Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 6 luật mới
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật có hiệu lực trong 2018 và từ đầu năm 2019.
Sáng 14/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố một số Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật |
Tại buổi họp báo, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 6 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 gồm: Luật Lâm nghiệp, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thủy sản, Luật Quản lý nợ công và Luật Quy hoạch.
Một số luật được công bố có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Luật Lâm nghiệp (có hiệu lực từ 1/1/2019) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản. Thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng.
Luật Lâm nghiệp đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng theo quy định Hiến pháp năm 2013; Quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; rừng sở hữu của tổ chức hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng rồng do tổ chức hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật. Đổi mới chính sách lâm nghiệp, không quy định giao rừng có thu tiền sử dụng rừng mà thay thế bằng hình thức cho thuê rừng.
Luật Thủy sản quy định về hạn ngạch khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. Đây là bước tiến so với Luật Thủy sản năm 2003 để phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng 1 lần. Về quản lý tàu cá, chuyển quản lý từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên phải thực hiện lắp thiết bị hành trình theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với cơ sở đóng mới cải hoán, tàu cá, Luật quy định điều kiện của cơ sở và phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Khi đóng mới cải hoán, tàu cá phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Luật này có hiệu lực từ 1/1/2019.
Luật Quy hoạch quy định rõ yêu cầu, nguyên tắc và nội dung chủ yếu của các loại quy hoạch theo hướng cấp độ quy hoạch càng xuống thấp càng thể hiện chi tiết, từ đó sẽ đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch, tránh được sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa các quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng của quy hoạch.
Để đảm bảo tính khách quan, khoa học, độc lập và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành, Luật quy định rõ Chính phủ chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng. Các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập quy hoạch tỉnh, thành phố thuộc thẩm quyền quản lý.
Luật quản lý nợ công (có hiệu lực từ 1/7/2018) phân định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất về nợ công, giao một cơ quan là Bộ tài chính chịu trách nhiệm chính trong quản lý nợ công thống nhất, tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân. Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý, huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.
So với Luật quản lý nợ công 2009, việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, đặc biệt là luật đầu tư công năm 2014 và Luật ngân sách nhà nước năm 2015.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ 15/1/2018) bổ sung quy định về áp dụng biện pháp can thiệp sớm để xử lý sớm tổ chức tín dụng có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt nhằm hạn chế tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yếu kém mới phát sinh.
Luật có quy định về xử lý chuyển tiếp đối với các tổ chức tín dụng đã được kiểm soát đặc biệt trước ngày Luật có hiệu lực như: cơ chế xử lý trong trường hợp sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, xây dựng mới phương án xử lý ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc và các nguyên tắc thực hiện việc chuyển nhượng các ngân hàng này cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (có hiệu lực từ 1/7/2018) quy định về một số chế độ, chính sách mới, bao gồm: đảm bảo chi phí đi lại cho thành viên cơ quan đại diện và vợ hoặc chồng được cử đi công tác nhiệm kỳ trong trường hợp có việc hiếu; hỗ trợ một phần học phí tại nước sở tại và chi phí mua bảo hiểm khám chữa bệnh cho con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện.
Việc bổ sung một số chế độ này là cần thiết để tạo điều kiện cho các thành viên cơ quan đại diện yên tâm công tác, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước./.
Theo Phương Thoa/VOV