Sở Thông tin và Truyền thông trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh (Kỳ cuối)
Điện Biên TV - Trả lời các câu tại phiên họp giải trình của Thường tực HĐND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã trả lời các câu hỏi tại phiên họp. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên đăng tải nội dung trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh
Tiếp theo và hết..
Câu 6: Việc đầu tư Đài truyền thanh không dây cấp xã đã phát huy tác dụng rất tốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân. Tuy nhiên việc quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng chưa được các xã quan tâm, nhiều thiết bị sau một thời gian sử dụng đã hỏng, xuống cấp. Sở Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời:
Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh hiện có 76 Đài truyền thanh cơ sở/129 xã, phường, thị trấn cụ thể như sau:
Sở Thông tin và Truyền thông đầu tư giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2018-2019: 34 Đài (Dự kiến đến hết năm 2020 Sở đầu tư 14 Đài).
UBND các huyện, thị xã, thành phố đầu tư: 39 Đài.
Quỹ Thiện tâm đầu tư năm 2019: 03 Đài (Dự kiến năm 2020 Quỹ đầu tư thêm 6 Đài).
Truyền thanh cơ sở là một trong những kênh thông tin thiết yếu phục vụ người dân ở cơ sở để thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa thu được kết quả như mong muốn, do cơ sở vật chất, kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở đã xuống cấp, chưa đồng bộ, chưa ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào hoạt động thông tin cơ sở; năng lực của đội ngũ nhân lực làm công tác thông tin cơ sở còn hạn chế do chủ yếu là kiêm nhiệm, hoạt động không chuyên trách, hầu hết không được đào tạo theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ, tính ổn định của nhân lực không cao do chế độ đãi ngộ thấp; nguồn kinh phí giành cho duy trì hoạt động Đài truyền thanh cơ sở còn hạn hẹp chưa được quan tâm.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền của Đài truyền thanh cơ sở, thời gian tới, rất cần sự quan tâm, phối hợp đồng bộ của các địa phương (trực tiếp là UBND cấp xã), cơ quan, ban, ngành liên quan trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là sớm thực hiện việc rà soát, đánh giá cụ thể thực trạng hoạt động của các Đài truyền thanh cơ sở, từ đó có những đề xuất, giải pháp, kiến nghị cụ thể, đặc biệt là về nguồn lực để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng, tập huấn nhân lực…
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quan tâm, chỉ đạo UBND các xã chủ động xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở, (trong đó ưu tiên đầu tư trang bị cho các Đài truyền thanh đã hỏng; duy tu, bảo dưỡng, thay thế, nâng cấp các Đài để nâng cao hiệu quả hoạt động; duy trì đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, cũng như công tác bảo trì, bảo dưỡng đối với hệ thống đài truyền thanh cơ sở) để có nguồn kinh phí hoạt động.
Thực hiện các nhiệm vụ tại QĐ 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT, Sở TTTT đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu tham mưu xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp đồng bộ như: Thay đổi công nghệ phát sóng FM sang ứng dụng CNTT- VT; giải pháp về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về CNTT và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở; giải pháp về tài chính…
Câu 7: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định loại phương tiện, hình thức và mức hỗ trợ phương tiện nghe - xem thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh?
Trả lời:
Trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông, cũng như UBND các huyện, thị xã, thành phố đã bán sát vào những nội dung của Nghị quyết, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan trung ương cũng như nguồn kinh phí hàng năm được cấp đã rà soát, lập danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ thết bị nghe - xem đảm bảo đúng đối tượng, trang bị các thiết bị đảm bảo đúng quy chuẩn, quy định.
Đến hết năm 2019, đã hỗ trợ 166 (Sở TT&TT thực hiện đầu tư 50 bộ) bộ thiết bị nghe - xem (tivi và đầu thu vệ tinh) cho 166 hộ gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Dự kiến trong năm 2020 sẽ hỗ trợ thêm khoảng trên 200 (Sở TT&TT thực hiện đầu tư 55 bộ) bộ thiết bị nghe - xem (tivi và đầu thu vệ tinh) cho trên 200 hộ gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Sở TT&TT kiến nghị HĐND tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí tập trung từ ngân sách cân đối địa phương để lồng ghép với nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo tập trung đúng đối tượng và chất lượng thiết bị đáp ứng yêu cầu của Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất, kết thúc phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31/12/2020.
Trên đây là nội dung trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường tực HĐND tỉnh.
BT/DIENBIENTV.VN