Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các dự án trồng mắc ca
Điện Biên TV - Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới triển khai trồng được 2.616/16.854ha cây mắc ca, đạt hơn 15% theo qui mô đã phê duyệt trong năm 2021. Tiến độ triển khai chậm, cùng với nhiều khó khăn về đất đai, thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách đã được UBND tỉnh tổ chức họp, bàn và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới với quyết tâm cao nhất là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tập trung phát triển cây mắc ca.
Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án trồng cây mắc ca với tổng mức đầu tư 4.730 tỷ đồng, qui mô thực hiện trồng 17.214ha. Theo đánh giá, các dự án trồng mắc ca đều chậm so với tiến độ, qui mô đã phê duyệt với diện tích 2.616/16.854ha, đạt trên 15% so với mục tiêu đề ra trong năm 2021.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh tổ chức hội nghị này để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; công tác phối hợp về thủ tục hành chính, tiến độ giao đất cho các doanh nghiệp của các sở, ngành liên quan, các địa phương có diện tích trồng cây mắc ca.
Hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều chậm so với tiến độ. |
Buổi làm việc, đại diện các nhà đầu tư đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và mong muốn tỉnh đồng hành tháo gỡ trong thời gian tới. Đại diện các sở, ngành liên quan đã lắng nghe, tiếp thu và không né tránh trách nhiệm, sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp khi đến làm các thủ tục liên quan đến đơn vị mình phụ trách.
Cây mắc ca là loại cây có vị trí hết sức quan trọng và được xác định cây đem lại giá trị kinh tế cao trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững ở đất dốc. Với ý nghĩa tầm quan trọng đó, tỉnh, các địa phương đã có nhiều cố gắng tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai trồng mắc ca.
Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các sở, ngành còn chưa thường xuyên, một số đơn vị, địa phương chưa thực sự đồng hành với nhà đầu tư, thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian, hay nói cách khác là vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Đồng thời, xác định quỹ đất để nhà đầu tư thuê theo cơ chế mới của tỉnh. Chính vì vậy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh: “Chúng ta phải tạo ra được quỹ đất lớn để cho nhà đầu tư thuê; phần còn lại, nhà đầu tư sẽ liên kết với người dân thông qua các mô hình hợp tác,… để đẩy mạnh phát triển cây mắc ca trên địa bàn”.
Chủ trương của tỉnh là tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc cho các dự án trồng cây mắc ca. |
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân, trước mắt là ưu tiên cho các xã đang triển khai trồng cây mắc ca và một số xã dự kiến thực hiện trong thời gian tới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu.
Với những giải pháp mà UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo trên tinh thần thẳng thắn, quyết liệt đối với các dự án trồng cây mắc ca tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên và TP Điện Biên Phủ. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng về tiến độ triển khai các dự án trồng mắc ca trong năm 2021 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả về kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra giá trị hàng hóa của tỉnh Điện Biên./.
Anh Thu - Đức Trung/DIENBIENTV.VN