Đẩy mạnh tái cơ cấu để phát triển ngành Nông nghiệp bền vững
Điện Biên TV - Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được tỉnh Điện Biên thực hiện với mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ trở nên hiện đại, phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, tạo vùng nguyên liệu bền vững. Những kết quả của Đề án được thể hiện rõ hơn khi các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đang ngày càng khẳng định được chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã trở thành “thương hiệu” mỗi khi nhắc đến Điện Biên.
Các địa phương đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm. |
Tỉnh Điện Biên thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với hơn 10 nhóm sản phẩm thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có kết quả rõ nét nhất. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 3.000ha đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác; trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng các loại cây lâu năm như: cây ăn quả, mắc ca, cây dược liệu, rừng sản xuất... nhằm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các địa phương cũng đẩy mạnh thực hiện các chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người dân.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực phối hợp trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch, đất đai, địa điểm khảo sát đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hết năm 2023, đã có 4 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được chấp nhận chủ trương đầu tư nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lên 30, trong đó tiếp tục có các dự án về chăn nuôi, lâm nghiệp, trồng thâm canh cây mắc ca…
Năm 2023, có 4 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được chấp nhận chủ trương đầu tư. |
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay, cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh từng bước chuyển dịch theo đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên.
Năm 2023, dự ước tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2022. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng trên 3,5%. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh. Một số sản phẩm đã phát triển với quy mô lớn, từng bước khẳng định giá trị, chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương, nhu cầu thị trường được hình thành và phát triển.
Nông sản Điện Biên đang ngày càng tạo được lòng tin với người tiêu dùng về thương hiệu và chất lượng. Đây là tiền đề quan trọng tạo động lực giúp tỉnh từng bước tạo sức bật cho nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu lại ngành Nông, lâm nghiệp chiếm 16,42% GRDP của tỉnh; giá trị sản xuất 1ha trồng trọt tăng từ 15% trở lên.
Phương Dung - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN