Trả lời các câu tại phiên họp giải trình của Thường tực HĐND tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh (Kỳ 6)

Thứ Hai, 15/06/2020, 14:56 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trả lời các câu tại phiên họp giải trình của Thường tực HĐND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên đã trả lời các câu hỏi tại phiên họp. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Điện Biên đăng tải nội dung trả lời các câu hỏi tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh

Tiếp theo...

 

Câu 3:  Ở các tỉnh, thành phố hàng tháng đều tổ chức Họp báo, tỉnh ta chưa thực hiện được. Họp báo thường kỳ là để cung cấp thông tin chính thống, định hướng tuyên truyền cho phóng viên, cho cơ quan báo chí. Ở tỉnh ta hàng tháng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí. Hội Nhà báo đã đề nghị UBND tỉnh tổ chức họp báo định kỳ. Với trách nhiệm của mình, Sở Thông tin và Truyền thông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Trả lời:

Theo khoản 2, Điều 5, Nghị định 09/2017/NĐ-CP  ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, thì việc cung cấp thông tin cho báo chí của UBND cấp tỉnh được thực hiện qua các hình thức sau: 

Hằng tháng cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình theo quy định

Ít nhất 3 tháng một lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí;

Trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính Nhà nước tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc giao ban báo chí,

Hiện nay, việc cung cấp thông tin cho báo chí của tỉnh được thực hiện qua  các hình thức: Bằng văn bản, qua hội nghị giao ban báo chí hằng tháng và cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh nội dung trả lời báo chí bằng văn bản khi có câu hỏi đề nghị phỏng vấn của các cơ quan báo chí, nên đã hạn chế bớt phần nào thông tin mang tính một chiều, chủ quan, tiêu cực viết về tỉnh.

Trong năm 2019, Sở TT&TT đã phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí vào ngày 21/6. Cuộc họp này có sự tham gia của rất nhiều cơ quan chuyên môn của tỉnh, buổi họp báo này cũng được đánh giá là rất hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian sau đó vì nhiều lý do khách quan, các buổi họp báo thường kỳ cung cấp thông tin cho báo chí cũng chưa được thực hiện.

Giải pháp: Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để thực hiện việc họp báo cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí theo đúng quy định (3 tháng tổ chức họp báo 1 lần).

Câu 4: Qua theo dõi các ấn phẩm báo chí trên địa bàn tỉnh thấy rằng số ít bài viết, phóng sự phản ánh những mặt trái, tiêu cực, vụ việc. Tỷ lệ bài viết phóng sự phản ánh những mặt tiêu cực, mặt trái rất thấp. Đây có phải là mặt tốt của báo chí ở tỉnh ta? hay báo chí né tránh?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 38, Luật Báo chí năm 2016, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Khoản 3, Điều 38: Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của có quan Nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Hiện nay các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện theo tôn chỉ mục địch. Báo Điện Biên Phủ là cơ quan ngôn luận của Đảng thực hiện tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tạo sự đồng thuận trong xã hội; Đài PTTH tỉnh (cơ quan chủ quản là UBND tỉnh), 2 cơ  những năm qua đã thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, là kênh thông tin 2 chiều để phản ánh mọi mặt của đời sống chính trị xã hội trong tỉnh.

Tuy nhiên, đối với việc thông tin những vụ việc phức tạp nhạy cảm liên quan đến an ninh chính trị quốc gia của đất nước, của tỉnh cơ quan báo chí đều cần cân nhắc, đảm bảo mang tính xây dựng. Thực tế trong thời gian vừa qua, báo chí của tỉnh đã tích cực đáu tranh, phản ánh rất nhiều vụ việc tiêu cực, vi phạm của các cấp các ngành, nhiều vụ việc được báo chí phát hiện, phản ánh đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, điều tra và đưa ra truy tố, xét xử.

Câu 5: Hỏi: Trên địa bàn tỉnh, ngoài hoạt động thông tin bằng tiếng phổ thông, còn có hoạt động thông tin bằng các thứ tiếng dân tộc. Đề nghị đ/c Giám đốc Sở TT&TT làm rõ các giải pháp quản lý nội dung thông tin của hệ  thống thông tin bằng các thứ tiếng dân tộc trên địa bàn tỉnh?

Trả lời:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chương trình phát thanh, truyền hình với 02 thứ tiếng dân tộc (Tiếng Thái và Tiếng Mông) trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh phát sóng hằng ngày theo Giấy phép hoạt động đã được Bộ TT&TT cấp phép. Đài TT-TH thuộc Trung tâm Văn hóa, TT-TH huyện Điện Biên thực hiện nội dung biên tập, biên dịch chương trình phát thanh từ tiếng phổ thông ra tiếng Thái (phát 03 chương trình/tuần).

Ngoài ra, để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, một số sở, ngành trong tỉnh cũng thực hiện xuất bản các ấn phẩn (tờ gấp tờ rơi) bằng các thứ tiếng dân tộc (Tiếng Thái, Tiếng Mông) để phục vụ công tác tuyên truyền tới vùng đồng bào các dân tộc.

Trước khi xuất bản các ấn phẩm bằng các thứ tiếng dân tộc Sở Thông tin và Truyền thông đều thực hiện thẩm định nội dung (cả tiếng phổ thông và tiếng được biên dịch để in) và cấp Giấy phép xuất bản theo đề nghị.

Theo quy định tại Thông tư số 01/2020 ngày 07/02/2020 của Bộ TT&TT Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản thì: " Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh lập một (01) bộ hồ sơ, gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép; Hai (02) bản thảo tài liệu in trên giấy có đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản tại trang đầu và giáp lai giữa các trang bản thảo…  Đối với tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam phải kèm theo bản dịch tiếng Việt có đóng dấu của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp Giấy phép xuất bản".

Đối với các chương trình phát thanh truyền hình của Đài PTTH tỉnh: Theo quy định tại Điều 24, Luật Báo chí, Người đứng đầu cơ quan báo chí: "Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí; Chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và các quy định ghi trong Giấy phép".

Như vậy, thông tin được phát sóng bằng các thứ tiếng dân tộc, người chịu trách nhiệm trước hết là lãnh đạo cơ quan báo chí. Tại Đài PT-TH tỉnh đã có Phòng phát thanh truyền hình tiếng dân tộc, có cán bộ phóng viên, biên tập viên là người dân tộc thiếu số có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ biên tập, sản xuất chương trình tiếng dân tộc.

Đối với trách nhiệm QLNN của Sở TT&TT trong quá trình theo dõi, nếu phát hiện nội dung thông tin vi phạm các quy định tại Điều 9- Luật Báo chí  "Các hành vi bị nghiêm cấm", Sở TT&TT sẽ thực hiện tham mưu, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay Sở TT&TT chưa có cán bộ, chuyên viên biết tiếng dân tộc Mông để theo dõi quản lý NN về lĩnh vực này trên các hệ thống thông tin của tỉnh. Đây là nhiệm vụ khó khăn của Sở TT&TT hiện nay…

Thực tế trong nhiều năm qua, Sở TT&TT chưa nhận được phản ánh, kiến nghị nào từ phía độc giả liên quan đến sai phạm về nội dung thông tin của cơ quan báo chí, cơ quan có in xuất bản phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số (Tiếng Thái, Tiếng Mông).

Giải pháp: Đề nghị bổ sung kinh phí, biên chế quản lý NN về báo chí cho Sở Thông tin và Truyền thông.
Theo kế hoạch, dự kiến trong quý III/2020 Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về định mức đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu, làm căn cứ để thực hiện Thông tư số 81/2017/TT-BTC ngày 09/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định chế độ thù lao cho người đọc, nghe, xem để kiểm tra báo chí lưu chiểu. (trong đó có nội dung hợp đồng cộng tác viên theo dõi kiểm tra báo chí lưu chiểu).

Còn nữa...

 

BT/DIENBIENTV.VN

.