Phục hồi du lịch: Cần đồng bộ chính sách
Doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch cần nhiều sự hỗ trợ để phục hồi, song song với việc tái mở cửa du lịch quốc tế, dự kiến bắt đầu từ ngày mai (15/3).
Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới, dịch COVID-19 đã kéo lùi ngành du lịch toàn cầu về mốc cách đây 30 năm, cả về lượng khách và tổng thu du lịch quốc tế.
Đối với Việt Nam, theo các chuyên gia, ngành du lịch cần ít nhất 5 năm để phục hồi lại như thời điểm trước dịch bệnh.
Nguồn nhân lực của ngành du lịch là 2,5 triệu lao động, bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau dịch bệnh. Trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển... Vì vậy, lực lượng lao động này cần sớm được bổ sung thông qua tuyển dụng, đào tạo.
Sau 2 năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư) |
"Chúng tôi đề nghị kéo dài chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động theo Nghị quyết 68. Tháng 6/2022, chính sách này kết thúc. Chúng tôi cũng kiến nghị sẽ được kéo dài thêm vì chính sách này đặt ra mỗi người có thể được hưởng 1,5 triệu đồng/người và tối đa là được 6 tháng", bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, nói.
Hàng không đã sẵn sàng hồi phục, tuy nhiên khi khởi động lại thị trường gặp khó khăn, đó là cần xúc tiến lại các thị trường. Điều này sẽ phát sinh các chi phí như về xúc tiến thương mại, chi phí vận tải tăng.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, 30% doanh nghiệp lữ hành đã xin rút giấy phép kinh doanh. Trong khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc, nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Tổng cục Du lịch cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục cần đồng bộ nhiều chính sách.
"Sau 2 năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên", Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định.
Đại diện Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh dự kiến ngày mai, cánh cửa cho ngành du lịch bắt đầu mở lại. Để hoạt động an toàn, hiệu quả, rất cần các địa phương có sự thống nhất chung về các quy định phòng chống dịch, ngoài ra cũng cần có các chính sách đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/phuc-hoi-du-lich-can-dong-bo-chinh-sach-20220314140447123.htm
Theo VTV