Điện Biên phát triển du lịch xanh

Thứ Sáu, 13/07/2018, 15:39 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong những năm qua, du lịch xanh đã trở thành loại hình du lịch được nhiều địa phương ưu tiên phát triển. Tại tỉnh Điện Biên với tiềm năng thế mạnh là các di tích, danh lam, thắng cảnh tự nhiên độc đáo, hấp dẫn cùng bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng, phong phú loại hình du lịch xanh bước đầu hình thành và có đóng góp nhất định vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà. Tuy nhiên, để du lịch xanh phát triển bền vững đòi hỏi phải có chiến lược, cơ chế, chính sách cụ thể, phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa.

Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều cảnh quan, danh lam thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Cộng đồng các dân tộc đa dạng về văn hóa, sống hòa đồng, hài hòa với thiên nhiên. Đó là những điều kiện không thể thuận lợi hơn để thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trong phát triển du lịch xanh.

Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều bài học về những hệ lụy của việc phát triển du lịch chỉ chạy theo lợi ích kinh tế, khai thác quá mức mà không chú ý tới vấn đề bảo tồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường. Bởi vậy, trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh ta và lượng du khách đến tham quan ngày càng lớn, thì phát triển bền vững theo hướng du lịch xanh càng cần được quan tâm, chú ý.

1
Lễ hội thành Bản Phủ trở thành những điểm nhấn thu hút du khách thập phương

 

Trong những năm qua, đa dạng các loại hình du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo là hướng phát triển được tỉnh ta lựa chọn và đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, hàng loạt các danh lam, thắng cảnh, điểm du lịch cũng được đưa vào danh mục đầu tư như: Khu du lịch sinh thái khoáng nóng bản Sáng xã Quài Cang, Tuần Giáo; khu khoáng nóng U Va; thành Bản Phủ; hệ thống hang động; hệ thống các bản văn hóa du lịch.v.v... Cùng với đó, các lễ hội như Lễ hội Hoa ban; Lễ hội thành Bản Phủ; Lễ hội Kin Pang Then; Lễ hội đua thuyền đuôi én, thị xã Mường Lay, được tổ chức thường niên và trở thành những điểm nhấn thu hút du khách thập phương.

Năm 2017, tỉnh Điện Biên đón 600 nghìn lượt khách du lịch, tăng 25% so với năm 2016, tổng thu từ du lịch đạt trên 950 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2016. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018 lượng khách du lịch đến Điện Biên đạt 490 nghìn lượt tăng trên 57%, trong đó, khách quốc tế đạt 94 nghìn lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt trên 640 tỷ đồng tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên đã khẳng định sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực du lịch của tỉnh ta. Nhưng song hành với sự tăng trưởng, phát triển ấy là những vấn đề được đặt ra về tính bền vững, tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch.

Để giải quyết hài hòa các vấn đề trên đòi hỏi phải có thời gian, có chiến lược phát triển cũng như sự quan tâm đầu tư thích đáng. Tuy nhiên ngay trong giai đoạn hiện nay, ngành du lịch tỉnh ta cũng đã có những giải pháp căn cơ để hướng tới loại hình du lịch xanh.
 
Rõ ràng để hướng tới loại hình du lịch xanh, không thể chỉ dừng lại ở việc giữ gìn vệ sinh điểm du lịch hay bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Du lịch xanh đòi hỏi nhiều yếu tố hơn thế. Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta đã hình thành một số điểm du lịch nhà vườn, du lịch cảnh quan, sinh thái như: Pha Đin lộng gió tại huyện Tuần Giáo; Tằng Quái Bay tại huyện Mường Ảng; một số điểm du lịch nhà vườn tại các xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa huyện Điện Biên.

Có thể khẳng định những khu du lịch này đã tạo những nét mới, bổ sung thêm danh sách các điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong hành trình đến với Điện Biên. Đồng thời, các điểm du lịch này đều có một điểm chung đó là, đề cao tính thân thiện với môi trường và mong muốn đưa con người về với tự nhiên. Tuy nhiên, để phát triển bền vững các điểm du lịch mở ra cần tránh sự tự phát, nhỏ lẻ mà phải có quy hoạch và chiến lược phát triển cụ thể hơn.

1
Khu di tích lịch sử Mường Phăng

 

Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, giờ đã khoác lên mình diện mạo mới với thiên nhiên thơ mộng và những nét đẹp văn hóa đến từ những cộng đồng thôn, bản của đồng bào dân tộc nơi đây.  Việc Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang; Việc phục dựng các lễ hội như Xên bản, Kin Lẩu Nó đã thực sự đánh thức tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch tại đây.

Ngoài ra, việc tổ chức thành công sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang vào đầu năm nay, đã bổ sung thêm một sản phẩm du lịch độc đáo làm đa dạng, phong phú thêm những điểm nhấn để thu hút khách du lịch của tỉnh ta. Và để trình làng được sự kiện Hoa anh đào là cả một quá trình, sự quan tâm, định hướng, chuẩn bị từ nhiều năm trước của tỉnh, ngành văn hóa thể thao du lịch nói chung và Công ty Cổ phần Hoa anh đào Trần Lệ nói riêng.

Với số lượng khoảng 4500 cây Anh đào thuộc 21 loại khác nhau cùng với hàng chục loại lan, hoa quý hiếm đang được trồng chăm sóc tại đây, việc tổ chức sự kiện Hoa anh đào Pá Khoang thường niên càng có cơ sở để thực hiện. Và đó sẽ là sự bổ sung quan trọng để Mường Phăng, Pá Khoang hướng tới du lịch xanh. Nơi đã có Khu di tích Hầm Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, có hồ Pá Khoang rộng hơn 600 ha, xung quanh là rừng già bao phủ và những bản làng trù phú với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo.
 
Thực tế tại các địa phương, phát triển loại hình du lịch xanh thiên nhiên và con người phải nằm trong mối quan hệ hài hòa, đồng điệu với nhau. Cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống là những thứ sẵn có nhưng khai thác, phát huy thế nào cho hiệu quả lại là câu chuyện của mỗi địa phương, mỗi vùng đất, mỗi điểm du lịch.

Thị xã Mường Lay, thị xã nhỏ nhất nước, sau tái định cư vẫn giữ cho mình những nét hấp dẫn riêng với du khách gần xa. Đó không chỉ là vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên, sông núi, trên bến dưới thuyền với những địa danh như đỉnh Pú Vạt, dinh thự Đèo Văn Long, hang Bản Bắc mà còn là những nét văn hóa độc đáo, đa dạng của đồng bào 9 dân tộc nơi đây.

Đó là lễ hội truyền thống công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - Kin Pang Then - được tổ chức dịp sau Tết Nguyên Đán. Đặc biệt là Lễ hội đua thuyền đuôi én trên sông Đà ngày đầu năm dương lịch. Đến năm 2018 này, qua 4 năm tổ chức, lễ hội không những là dịp để đồng bào dân tộc trên địa bàn giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao, tăng cường tinh thần đoàn kết mà còn góp phần quảng bá về con người, mảnh đất Mường Lay cùng những giá trị văn hóa đặc sắc ở địa phương đến với đông đảo du khách thập phương.
 
Bên cạnh đó, Điện Biên luôn phát huy vai trò của các bản văn hóa, trong trong phát triển du lịch xanh. Trước đây, tỉnh Điện Biên có 8 bản văn hóa du lịch được xây dựng gồm: Phiêng Lơi, Him Lam II, Noong Bua, Co Mỵ, bản Ten, U Va, Pe Luông và Bản Mển. Gần đây có thêm bản Noong Chứn và bản Che Căn, tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

1
Điện Biên luôn phát huy vai trò của các bản văn hóa, trong trong phát triển du lịch xanh.

 

Tuy nhiên, có thể thấy rằng các bản văn hóa du lịch trong thời gian qua chưa phát huy hết hiệu quả những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Cùng với đó, công tác đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng thương hiệu, tính chuyên nghiệp trong phục vụ nhu cầu của du khách còn nhiều hạn chế.

Hầu hết các bản mới dừng lại ở việc phục vụ ẩm thực với thực đơn na ná giống nhau, sau đó là các tiết mục văn hóa văn nghệ cũng chưa thực sự phản ánh được bản sắc độc đáo riêng vốn có của các dân tộc. Trong khi đó, mong muốn lớn nhất của du khách là tìm hiểu, trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa, lao động sản xuất, phong tục tập quán lại chưa được đáp ứng.

Thực tế, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, mô hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng với việc để du khách trực tiếp tham gia cày ruộng, cấy lúa, dệt vải, đánh bắt cá, chế biến ẩm thực đã rất thành công và để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách nhất là du khách quốc tế. 

Hiện nay, trong bối cảnh các địa phương có thế mạnh đều dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành "công nghiệp không khói", du lịch xanh chắc chắn sẽ trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Đối với tỉnh ta, bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được vẫn phải thừa nhận những tồn tại, khó khăn trong phát triển du lịch đã được nhắc tới lâu nay.

Đó là các điểm di tích, danh lam thắng cảnh chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với tầm vóc, các dịch vụ du lịch mở ra còn mang tính tự phát, vấn đề bảo vệ môi trường cảnh quan tại một số điểm du lịch còn chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, thực tế cho thấy nguồn tài nguyên du lịch càng đa dạng càng có giá trị cao thì càng nhạy cảm, càng dễ bị tác động, thay đổi nếu khai thác, sử dụng không hợp lý. Chính vì vậy, để phát triển du lịch xanh bền vững cần có sự kết hợp chặt chẽ với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tạo nên sản phẩm khác biệt. Đông thời, cùng với việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, thì cũng rất cần sự tham gia trực tiếp của người dân và cộng đồng vào các hoạt động du lịch./.
 

 

 

Chu Linh - Huy Long/Dienbientv.vn

.