Thảo luận tổ nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XV
Điện Biên TV - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, sáng nay (7/12), HĐND tỉnh tiếp tục xem xét các tờ trình của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, đồng thời tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì kỳ họp.
Dự kỳ họp có đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Điện Biên; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các địa phương và các vị đại biểu HĐND tỉnh.
Kỳ họp nghe lãnh đạo UBND tỉnh trình các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết quan trọng. |
Trong phiên làm việc sáng nay (7/12), kỳ họp tiếp tục nghe lãnh đạo UBND tỉnh trình các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết quan trọng.
Liên quan đến quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện năm 2024, tại Tờ trình của UBND tỉnh nêu rõ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Văn bản số 404-CV/BCS ngày 06/10/2023 về việc đề nghị chuyển biên chế từ khối Đảng sang khối chính quyền tại các cơ quan chia tách, thành lập sau thí điểm hợp nhất và điều chỉnh Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 12/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Theo đó, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao số lượng biên chế hàng năm giai đoạn 2022 - 2026 trong các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét quyết định giao biên chế công chức năm 2024 trong các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện với tổng số 2.034 biên chế; trong đó cấp tỉnh là 1.133 người, cấp huyện là 901 người.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng trình một số báo cáo, tờ trình liên quan đến các vấn đề: Phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2024; Quyết định số lượng hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục; Giao số lượng cán bộ công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên;
Đại biểu tham dự kỳ họp. |
Quy định về chức danh, việc kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên…
Cũng trong chương trình làm việc sáng nay, HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tại tổ. Trước phiên thảo luận, đồng chí Lò Văn Phương, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, kỳ họp này dự kiến sẽ thông qua 30 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết quy phạm pháp luật, quy định các chính sách, chế độ.
Trên cơ sở đó, đồng chí Chủ tịch HĐND đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận các nội dung xoay quanh tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024; đánh giá các chỉ tiêu đưa ra, phân tích những khó khăn vướng mắc của năm 2023, làm cơ sở để so sánh với mục tiêu năm 2024, từ đó đề ra giải pháp trong triển khai thực hiện.
Đại biểu thảo luận tại tổ. |
Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều đồng tình, thống nhất cao với Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, nhiệm vụ năm 2024 do UBND tỉnh trình tại kỳ họp.
Theo đánh giá, mặc dù gặp những khó khăn nhất định, tuy nhiên, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ nét ở tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,1%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 chỉ đạt 59,85 điểm, giảm 9 bậc so với năm 2021; Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023; Việc thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn một số hạn chế, gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu thu ngân sách chung của tỉnh...
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng có ý kiến liên quan đến việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm... Đây là những vấn đề rất quan trọng và cần thiết, không chỉ bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới phát triển của tỉnh trong năm 2024, mà còn trong cả giai đoạn tiếp theo./.
PV Thời sự/DIENBIENTV.VN