Tổ chức hội nghị thảo luận về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 dự kiến diễn ra trong 2 ngày 28/3 và 29/3.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sẽ được tổ chức tại hội trường Diên Hồng |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có quyết định về việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về 4 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị dự kiến diễn ra trong 2 ngày 28/3 và 29/3. Hội nghị được tổ chức họp tập trung tại hội trường Diên Hồng kết hợp với họp trực tuyến.
Theo đó, 4 dự án luật được thảo luận, góp ý kiến gồm:
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
- Luật Điện ảnh (sửa đổi).
- Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách như Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có 8 chương và 98 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 04 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Dự thảo Luật phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.
Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: (i) đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; (ii) sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; (iii) nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); (iv) các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và (v) bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.
Link: https://vtv.vn/chinh-tri/to-chuc-hoi-nghi-thao-luan-ve-4-du-an-luat-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-3-20220317205454073.htm
Theo VTV