Điện Biên: Sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún
Điện Biên TV - Đó là đánh giá tại Hội nghị tham vấn phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Tỉnh ủy Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào sáng 19/7.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Vẫn còn tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp
Sau hơn 3 năm tổ chức triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và hơn 4 năm thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên", sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực gồm: Thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Hình thành một số liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân; từng bước khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các loại đất sản xuất nông, lâm nghiệp; một số dự án cánh đồng lớn đã được triển khai thành công; sản phẩm gạo Điện Biên (Bắc thơm số 7) đã được chứng nhận theo chuỗi, được cấp chỉ dẫn địa lý và mã truy xuất nguồn gốc; tốc độ phát triển đàn gia súc, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát; đã hình thành và tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn phát biểu tại hội nghị |
Cụ thể, hiện tỉnh có 18 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hút được 18 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã cấp mã truy sản xuất nguồn gốc sản phẩm (mã QR) cho 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Sản xuất còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn chậm và chưa đồng bộ; cơ cấu giống lúa tại các địa phương chưa cân đối; tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, quy mô nhỏ lẻ, quảng canh còn phổ biến; việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn thấp.
Nhiều đề xuất phát triển nông nghiệp
Vì vậy, tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận, đề xuất những vấn đề xoay quanh việc: Nghiên cứu các biện pháp phục tráng, cải tạo, canh tác bền vững lúa trên cánh đồng Mường Thanh; nghiên cứu phát triển cây ăn quả hàng hóa tại Điện Biên; phát triển mô hình sản xuất rau và hoa công nghệ cao phục vụ du lịch tại cánh đồng Mường Thanh; phát triển cây lâm nghiệp và lâm sản ngoài gỗ, phục vụ phát triển bền vững rừng trên địa bàn tỉnh; phát triển chăn nuôi gia súc giá trị tăng cao tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông.
Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất các vấn đề về việc cần sàng lọc các chủng giống tảo xoắn có tốc độ sinh trưởng nhanh, chất lượng cao và có khả năng thích ứng với biến động nhiệt độ tại Điện Biên; nghiên cứu quản lý, sử dụng đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; xây dựng mô hình nuôi tôm nước ngọt trong ao; xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Nheo Mỹ trong ao và trong lồng trên hồ chứa; xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, lịch sử...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với Viện Dược liệu, Viện Chăn nuôi xây dựng các đề án: quy hoạch phát triển cây dược liệu; phát triển chăn nuôi đại gia súc; phục tráng, cải tạo, canh tác bền vững lúa trên cánh đồng Mường Thanh; phát triển cây ăn quả như: Chuối tiêu hồng, dứa, táo mèo... Đồng thời đề nghị Học viện tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng các đề án; các huyện, thị, thành phố cung cấp số liệu khi Học viện cần./.
Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN