Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng chi vào những đâu?
Phần lớn nhất khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Ngay đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi phát triển KT-XH. Với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Nguồn vốn hỗ trợ sẽ được tập trung giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023.
Phần lớn nhất khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Phần tiếp theo, tương ứng với khoảng 49.400 tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Chính sách này đã được áp dụng từ đầu tháng 2 và sẽ kéo dài đến hết năm nay.
Tiếp đến là phần dành cho gói cấp bù lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… khoảng 40.000 tỷ đồng. Việc cấp bù lãi suất này hiện chưa được đưa vào thực tế, mà đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, phấn đấu sẽ trình chính phủ ngay trong tháng 3 này. Đây cũng được xem là hai điểm mới rất đáng chú ý ở gói hỗ trợ lần này.
Ngoài ra, trong 350.000 tỷ đồng còn có các khoản khác như: Cấp vốn cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm và khoảng 14.000 tỷ đồng cho hệ thống y tế…
Có thể thấy, trong cả gói này, các hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khoá chiếm phần lớn. Cụ thể, khoảng 291.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 83%. Còn lại là chính sách tiền tệ, chiếm 14% và các hỗ trợ khác 3%.
Phần lớn nhất khoảng 1/3 của cả gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí |
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một cấu phần rất quan trọng chiếm đến 1/3 gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng này. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 113 nghìn tỷ đồng sẽ ưu tiên đầu tư cho 5 nhóm dự án, bao gồm nhóm thứ nhất là hạ tầng giao thông - đây là nhóm quy mô lớn và có nhiều dự án trọng điểm quốc gia, điển hình như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Ngoài ra còn một số dự án mang tính liên kết vùng, các trục xương sống ngang dọc của vùng miền trung hay ĐBSCL.
Nhóm thứ hai thuộc ngành nông nghiệp, trong đó trọng tâm là các dự án khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai. Tiếp theo là nhóm hệ thống hạ tầng y tế cơ sở mà chúng ta đã thấy thể hiện nhiều yếu điểm trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua. Cuối cùng đó là nhóm hạ tầng chuyển đổi số và an sinh xã hội…
Trong đó, đối với nhóm dự án do ngành giao thông thực hiện, đại diện Bộ GTVT cho biết đã có đề xuất 6 dự án đưa vào chương trình này.
Ông Nguyễn Danh Duy - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT cho hay: "6 dự án của Bộ GTVT trong gói kích cầu kinh tế gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2; Dự án cao tốc Buôn Mê Thuột - Vân Phong; Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; Dự án cầu Đại Ngãi bắc qua tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh".
Như Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư vừa chia sẻ, giai đoạn 2 của cao tốc Bắc - Nam sẽ là một trong những dự án trọng điểm sử dụng vốn từ gói hỗ trợ. Ngoài vấn đề về vốn, liệu dự án có cần thêm những yêu cầu gì đặc biệt hay không để có thể đẩy nhanh tiến độ?
Với giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải khởi công trong năm 2022. Để hiện thực hoá mục tiêu rút ngắn khoảng 6 tháng tiến độ, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt các cơ chế đặc thù như tiến hành chỉ định thầu thay vì đấu thầu như giai đoạn trước, phân cấp, phân quyền cho các địa phương làm chủ đầu tư một số đoạn tuyến hay cấp phép các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ cho công trình…
Tuy nhiên, khi trao đổi với đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện nay có một số vấn đề đang khiến họ rất băn khoăn. Một là quy định về định mức dự toán của các công trình giao thông hiện nay đang thấp hơn nhiều so với thực tế, có khi lên tới 30 - 40%. Trong khi giá cả nguyên vật liệu cứ tăng lên từng ngày.
Thứ hai là lo ngại về việc thiếu các mỏ vật liệu phục vụ cho dự án như đã từng xảy ra ở giai đoạn 1. Các nhà thầu cho rằng, Bộ GTVT cần phối hợp làm việc với các địa phương để có cơ chế giao thầu theo cụm, tức là công trình đi kèm với mỏ vật liệu. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ cũng đã có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Nguồn vốn - Nút thắt trong triển khai các dự án giao thông
Ngoài các dự án trọng điểm quốc gia, nhiều địa phương cũng đang trông chờ vào gói hỗ trợ trên để triển khai các dự án hạ tầng khác. Có một thực tế là không ít dự án gặp khó về vốn, chưa thể triển khai nhiều năm qua và hiện cũng đang chờ đợi chương trình hỗ trợ.
Tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là dự án giao thông trọng điểm kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Dự án bắt đầu được phê duyệt đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa huy động được vốn.
Theo tính toán, nhà đầu tư sẽ mất khoảng 83 năm thu phí hoàn vốn. Do đoạn tuyến được chọn đầu tư PPP có địa hình phức tạp, khiến suất đầu tư tăng lên rất cao so với bình quân cả nước, trong khi lưu lượng xe ở mức thấp.
Đến nay, các địa phương có dự án đi qua là Sơn La và Hòa Bình tiếp tục đề xuất chuyển đổi sang đầu tư công. Tuy nhiên đến thời điểm này, nguồn vốn cho dự án vẫn là một dấu hỏi lớn.
Đối với địa phương miền núi như Hoà Bình, nguồn thu hạn chế thì việc bố trí vốn lớn cho dự án là rất khó khăn, vẫn phải đề nghị Trung ương có cơ chế để bố trí vốn triển khai dự án.
Chưa có vốn cũng là thách thức đối với dự án đường cao tốc đi qua 4 tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Theo phương án đầu tư theo hình thức PPP, dự án có tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng. Nhưng hiện các địa phương đang đề xuất được chuyển hoàn toàn sang đầu tư công, với tổng vốn dự kiến gần 21 nghìn tỷ đồng.
Trong phương án từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án này mới chỉ được phân bổ 1.100 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 – 2023, tức là đáp ứng chưa đến 5% nhu cầu vốn.
Theo Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, phần dành cho phát triển hạ tầng sẽ được phân bổ vào nhiều lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, y tế và chuyển đổi số... Đây cũng là một trong nhũng nguồn vốn quan trọng đang được các địa phương chờ đợi.
Nguồn vốn - Nút thắt trong triển khai các dự án giao thông. Ảnh minh họa. |
So với vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2015 trung bình vào khoảng 500 nghìn tỷ đồng/năm thì vốn của chương trình hỗ trợ lần này là không lớn. Do đó, các địa phương cũng không nên chỉ trông chờ vào đây. Thay vào đó, hãy xem đây là một nguồn vốn mồi để các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn cốt yếu nhất, từ đó có thể huy động thêm được các nguồn lực khác cùng tham gia.
GS. TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: "Các địa phương hoàn toàn có thể sử dụng vốn mồi này để đầu tư vào những khâu tôi cho là vướng nhất, đang nút thắt mà chúng ta không khai thông được nguồn vốn khác thì phải bỏ nguồn vốn này vào đây. Nếu như giải phóng mặt bằng sạch rồi, có nguồn đất sạch có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào. Thậm chí, kể các đấu thầu đất đó để mà tạo nguồn lực và thậm chí chúng ta đẩy cái đầu tư hợp tác công tư PPP".
"Tất nhiên chúng ta thông cảm với các địa phương, ai cũng cần tiền, ai cũng muốn hưởng lợi từ chương trình này nhưng cũng không nên quá dựa dẫm. Không quá dựa dẫm vào chương trình này trong khi chúng ta có rất nhiều chương trình kế hoạch khác đã và đang tiến hành", TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho hay.
Sử dụng linh hoạt các nguồn vốn
Các dự án đầu tư công thường mất khá nhiều thời gian từ khâu chuẩn bị cho đến khâu thi công, giải ngân. Để có thể giải ngân tốt cho gói hỗ trợ lần này, một cơ chế linh hoạt cũng đã được Quốc hội cho phép.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tinh thần chung là sẽ không phân biệt dự án thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế hay dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cứ dự án nào có đủ điều kiện giải ngân sẽ ưu tiên dùng gói hỗ trợ để chi ra trước.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết: "Trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án đầu tư công có khả năng giải ngân trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện thực hiện và giải ngân. Còn đối với các dự án trong chương trình phục hồi kinh tế sẽ được chi tiêu như thế nào? Có thể những dự án hoàn thiện sớm được thủ tục có thể giải ngân được ngay nhưng với các dự án lớn phần giải ngân trong quá trình thực hiện rơi vào năm 2024 - 2025 và lúc đó sẽ sử dụng khoản vốn đáng lẽ ra phải tiêu cho kế hoạch đầu tư công trung hạn với các dự án đã được tiêu trước năm 2022 - 2023 thì phần vốn dư ấy để đắp sang giải ngân cho các dự án trong chương trình phục hồi".
"Phải phân biệt rất rõ là dự án đó là dự án đạt mục tiêu là phục hồi nền kinh tế. Chúng ta ví dụ như người mới ốm dậy người ta cần làm nhà thì để có sức làm nhà phải bổ sung cho họ liều thuốc bổ. Phải uống thuốc bổ đã xong anh ta mới đồng thời làm nhà. Nếu như bây giờ anh lại không dùng tiền đó để mua thuốc bổ mà lại bảo thôi tiền này để làm nhà thì sau khi làm nhà xong chắc gì anh ta có đủ sức khỏe để mà phục hồi, lúc đó dùng thuốc bổ không ý nghĩa gì nữa", GS. TS Hoàng Văn Cường nói.
Với mục tiêu giải ngân được gói hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả trong 2 năm, nhiều cơ chế chính sách linh hoạt và đặc biệt đã được Quốc hội và chính phủ ban hành. Việc triển khai sẽ là nhiệm vụ của các bộ ngành và địa phương để làm thế nào các dự án và nhiệm vụ sớm được triển khai và mang lại những tác động lan tỏa tích cực cho nền kinh tế.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/goi-ho-tro-350000-ty-dong-chi-vao-nhung-dau-20220312100138876.htm
Theo VTV