Nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng và thu gom xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Điện Biên TV - Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Điện Biên sử dụng hơn 150 tấn hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, tương đương khoảng 15 tấn vỏ bao bì, thuốc tồn đọng còn dính trong bao bì cần được xử lý. Tuy nhiên khâu thu gom, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các địa phương vẫn đang gặp phải khó khăn, khi chưa tìm được biện pháp xử lý triệt để. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực nông thôn.
Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật này là bể duy nhất của xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Với diện tích cấy lúa của xã hơn 280 ha, cùng với hơn 80 ha đất chuyên trồng rau mầu các loại, chính vì vậy người dân sử dụng khá nhiều thuốc bảo vệ thực vật.
Trong khi đó cả xã chỉ có một bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, gây khó khăn cho người dân sau khi sử dụng. Những hình ảnh như thế này diễn ra khá phổ biến ở hầu khắp các cánh đồng trên địa bàn xã. Những người có ý thức hơn thì sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ thu gom vỏ bao bì lại đem về nhà và bỏ lẫn cùng rác sinh hoạt trong ra đình, sau đó lại được đem ra vứt bỏ tại những điểm đổ rác thải tập trung như thế này.
Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên |
Ông Vì Văn Biến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: Đa số người dân đem vỏ bao thuốc BVTV ra khu thu gom rác thải sinh hoạt, một số hộ thì đào hố để xử lý đốt hoặc chon vỏ bao bì tại gia đình; còn ở ngoài cánh đồng cũng chưa triệt để hết được, một số bà con khi sử dụng song vẫn tiện tay vứt tại đồng ruộng, bờ mương. Thời gian tới UB xã cũng có kế hoạch xin nguồn kinh phí của huyện để xây dựng khoảng 15 bể trên địa bàn xã.
Đây là thực trạng vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Khó khăn nhất hiện nay là nhận thức của đại đa số người dân còn hạn chế, sự giám sát của các địa phương trong việc quản lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức, nên việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng chưa được tập trung, thậm chí phần lớn vẫn bỏ ngoài mương, đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, số lượng bể được đầu tư chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thu gom, trong khi đó, một số bể sau quá trình sử dụng đã đầy và chưa có địa điểm tập kết xử lý riêng, dẫn đến nhiều bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vẫn chưa được thu gom gây nguy hại đến môi trường và nguồn nước. Hiện nay, nhiều bà con nông dân vẫn còn xem bao, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật là một loại rác thải thông thường nên vứt bỏ bừa bãi xuống kênh mương, sông, suối.
Tình trạng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vứt bỏ không đúng nơi quy định gây nguy hại đến môi trường và nguồn nước |
Tính trung bình 1 năm lượng thuốc bảo vệ thực vật được cung ứng, sử dụng toàn tỉnh khoảng trên 150 tấn, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm gần 70%. Tổng khối lượng hóa chất bảo vệ thực vật hết hạn và bao gói hóa chất sau sử dụng là trên 15 tấn. Tuy nhiên đến nay, việc xử lý chưa được thực hiện kịp thời, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống, sức khỏe con người. Ở nhiều nơi, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế.
Sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhiều người vứt vỏ chai, bao bì ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ. Một số người có ý thức hơn thì thu gom rác thuốc bảo vệ thực vật mang về nhà, xử lý bằng cách thiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt hoặc chôn lấp. Nhưng điều này vẫn gây tác hại không nhỏ đến môi trường cũng như sức khỏe con người.
Ông Lù Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: Trên thực tế thì đã có một số hộ có ý thức trong thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bằng cách đào hố chôn, một số hộ chưa có ý thức vẫn vứt bừa bãi để ảnh hưởng đến môi trường. Bất cập trong xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV là xã chưa có bể thu gom cũng như cách thức để xử lý vì thế xã cũng chỉ tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong vấn đề này.
Các loại cây trồng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất là cà phê, rau và cây lúa. Phần lớn người dân thường sử dụng các nhóm thuốc có độc tố cao là nhóm II và III kết hợp việc trộn từ 2 - 3 loại thuốc để phun một lần, nhiều nông dân sử dụng thuốc với liều lượng tăng gấp 1,5 - 2 lần so với khuyến cáo.
Mặc dù, các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân sử dụng và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nhưng tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp vẫn tăng cao.
Theo ước tính, có khoảng 98% lượng thuốc phun xuống đồng ruộng là tiếp xúc trực tiếp với sâu bệnh, hơn 2% còn lại tồn dư trong bao bì bay vào không khí, nhất là bị rửa trôi theo nguồn nước chảy vào kênh mương, ao, hồ và trầm tích ở dưới đáy.
Thuốc bảo vệ thực vật xâm nhập vào môi trường đất làm cho tính chất cơ lý của đất giảm sút, tiêu diệt nhiều vi sinh vật có lợi trong đất, làm hoạt tính sinh học trong đất giảm; thuốc gây ô nhiễm môi trường nước gồm cả nước mặt và nước ngầm, suy thoái chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến các sinh vật thủy sinh.
Thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trên đồng ruộng theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước, trong không khí, tích lũy trong môi trường, làm cho động vật, cây trồng sống ở đó bị nhiễm thuốc lâu dài, con người ăn các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi bị nhiễm thuốc trừ sâu lâu ngày sẽ có hại cho sức khỏe.
Để hạn chế tình trạng vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng được hơn 50 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, thành phố Ðiện Biên Phủ có 12 bể; huyện Ðiện Biên 40 bể. Song số lượng bể như hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thu gom.
Cần nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn
Gia đình ông Phạm Văn Nhạ, đội 4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên trồng rau đã nhiều năm. Trong quá trình trồng rau, ông luôn ghi chép tỉ mỉ để theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, cũng như thời gian để bón phân đủ lượng và dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Khi xuất hiện bệnh trên cây rau ông Nhạ mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện theo đúng quy trình, giảm số lần phun so với trước đây, giảm được chi phí và an toàn hơn. Ðồng thời chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại rau, quả; sử dụng nhóm thuốc sinh học đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.
Ông Phạm Văn Nhạ, Đội 4, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: Sau khi phun thuốc BVTV cho rau, vỏ bao bì tôi cho hết vào một cái thùng, đối với cây rau nhơ cây cà có khi hàng tháng mới phun một lượt. Như cây rau chẳng hạn có phải làm đem bán là phun bừa bãi đâu mà mình phải tính bao nhiêu thời gian thì cái thuốc đấy bao nhiêu ngày mới đảm bảo để đem bán. Chỉ khi thấy rau có con sâu, con dệp mới phun theo đúng quy trình chứ không phun bừa bãi được.
Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại đội 18, 19, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. ảnh KT |
Hiện nay, tại các vùng chuyên canh rau xanh, như: Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Hưng đã có nhiều hộ sản xuất rau an toàn theo hướng Gap cơ bản, với diện tích trên 30ha. Khi sản xuất, người dân không sử dụng thuốc trừ cỏ, phải thực hiện quy trình làm cỏ bằng tay; gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bỏ đúng nơi quy định.
Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, liều lượng, thời gian bón và cách bón theo quy trình trồng rau an toàn. Do đó, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm trên rau, hạn chế việc tiếp xúc hóa chất của người dân, hạn chế ô nhiễm không khí. Bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường là sản phẩm an toàn có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ và có sổ ghi chép đồng ruộng đầy đủ. Mỗi ha rau xanh sản xuất theo hướng an toàn, có lãi từ 3 - 20 triệu đồng so với sản xuất theo lối truyền thống.
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải thuốc bảo vệ thực vật, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân thay đổi hành vi. Lồng ghép với đó, các địa phương nên cân đối, bố trí vốn ưu tiên đầu tư các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Sớm có giải pháp để giải quyết xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng lâu nay trên các cánh đồng là việc làm hết sức cần thiết để giữ gìn vệ sinh môi trường trong lành, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp để các địa phương hoàn thiện tiêu chí môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN