Biên giới là quê hương

Thứ Hai, 11/05/2020, 15:29 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, cán bộ chiến sỹ bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên luôn sát cánh cùng đồng bào nơi biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thân thiết, gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân, bà con đã coi nhiệm vụ của các chiến sỹ Biên phòng là một phần công việc của mình, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Bộ Chỉ huy Biên phòng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đỡ đầu 4 xã vùng biên của huyện Mường Nhé. Đây là những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chính vì vậy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, trực tiếp là cấp ủy, chỉ huy các Đồn Biên phòng đã xây dựng kế hoạch thực hiện bằng những việc làm thiết thực. Trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân khu vực biên giới.

1
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ để làm đường bê tông tại bản Leng Su Sìn

Trung tá Chu Ngọc Lệ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn huyện Mường Nhé cho biết: Chúng tôi luôn bám sát vào kế hoạch, làm tốt phối hợp với địa phương để tham mưu củng cố chính trị, phát triển kinh tế xã hội.

Giao thông là một trong những yếu tố quyết định đến phát triển kinh tế của người dân. Nhận thức được điều đó, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ để làm đường bê tông tại bản Leng Su Sìn. Tuyến đường có chiều dài dài gần 700m, rộng 2,5m, dày 20cm với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng.

Trong đó, UBND tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 500 triệu đồng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn và nhân dân trong bản đóng góp trên 1.100 ngày công tương đương khoảng 164 triệu đồng. Từ khi tuyến đường hoàn thành đã đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, việc thông thương hàng hóa nông sản cũng dễ dàng hơn.

Ông Chang Lòng Cà, Trưởng bản Leng Su Sìn xã Leng Su Sìn huyện Mường Nhé cho biết: Đồn Biên phòng với nhân dân cùng góp sức cùng làm với nhau, bây giờ có đường rồi, bà con rất phấn khởi.

Đồn là nhà – Biên giới là quê hương, câu nói đó từ lâu không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sự gắn bó mật thiết, trách nhiệm cao cả của mỗi cán bộ chiến sỹ Biên phòng Điện Biên. Xác định biên cương chỉ thực sự bền vững khi đời sống của đồng bào no ấm, những người chiến sỹ biên phòng có mặt trong hầu hết mọi hoạt động cộng đồng của từng thôn bản.

Không quản ngại khó khăn, không kể mưa hay nắng, ngoài nhiệm vụ cầm chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ chiến sỹ biên phòng Nậm Kè tập trung sức mạnh xây dựng củng cố đơn vị; phát huy tối đa nội lực, sát cánh chăm lo phát triển kinh tế, từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào dân tộc nơi miền biên viễn.

Sâu sát cơ sở, nắm vững điều kiện thực tế của địa phương và tâm tư nguyện vọng, tập quán sản xuất của người dân, biết phân tích để người dân hiểu. Sau những mô hình do chính cán bộ, chiến sỹ triển khai thực hiện và cầm tay chỉ việc, rất nhiều hộ dân được tiếp cận các biện pháp thâm canh lúa nước. Từ chỗ chỉ sản xuất mỗi năm 1 vụ năng suất thấp, người dân bản Huổi Thanh đã từng bước quen dần với sản xuất 2 vụ lúa. Năng suất đạt tới trên 4 tấn/1ha mỗi vụ.

PS_BIEN GIOI LA QUE HUONG.mpg_snapshot_04.43_[2020.05.07_07.jpg
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Kè giúp nhân dân gặt lúa

Ông Lò Dấu Phùng, Bản Huổi Thanh 1- xã Nậm Kè - huyện Mường Nhé cho biết:: Đồn với xã phối hợp  cùng dân bản xây dựng mô hình lúa nước, chúng tôi rất cảm ơn. Tiến tới chúng tôi sẽ tiếp thu những cái tốt để phát triển lên, dân bản có thể đủ ăn đủ uống đủ mặc.

Thấy rõ hiệu quả của sản xuất lúa nước cao hơn hẳn so với sản xuất nương rẫy truyền thống, diện tích lúa nước ở xã Nậm Kè ngày càng được mở rộng. Và năm nào cũng vậy, chỉ ít ngày sau khi kết thúc vụ thu hoạch lúa mùa, tại những chân ruộng đó - một vụ sản xuất mới lại lập tức bắt đầu với màu xanh của các loài cây họ đậu.

Rất nhiều người dân xã Nậm Kè giờ đã bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, biết chủ động thay đổi phương thức sản xuất mới. Trong đó, sự thay đổi lớn nhất mà mỗi cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nậm Kè làm được là giúp cho người dân tự thấy được trách nhiệm đối với chính cuộc sống của mình.

Mỗi người một quê, người từ miền xuôi xa xôi và có cả những người đến từ nơi phố thị sầm uất. Không cùng nơi chôn rau, cắt rốn và cũng không cùng huyết thống, nhưng trách nhiệm với nhau chẳng khác nào anh em ruột thịt. Vì sự ấm no và bình yên của nhân dân, vì sự toàn vẹn lãnh thổ, các anh sẵn sàng chấp nhận hy sinh cả tuổi trẻ, chấp nhận sự thiếu thốn trong cuộc sống, trong hạnh phúc gia đình để gắn bó với mảnh đất biên cương, gắn bó với đồng bào các dân tộc; coi mỗi tấc đất biên cương như quê hương mình, đồng bào các dân tộc là người thân của mình.

Thực hiện mô hình con nuôi Đồn Biên phòng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã nhận nuôi 26 cháu con em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhiều ngày nay, Đồn Biên phòng Pa Thơm nhộn nhịp hơn bởi sự có mặt của 2 chiến sĩ nhí. Đây là 2 em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Pa Thơm; gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng các em ăn học và đã được Bộ đội Biên phòng nhận nuôi.

Ở môi trường quân đội, ngoài giờ lên lớp, các em được cùng ăn, củng ngủ, cùng tăng gia sản xuất với các chiến sĩ. Các em nhận được tình yêu thương, sự kèm cặp mỗi ngày của các chú bộ đội, điều mà vốn dĩ lâu nay các em đã không nhận được từ gia đình.

Em Quàng Văn Kiên, Bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: Gia đình cháu khó khăn, được các chú Đồn Biên phòng nhận nuôi, cháu hứa sẽ chăm ngoan học giỏi.

1
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã nhận nuôi 26 cháu con em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. ảnh là 2 em nhỏ người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Pa Thơm đã được Bộ đội Biên phòng nhận nuôi.

Biết cách hoà đồng, được dân yêu, dân mến, hoạt động tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước rất thuận lợi. Phong trào quần chúng tự quản đường biên cột mốc được người dân thực hiện tự giác, có trách nhiệm. Trong quá trình sản xuất hay chăn thả gia súc, nhân dân đã chủ động kiểm tra đường biên, cột mốc; kịp thời phát hiện và báo cho Ban chỉ huy các Đồn Biên phòng hàng trăm nguồn tin có giá trị. Việc phối hợp với lực lượng dân quân tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, mốc giới cũng được tiến hành thường xuyên hơn.

Thượng tá Trần Nam Trung, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Điện Biên cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Biên giới được xác định là địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước luôn tiềm nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chống phá với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.

Nhận thức rõ vai trò của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, lực lượng Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã và đang xây dựng nên một “thế trận lòng dân”, tạo sức mạnh tổng hợp để quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Và hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng - Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tiếp tục tỏa sáng trong lòng nhân dân nơi biên giới./.
 

 

Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN

.