễn ra trong những năm qua. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến 17 cán bộ của tỉnh Sơn La đã bị khởi tố và bắt giam.
Liên quan đến những sai phạm trong đền bù đất đai ở khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La, bà con Mường La, Sơn La rất đồng tình trước sự vào cuộc kiên quyết của tỉnh Sơn La. Anh Quàng Văn Inh, Trưởng bản Pú Nhuổng, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La bày tỏ: “Bà con tái định cư mong Đảng, Nhà nước xử lý các đối tượng tham ô tham nhũng đúng người đúng tội".
Trên các điểm, các bản tái định cư thủy điện Sơn La, bà con nhân dân vẫn một lòng tin vào chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng quê hương mới. Bà con hiểu rằng, những sai phạm của 17 cán bộ vừa bị khởi tố chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” và sẽ được xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./.
Danh sách các bị can bị khởi tố về tội cố ý làm trái các qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng gồm: 1. Trương Tuấn Dũng: sinh năm 1960, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện Mường La, nguyên Chủ tịch Hội đồng hỗ trợ bồi thường tái định cư huyện Mường La, Phó Giám đốc Sở tài chính tỉnh Sơn La. 2. Phan Tiến Diện, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện Mường La, nguyên Chủ tịch Hội đồng hỗ trợ bồi thường tái định cư huyện Mường La, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La. 3. Phan Đức Chính, sinh năm 1961, nguyên Trưởng ban quản lý Dự án Di dân tái định cư huyện Mường La, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mường La. 4. Phan Xuân Khoa 1974, Phó ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mường La. 5. Trần Mạnh Trì, sinh năm 1977, Phó ban quản lý dự án di dân Tái định cư huyện Mường La. 6. Mai Văn Quang, sinh năm 1973, Phó Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La. 7. Bùi Văn Tân, sinh năm 1979, Tổ trưởng tổ đo đạc phòng kỹ thuật thuộc Văn phòng đăng ký đất đai Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La. 8. Vũ Hồng Giang, sinh năm 1984, nhóm trưởng Tổ đo đạc thuộc Công ty Tư vấn và đo đạc Bảo Bình 9. Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1970, Phó phòng kỹ thuật Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La. 10. Lê Quang Duy, sinh năm 1986, cán bộ tổ thẩm định, phòng Tài nguyên Môi trường huyện Mường La. 11. Ngô Xuân Vân, sinh năm 1964, chuyên viên tổ thẩm định phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường La. 12. Tòng Văn Thành, 1979, nguyên Trưởng phòng TNMT huyện ML, Bí thư xã Chiềng Hoa, huyện Mường La. Các bị can bị khởi tố Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: 1. Triệu Ngọc Hoan, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La. Hiện áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. 2. Sòi Ngọc Hùng: Giám đốc văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La. 3. Đỗ Tiến Đồng: Giám đốc trung tâm kỹ thuật Tài nguyên Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La. 4. Cà Văn Tỉnh, nguyên cán bộ địa chính xã Tạ Bú, hiện là Chỉ huy trưởng Ban chỉ Quân sự xã Tạ Bú, huyện Mường La. Ngày 20/11, Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La đã thực lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của bị can Đèo Văn Ban, 61 tuổi, nguyên cán bộ UBND huyện Mường La, bí thư chi bộ bản Co Chai, xã Mường Chùm, để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. |
Theo Tuyết Lan/VOV