Phát huy vai trò của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nêu gương trong văn hóa đọc sách
Điện Biên TV - Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đồng chí Phạm Đức Toàn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Lò Thị Minh Phượng, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên. |
Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn được Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện từ năm 2009 đến năm 2023, nhằm góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp Nhân dân.
Trong 15 năm qua, Đề án đã cung cấp gần 600 đầu sách với tổng số trên 14,4 triệu bản in về cơ sở. Sách biên soạn có tính chất cẩm nang, nhiều cuốn được trình bày dưới dạng hỏi - đáp dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung cập nhật thông tin, tri thức mới, phù hợp với đối tượng người đọc là cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở.
Cùng với đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tiến hành số hóa trên 500 đầu sách của Đề án, xây dựng thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn, thu hút hơn 729.000 lượt bạn đọc truy cập.
Tại Điện Biên, trong 15 năm qua, các xã, phường, thị trấn đã được trang bị hơn 600 đầu sách và một số đĩa CD-ROM, CD Audio, DVD. Các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng sách hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, Đề án vẫn còn thiếu đề tài sách trên một số lĩnh vực; số lượng bộ sách còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Các địa phương, đơn vị cần khắc phục khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo nguồn sách, đặc biệt là sách song ngữ tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nêu gương trong văn hóa đọc sách. Sách thuộc Đề án cần được đa dạng hóa, bám theo các chủ đề lớn, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Bên cạnh phương thức đọc truyền thống, cần đẩy mạnh đọc sách trên không gian mạng để người dân có thể truy cập vào tủ sách miễn phí đọc mọi nơi, mọi lúc, đáp ứng nhu cầu đọc sách ngày càng cao của người dân./.
Minh Trang - Đức Bình/DIENBIENTV.VN