Điện Biên thuộc nhóm 10 tỉnh giải ngân thấp vốn chương trình MTQG
Điện Biên TV - Ngày 11/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đạt thấp theo kế hoạch năm 2023. Dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến này 30/11, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp theo kế hoạch năm 2023 gồm: Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Đắc Nông, Phú Yên, Bình Thuận và Kiên Giang.
Báo cáo đã chỉ rõ các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: Công tác xây dựng, ban hành một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật nhiều do trong thực tiễn thực hiện vẫn còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, chưa được quy định đầy đủ; một số văn bản trả lời kiến nghị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện còn nhiều khó khăn.
Theo đó, tại hội nghị các địa phương đã phát biểu, nêu rõ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời kiến nghị một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho biết: Đến thời điểm 30/11/2023, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 54,4%, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt 24,4%.
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đạt thấp là do một số dự án trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ do diễn biến phức tạp của thiên tai, thời tiết, thủ tục đầu tư xây dựng các công trình, dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần thực hiện nhiều quy trình, thủ tục. Đặc biệt một số dự án liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định thuộc thẩm quyền cho phép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên thường mất nhiều thời gian để thực hiện, ảnh hướng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên tỉnh Điện Biên cam kết với Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia đạt trên 90% và tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt trên 50%.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt thấp cần quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cách thức triển khai thực hiện tại các địa phương cùng đặc thù nhưng có tỷ lệ giải ngân cao.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, các địa phương cần đặc biệt quan tâm chất lượng các chương trình, dự án hỗ trợ; cần đầu tư tập trung, cụ thể, tránh đầu tư nhỏ lẻ, dàn trải không phát huy được hiệu quả. Đối với những khó khăn, vướng mắc từ phía Trung ương, Chính phủ sẽ xem xét, chỉ đạo giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Về phía các bộ, ngành Trung ương xem xét kiến nghị những vướng mắc của các địa phương để trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện./.
Thu Nga - Duy Hải/DIENBIENTV.VN