Dân choáng váng vì giá điện tăng chóng mặt sau điều chỉnh của EVN

Thứ Sáu, 17/05/2019, 15:05 [GMT+7]

Với biểu giá điện như hiện nay, mỗi hộ gia đình chỉ cần dùng thêm từ 60 – 100 kWh/tháng thì số tiền phải trả cho ngành điện sẽ là không nhỏ.

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36% kể từ ngày 20/3/2019. Sau gần 2 tháng áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới (6 bậc thang), với 2 kỳ hóa đơn thanh toán tiền điện tại TP Hà Nội đã ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng phản ánh tổng tiền điện phải trả cho từng kỳ cao vọt so với trước khi tăng giá bán lẻ điện bình quân.

Anh Nguyễn Xuân Ba cùng gia đình ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết, tính từ lần trả tiền điện từ tháng 2 đến nay, tháng nào tiền điện cũng tăng thêm trong khi lượng điện sử dụng tăng không đáng kể. Anh Ba trực tiếp cung cấp tin nhắn thông báo tiền điện của Điện lực Thanh Xuân, cùng bảng sao kê thanh toán tiền điện trực tuyến từ ngân hàng Vietcombank trong 4 tháng năm 2019 và không giấu được nỗi bức xúc.

“Không hiểu bên điện họ tính toán thế nào, từ đầu năm đến nay gia đình không tăng thêm người, không trang bị thêm thiết bị sử dụng điện, thời gian sử dụng điện không thay đổi nhưng tiền điện phải trả cứ tăng đều. Nếu so sánh hóa đơn tiền điện của tháng 1/2019 với hóa đơn tháng 4 (kỳ thanh toán tháng 5 ngày 11/5), tiền điện của gia đình đã tăng thêm gần 3 lần”, anh Ba hoang mang cho biết.
 

1
Hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng cao trong 2 tháng qua.


Anh Ba dẫn chứng hóa đơn tiền điện của tháng 3 (kỳ hóa đơn tháng 4) cho thấy, gia đình anh sử dụng hết 257 kWh điện với số tiền phải trả là 556.966 đồng. Nhưng sang kỳ thanh toán tháng 5 (thông báo của Điện lực Thanh Xuân ngày 11/5) lượng sử dụng điện trong tháng 4 là 323 kWh, nhưng số tiền gia đình anh phải thanh toán đã vọt lên 759.860 đồng.

“Lượng điện giữa 2 tháng 3 và tháng 4 rõ ràng là chỉ tăng thêm 66 kWh, nhưng tiền điện đã tăng thêm những hơn 200.000 đồng. Trong khi tăng lúc ngành điện thông báo tăng giá điện có nói là các hộ dùng trên 300 kWh chỉ phải trả thêm 50.000 – 80.000 đồng mỗi tháng. Cần xem lại cách tính giá điện như hiện nay bởi nhiều gia đình có mức tiêu thụ như gia đình tôi rất khó điều tiết trong chi tiêu sinh hoạt.”, anh Ba phân trần.

Không riêng gì trường hợp của gia đình anh Ba, một số hộ có mức tiêu thụ điện cao hơn gia đình anh Ba còn “méo mặt” hơn với số tiền điện trong tháng. Đơn cử, chỉ cần sử dụng điện tăng thêm từ 50 – 100 kWh, số tiền phải trả sẽ tăng rất cao, từ 200.000 – 400.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Xuân Bắc ở Phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cho biết, chỉ trong 3 tháng gần đây, số tiền điện gia đình ông phải trả đã tăng thêm hơn 2 lần, trong khi lượng điện sử dụng có tăng hơn 200 kWh.

“Theo thông báo của bên điện lực Ba Đình thì tháng 2 gia đình tôi dùng hết 334 số điện, phải trả hơn 800.000. Tháng 3 nhà tôi dùng 519 số điện phải trả hơn 1,3 triệu đồng và tháng 4 vừa được thông báo là dùng hết 625 số điện nhưng tiền điện đã “nhảy” lên trên 1,7 triệu đồng. Chắc mấy tháng nữa nóng hơn gia đình cầm chắc việc phải trả vài triệu tiền điện mỗi tháng”, ông Bắc than thở.
Ads by AdAsia

Theo ông Bắc, về cơ bản ông hiểu cách tính tiền điện lũy tiến 6 bậc thang của ngành điện, hộ gia đình càng sử dụng nhiều giá điện càng tăng cao. Cách làm này nhằm nâng cao tinh thần tiết kiệm điện nhưng với mức tiêu thụ tối thiểu như những gia đình có mức sử dụng như nhà ông đang chiếm đa số. Nếu ngành điện không nghiên cứu điều chỉnh biểu giá điện hiện hành sẽ gây khó khăn cho đa số người dân.
 
Không chỉ các hộ sử dụng điện sinh hoạt mới kêu ca về tiền điện trong 2 tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội cũng bày tỏ sự không hài lòng với biểu giá bán điện hiện nay, bởi mức bán buôn cho tổ hợp thương mại, dịch vụ và thương mại có sự lũy tiến giữa các bậc thang không nhịp nhàng và có sự giật cục. Trong khi đó, mức giá bán buôn điện cho mục đích khác lại quá thấp là không công bằng.
 

1
Bảng sao kê thanh toán tiền điện của 1 khách hàng tăng trong 4 tháng qua.

 
Anh Đào Minh Đức, phòng kinh doanh Công ty TNHH Phương Đức cho biết, giá điện tính cho tổ hợp nhà ở, văn phòng cho thuê hiện nay là không phù hợp. Chỉ cần lượng điện tăng thêm rất ít nhưng số tiền tăng thêm là rất lớn. Trong các kỳ thanh toán gần đây, nhiều doanh nghiệp như của anh đã phải chi trả thêm hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng.

“Tháng 2 doanh nghiệp sử dụng hết hơn 110.000 số điện cộng với tiền thuế chỉ phải nộp 250 triệu đồng tiền điện, nhưng sang tháng 3 lượng điện dùng trên 151.000 số mà số tiền phải thanh toán lên đến trên 355 triệu đồng. Tình hình giá điện như hiện nay kéo theo giá thành sản xuất kinh doanh tăng theo khiến nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng gặp khó khăn”, anh Đức cho biết.

Qua thực tế khảo sát các hộ sử dụng điện thời gian gần đây có thể thấy, với các hộ sử dụng dưới 100 kWh/tháng thì mức tăng tiền điện mỗi tháng là không nhiều. Tuy nhiên, ở những bậc giá cao hơn dành cho các hộ sử dụng từ trên 300 – 500 kWh/tháng thì tiền điện hàng tháng đã có sự biến động tăng rất lớn.

Các cuộc kiểm tra về việc tăng giá điện thời gian qua cơ quan chức năng đều nói rằng, số cuộc điện thoại gọi đến các đơn vị chăm sóc khách hàng của EVN đều rất ít. Người dân không khiếu kiện không có nghĩa là họ không bất bình với việc phải trả tiền tăng vọt những tháng vừa qua. Rất nhiều người chấp hành nghiêm luật chơi của ngành điện để mang phần thiệt thòi cho mình mà không lên tiếng.

Theo như phân tích của nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành điện mới đây cũng đã từng công nhận, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt như hiện nay thực tế đã không còn phù hợp với đa số người dùng. Với phân khúc người dùng lớn thì việc điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện phù hợp sẽ là hết sức cần thiết, điều này vừa đảm bảo cho mục tiêu tiết kiệm năng lượng, vừa tạo điều kiện cho ngành điện tái đầu tư phát triển nguồn điện giá rẻ cho nền kinh tế và mọi người dân./.

 

 

Theo Nguyễn Vũ/VOV

.