Khoảng trống từ những vụ đuối nước thương tâm
Ngay sau khi học sinh được nghỉ hè, đã liên tiếp có những vụ học sinh đuối nước thương tâm. Vụ 8 học sinh ở Yên Thành, Nghệ An đuối nước ngày 31/5 là vụ việc đau lòng mới nhất.
Theo thống kế, đến nay mới chỉ có gần 1.000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi. |
Câu chuyện không mới mẻ, bởi năm nào cũng vậy cứ vào hè là lại xảy ra những vụ việc đáng tiếc như thế. Nhưng không có nghĩa xảy ra thường xuyên thì những cái chết sẽ trở nên bình thường bởi chính sự thờ ơ của những người tưởng như ngoài cuộc và nghe quen tai đọc quen mắt. Với những gia đình có con em gặp tai nạn đuối nước, nỗi đau của họ vẫn nguyên vẹn.
Với nhiều học sinh ở nhiều vùng miền khác nhau, sau cả một năm học đằng đẵng với một chương trình vẫn được coi là không hề nhẹ nhàng, chỉ có mùa hè là các em nhỏ ít nhiều có thời gian để chơi, để làm điều mình thích, và đương nhiên bơi lội vẫn là một thú vui được ưu tiên.
Dường như có một nghịch lý đang diễn ra khi không ít những vụ đuối nước lại vẫn xảy đến với những học sinh vùng nông thôn, vốn được coi là gần gũi hơn với môi trường tự nhiên? Phải chăng trước đây, với một chương trình học vừa phải, trẻ em nông thôn có nhiều thời gian chơi hơn và đương nhiên cũng là thời gian để làm quen, học bơi và thậm chí là bơi giỏi? Còn gần đây, học sinh nông thôn cũng đang chịu áp lực không nhỏ từ học tập và chương trình học đó lại rất ít, thậm chí không có chỗ cho dạy bơi, trong khi việc học và dạy bơi tự nhiên “truyền thống” hầu như không còn.
Không biết bơi, hoặc bơi không giỏi, các em cũng hầu như không được trang bị kỹ năng xử lý hỗ trợ chính mình và người khác khi bị đuối nước. Hoảng loạn, vùng vẫy và ôm túm bất cứ thứ gì trong tầm tay chính là những phản xạ tự nhiên khi gặp nước của con người, nhưng chính những phản xạ này luôn khiến hậu quả của những vụ tai nạn tập thể nặng nề và thương tâm hơn.
Từ những năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các Sở về việc triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Mục tiêu được đưa ra là chậm nhất đến năm học 2014 - 2015, các Sở phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học bằng hình thức phù hợp.
Tuy nhiên, với khó khăn chồng chất về cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu giáo viên đạt chuẩn, thiếu nguồn kinh phí duy trì, bảo trì bể bơi thường xuyên… nên đề án dạy bơi trong trường học chủ yếu vẫn dừng lại ở việc thí điểm ở một số trường. Chẳng hạn ở miền Bắc, do đặc thù thời tiết nên việc dạy bơi chỉ có thể tiến hành từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 10, thời gian còn lại bể không hoạt động, rất tốn kém cho việc bảo trì, bảo dưỡng bể bơi và nguy cơ mất an toàn cho trẻ cao.
Hơn nữa, việc dạy bơi cho học sinh phải dành riêng một buổi sáng hoặc chiều, chia thành các nhóm nhỏ, không thể dạy cả lớp cùng lúc và gói gọn trong một tiết học như các môn học khác. Trong khi đó, kinh phí xây dựng một bể bơi là không nhỏ. Để bể bơi hoạt động được, cũng cần nhiều yêu cầu như người quản lý bể bơi phải có kiến thức chuyên môn để xử lý vệ sinh bể bơi tốt tránh tình trạng rêu bám thành bể và nguồn nước ô nhiễm. Cần có thêm nhân lực giám sát sự an toàn của trẻ nếu có đông học sinh tham gia bơi và học bơi… Nên đa số các trường đều nhận thấy sự cần thiết của việc dạy bơi, nhưng điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Ngày 19/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương cùng hơn 3.000 học sinh, nhân dân quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã tham dự lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2019.
Tại đây, Phó Thủ tướng đã đặt câu hỏi “chúng ta đã thực sự tích cực, nghiêm túc chưa?”, khi có rất nhiều chỉ đạo và từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh nhưng đến nay mới chỉ có gần 1.000/50.000 trường học triển khai chương trình 100% học sinh biết bơi; khoảng 1.000/11.000 xã triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
“Chúng ta phải thực sự làm nghiêm túc, trách nhiệm trước tính mạng của nhân dân, đặc biệt của trẻ em”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ có sự quan tâm và hành động thực sự của cả gia đình, nhà trường và xã hội, nạn đuối nước mới có thể được đẩy lùi.
Theo Chinhphu.vn