Du lịch Điện Biên -Tiềm năng và những thành tựu

Thứ Hai, 11/02/2019, 14:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hoa đào - biểu tượng của mùa xuân, gắn liền với Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Mùa Xuân trên mảnh đất Điện Biên  Phủ anh hùng những năm gần đây, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng thêm loài hoa anh đào. Sự kiện hút khách bởi sự độc, lạ của văn hóa Nhật – Việt nói chung, hoa Anh Đào của Nhật Bản trồng trên đất Điện Biên nói riêng. Đây cũng là một yếu tố mới, kết hợp cùng nhiều yếu tố khác tạo nên những chuyển biến tích cực và đáng mừng trong nỗ lực thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch của ;địa phương.

Tỉnh Điện Biên là địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí quan trọng đặc biệt đối với vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước về nhiều lĩnh vực như: Kinh tế, văn hoá, chính trị, quốc phòng và an ninh.
Theo đó, du lịch Điện Biên cũng nằm trên các hành lang du lịch quan trọng mang tầm quốc gia. Nơi đây cũng là khu vực có nhiều tiềm năng nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch lịch sử và du lịch biên giới. Vì vậy, Điện Biên là một trong những nơi trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Tiềm năng du lịch Điện Biên

Nói đến tiềm năng du lịch của Điện Biên, đầu tiên phải kể đến Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Quần thể bao gồm các điểm di tích chính như: Đồi A1; Hầm Đờ Cát; Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Hận thù Noong Nhai; Di tích Đồi E, đồi D,  Đồi Him Lam và một số nghĩa trang liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đây chính là yếu tố khởi điểm cho phát triển du lịch của Điện Biên. Bởi hầu hết các đoàn khách du lịch khi lựa chọn đến với Điện Biên, họ đều xác định là du lịch mang tính chất về nguồn.

Họ muốn được ít nhất một lần đến với chiến trường Điện Biên năm xưa - nơi mà quân và dân ta 65 năm trước đã tạo nên một chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", giải phóng cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Không sách vở, báo chí nào có thể lột tả được hết những câu chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng chính những dấu tích, hình ảnh, hiện vật của chiến trường còn lưu giữ tại quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay.

1
Di tích lịch sử đồi A1


Ông Nguyễn Tuấn Anh -  Du khách tỉnh Nghệ An cho biết: Chúng tôi là thế hệ sinh ra sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Qua lịch sử, qua tìm hiểu thì chúng tôi thấy rất tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: "Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu". Trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà toàn Đảng, dân và quân ta đã đồng lòng nhất trí dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã dành thắng lợi huy hoàng tại mặt trận Điện Biên.

Để thu hút và giữ chân du khách đến với Quần thể di tích Điện Biên Phủ, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp. Từ việc đầu tư để trùng tu, tôn tạo và cải tạo di tích cho đến nâng cao kiến thức lịch sử cho đội ngũ làm du lịch, nhất là đội ngũ thuyết minh viên; nâng cao chất lượng phục vụ du lịch. Đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá và gắn du lịch lịch sử với các lễ hội và các hình thức du lịch khác.v.v. Qua đó đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Điện Biên. Bởi vậy có thể khẳng định: Du lịch lịch sử là khởi điểm, là mấu chốt và cũng là cầu nối để Điện Biên phát triển các loại hình du lịch khác.

Phát triển ngay sau du lịch lịch sử là du lịch sinh thái. Khi du khách đến với Điện Biên, muốn được khám phá và nghỉ dưỡng thì có thể lựa chọn hình thức du lịch sinh thái với các điểm đến như: Him Lam Resort; Suối khoáng Hua Pe, U Va; Cột mốc số 0 A Pa Chải tại huyện Mường Nhé và một số điểm du lịch sinh thái mới hình thành trên địa bàn huyện Điện Biên, huyện Mường Ảng. Nhưng điểm đến nổi bật trong hình thức du lịch này ở tỉnh ta là: Hồ Pá Khoang.

Nơi đây như một Hạ Long thu nhỏ. Những đảo nhỏ với hệ sinh thái phong phú, nằm xen nhau giữa lòng hồ mênh mông nước với tổng diện tích hơn 2 nghìn ha. Du khách khi đến đây được thỏa sức hòa mình với thiên nhiên, với sự thơ mộng của hồ và sự hùng vỹ của rừng trên đảo và trên những cánh rừng nguyên sinh bao quanh hồ.

Thích thú hơn là được hòa mình với dòng nước mát khi du ngoạn Hồ Pá Khoang trên những chiếc xuồng máy. Cảnh đẹp, môi trường trong lành là điều kiện lý tưởng khiến du khách phải mê mẩn và có phần bất ngờ khi đến với nơi này. Nhất là khi nơi đây có thêm Đảo hoa, khu du lịch sinh thái Pá Khoang lại càng thu hút du khách nhiều hơn. Điểm chủ đạo tại Đảo hoa này là hoa anh đào - loài hoa đặc trưng của đất nước Nhật Bản, khiến cho du khách thập phương đều muốn ghé thăm.

Cũng bởi lẽ đó mà tỉnh ta đã khai thác triệt để ưu thế từ Đảo hoa xinh đẹp này để tổ chức Sự kiện Hoa anh đào hàng năm và đã đem lại những thành công nhất định trong phát triển du lịch của địa phương.

Cùng với du lịch sinh thái, Điện Biên cũng khá hút khách từ hoạt động Du lịch cộng đồng. Đây cũng là hướng đi chính, là giải pháp căn cơ để phát triển du lịch Điện Biên một cách bền vững.

Ông Đoàn Văn Chì - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Điện Biên cho biết: Chúng tôi xác định là để du lịch phát triển bền vững thì ngoài những sản phẩm truyền thống đó là thăm quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì làm du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã tổ chức cho nhiều đoàn đi thăm quan học tập mô hình làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh để triển khai ở tỉnh ta. Theo đó, hiện đã có 2 mô hình du lịch cộng đồng mới hình thành. Một ở xã Mường Phăng, một ở xã Thanh Luông huyện Điện Biên. Đây thực sự là điểm nhấn đối với du khách khi đến với Điện Biên. Du khách có thể được cùng ăn, ở, tham gia sinh hoạt trải nghiệm tại cộng đồng. Đây hướng đi sẽ giúp cho địa phương phát triển du lịch bền vững.

Du lịch cộng đồng tại Điện Biên được bắt nguồn từ những bản Văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó, các bản người dân tộc Thái chiếm đa số. Đến với mỗi bản văn hóa, du khách được hòa mình vào không gian sống của bà con: Từ thăm quan, tìm hiểu các nét văn hóa đặc trưng; trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt và lao động của đồng bào các dân tộc; thưởng thức những sản vật sẵn có từ thiên nhiên hoặc do chính người dân bản địa làm nên và chính bàn tay họ chế biến theo cách truyền thống của dân tộc họ.

Đặc biệt hơn, du khách được hòa mình và có thể say với những câu hát, điệu múa qua các tiết mục dân ca, dân vũ độc đáo truyền thống của các dân tộc. Thêm yếu tố bất ngờ cho du khách với hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các điểm du lịch cộng đồng là: Những "ca sĩ", "diễn viên" tươi tắn, rực rỡ trên sân khấu đều là chính những người dân lao động quanh năm chân lấm, tay bùn, bận rộn với công việc trên nương, dưới ruộng. Điều này là vốn quý để hút khách du lịch, nhất là với những người yêu văn hóa truyền thống và thích khám phá.

Du lịch cộng đồng ở Điện Biên còn thu hút khách và phát triển thông qua duy trì việc dệt thổ cẩm. Hoạt động này đã ít nhiều giúp du khách hiểu thêm về bản sắc văn hóa các dân tộc của Điện Biên. Qua đây, khách du lịch còn có thể tìm mua được những món quà lưu niệm đặc trưng của Điện Biên, do người dân tự làm như: Khăn piêu, túi xách, chăn ga, váy áo bằng thổ cẩm.

Thêm nữa ở hoạt động du lịch cộng đồng là dịch vụ HomeStay - dịch vụ ăn nghỉ tại chính các gia đình người dân bản địa. Nay dịch vụ này phát triển hơn là xây dựng hệ thống nhà nghỉ riêng biệt cho khách du lịch nhưng đều thể hiện đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa được thể hiện từ kiến trúc nhà nghỉ cho đến các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt và cả ẩm thực phục vụ thực khách đều gắn liền với đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên.

1
Tiềm năng du lịch Điện Biên đã được đánh thức và khai thác ngày càng có chiều sâu, phát huy được giá trị của nó


Ông Lò Văn Đức - Chủ cơ sở HomeStay Mường Phăng - Điện Biên cho biết: Lần đầu tiên chúng tôi làm mô hình du lịch Homesatay, thì sức chứa khoảng 30 đến 50 khách, có ăn nghỉ tại chỗ. Chúng tôi có hướng dẫn viên tại chỗ. Từ việc đưa đoàn thăm quan, hướng dẫn du lịch, chúng tôi còn hướng dẫn và phục vụ khách khi có nhu cầu ăn nghỉ. Thậm chí là cho khách trải nghiệm nấu ăn và một số việc làm tại nhà, hướng dẫn khách làm hoặc để khách tự làm tùy trường hợp.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 10 bản văn hóa du lịch. Hàng năm, tỉnh đã đầu tư và hướng dẫn các bản cách làm du lịch. Theo đó, mô hình ở các bản làm du lịch cộng đồng đều có nét tương đồng. Từ việc xây dựng nhà văn hóa truyền thống, nhà ăn, sân lễ hội phục vụ cộng đồng; xây dựng kiên cố trục đường giao thông chính dẫn vào bản...cho đến việc trang hoàng nhà cửa của từng hộ, rồi trưng bày các hiện vật, các dịch vụ ăn, nghỉ, giao lưu văn hóa văn nghệ.v.v. đều thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng vùng miền. 

Tiềm năng du lịch Điện Biên đã được đánh thức và khai thác ngày càng có chiều sâu, phát huy được giá trị của nó. Bởi vậy, với Điện Biên hiện nay, Du lịch đã thể hiện rõ là kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Những thành tựu Du lịch 

Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn ở tỉnh ta hàng năm đều đạt được những kết quả nổi bật so với các nhiệm vụ phát triển kinh tế khác. Theo đánh giá của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, có những chỉ tiêu không đạt hoặc đạt thấp, nhưng riêng chỉ tiêu về phát triển du lịch thì năm nào cũng đạt và vượt kế hoạch. Đồng thời, luôn duy trì năm sau cao hơn năm trước.

Ông Đoàn Văn Chì - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Điện Biên cho biết: Chúng tôi đánh giá là trong 3 năm vừa rồi, khách đến Điện Biên tăng nhiều so với những năm trước. Cụ thể là 2017 tăng 25% so với 2016, năm 2018 tăng so với 2017 là hơn 17%. Tổng thu từ hoạt động du lịch cũng tăng và đạt cao hơn so với kế hoạch. Tổng thu của 2018 đạt hơn 150 tỷ. Đặc biệt là khách đến ở lâu hơn, khách đến với nhiều hoạt động trải nghiệm và nhiều địa chỉ đến thăm quan, khám phá nên mức chi tiêu cũng lớn hơn. Góp phần hoàn thành thu cho hoạt động du lịch cũng như đóng góp cho địa phương.

Trên cơ sở phát huy những lợi thế về tài nguyên và vị trí về du lịch, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã đạt được những thành quả nhất định. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch Điện Biên phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp nhất định trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đối với sự phát triển du lịch chung của cả nước. Đơn cử như năm 2018, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2017. Cũng từ hoạt động du lịch đã giải quyết việc làm cho trên 14 nghìn lao động.

Đó là kết quả của sự tích hợp nhiều yếu tố, trong đó yếu tố được tập trung thực hiện trong năm qua là: Làm công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá Du lịch. Tỉnh ta mà trực tiếp là ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tăng cường mở rộng thông tin, xúc tiến du lịch với những phương thức đa dạng và phong phú.

Cùng với những việc làm đó, tỉnh Điện Biên cũng tích cực triển khai các nội dung trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, trọng tâm triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030”.

Theo đó, các cơ quan chức năng trong toàn tỉnh đã đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch, xây dựng du lịch Điện Biên trở thành trung tâm du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh và nghỉ dưỡng. Kết quả trước mắt là: Ngoài Quần thể di tích Lịch sử Điện Biên Phủ, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tỉnh ta còn có thêm các điểm du lịch tâm linh như: Chùa Linh Sơn, Chùa Linh Quang, Đền Hoàng Công Chất, các Nghĩa trang liệt sỹ và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đồi E - Tp Điện Biên Phủ.

1
Đền Hoàng Công Chất, tại Di tích thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

 

Đến với những chốn thiêng liêng này, dù vào ngày lễ, ngày tết hay ngày thường, du khách cũng đều được tạo cảm giác thanh tịnh trong lòng, sự yên bình và thư thái. Mặt khác, nhiều du khách đến với nhưng nơi này còn để cầu vận may và mong có được những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Đồng thời, du lịch tâm linh cũng là cách để được chiêm ngưỡng, cảm nhận những nét văn hóa độc đáo, những vẻ đẹp của kiến trúc, phong cảnh thiên nhiên được con người tạo dựng. Dù là hình thức du lịch mới, nhưng mỗi năm tỉnh ta cũng đón khoảng 10 nghìn lượt khách đến các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên cho biết: Đi chùa là một nét văn hóa không thể thiếu không chỉ với phật tử, mà với cả bà con nhân dân. Vào mỗi dịp tết, lễ, trong mùa xuân chẳng hạn, kể từ đêm giao thừa, thì bà con đã đến các chùa rất đông để cầu nguyện cho quốc thái dân an và cầu mong gia đình an lạc hạnh phúc may mắn. Và trong các dịp lễ trọng của phật giáo  như Lễ phật đản, bà con đến chùa đông. Khi đến chùa thì bà con bày tỏ mong muốn gửi gắm tâm mình cũng như thực hiện giáo lý. Đến chùa để tri ân những người có công với cách mạng để đem lại độc lập tự do như ngày hôm nay

Du lịch Điện Biên đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế. Ngành du lịch đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh. Trên bình diện chung, Điện Biên đứng thứ 8/14 trong vùng và thứ 38/63 tỉnh, thành cả nước về về tổng thu từ du lịch.

Để nắm bắt những vận hội mới, hòa nhập với khu vực, trên cơ sở đánh giá về vị trí, tiềm năng và khả năng khai thác phát triển du lịch của tỉnh, du lịch Điện Biên thời kỳ mới cần ưu tiên phát triển theo hướng: Tạo ra sự khác biệt của sản phẩm du lịch. Sự khác biệt được tạo ra bởi chất lượng làm du lịch hoặc sản phẩm du lịch đặc thù. Với tỉnh ta, có thể xác định được hai sản phẩm du lịch đặc thù cần tập trung khai thác phát triển, gồm: Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang và Du lịch biên giới gắn với cột mốc A Pa Chải.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì: Đối với khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang, việc phát triển sản phẩm khu du lịch Điện Biên Phủ-Pá Khoang không chỉ dừng lại ở mức độ tham quan, tìm hiểu, giáo dục mà cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm có tính trải nghiệm cao, gắn với hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, với Chiến sỹ Điện Biên như: Kéo pháo, xe đạp thồ, tạo cho du khách có cảm giác thực sự như được tham gia Chiến dịch. Đối với du lịch biên giới A Pa Chải, ngoài việc tạo dựng hình ảnh "một điểm đến, ba quốc gia", cần đề cao yếu tố tâm linh, nghiên cứu kết hợp du lịch thể thao, khám phá, mạo hiểm. Việc tập trung phát triển hai dòng sản phẩm du lịch trên, tỉnh ta sẽ đẩy mạnh được du lịch nội địa và mở rộng được thị trường quốc tế.

Việc tập trung xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm, liên kết phát triển sản phẩm, sản xuất hàng hóa lưu niệm, đặc sản.v.v. là những vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cả trong giai đoạn phát triển trước mắt cũng như lâu dài đối với ngành du lịch Điện Biên./.

    

 

Lê Dung/DIENBIENTV.VN

.