Xây dựng chính quyền điện tử đáp ứng nhu cầu hội nhập

Thứ Ba, 08/03/2022, 14:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Tại tỉnh Điện Biên, phát triển chính quyền điện tử được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành với phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, đột phá, hiệu quả”.

Để đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công lên các nền tảng số.

1
Bộ TTTT và UBND tỉnh Điện Biên ký kết hợp tác phát triển thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã. Cuối quý 3/2021, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.  

Việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh từ phương thức thủ công sang môi trường điện tử, môi trường số, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát. Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức có thêm nhiều cơ hội thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính.

Anh Bùi Ngọc Hoàng, Ngân hàng Liên Việt chi nhánh huyện Mường Ảng, chia sẻ: “Tôi thấy sử dụng dịch vụ công ở Điện Biên rất thuận tiện, nhanh chóng. Ví dụ như hôm nay nộp hồ sơ ngày mai đã có thể nhận kết quả. Trước đây tôi thường phải di chuyển một quãng đường xa để mang giấy tờ nộp trực tiếp tại nơi tiếp nhận, rất mất thời gian và phiền hà. Còn nay có dịch vụ công trực tuyến, tôi chỉ việc ở nhà hoặc nơi làm việc là có thể nộp được luôn.”

1
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt được chi phí, thời gian đi lại trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì chính quyền điện tử đã hỗ trợ quan trọng để không làm gián đoạn các hoạt động chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành; đồng thời hạn chế việc lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Huyện Mường Ảng là một ví dụ. Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng: “Huyện Mường Ảng đã chỉ đạo hoàn thiện hệ thống giao ban trực tuyến, hạn chế tối đa các cuộc họp tập trung trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Từ đó giảm được thời gian đi lại, giảm kinh phí chi thường xuyên cho các xã, đặc biệt là góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng tôi đánh giá rất cao việc sử dụng dịch vụ công và chính phủ điện tử.”

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên xác định phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số nhằm chuyển đổi cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hội nhập vì sự phát triển bền vững của địa phương, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19./.

 

 

Hoàng Út - Đức Trung/DIENBIENTV.VN
 

.