Nguy cơ mất mạng vì tin thực phẩm chức năng như thần dược

Thứ Sáu, 23/11/2018, 07:58 [GMT+7]

 Nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu vì biến chứng nặng, thậm chí tử vong vì tin vào những lời quảng cáo, dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
 
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân 57 tuổi (ở Lạng Sơn) bị tiểu đường nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy đa tạng nặng, dẫn đến tử vong. Được biết, bệnh nhân này đã tự mua và sử dụng sản phẩm Tiểu đường hoàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian dài.

Một bệnh nhân nam (66 tuổi, ở Hà Nội) mắc bệnh tiểu đường, cũng phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy liên tục do sử dụng sản phẩm Tiểu đường hoàn… Được biết, trong sản phẩm “Tiểu đường hoàn” có chứa chất Phenphormin - hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả Việt Nam cấm lưu hành từ nhiều năm qua.
 

1
Nhiều chiêu thức quảng cáo thực phẩm chức năng tinh vi trên mạng xã hội.


Theo TS. Nguyễn Quang Bảy, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, việc điều trị bệnh tiểu đường là điều trị theo đặc điểm bệnh của từng bệnh nhân, không điều trị chung chung. “Nếu người bệnh tiểu đường tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần mập mờ, đặc biệt có những chất cấm sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, sau một thời gian sử dụng bệnh nhân có thể bị tổn thương gan, mạch máu, tim, thận… khiến bệnh không khỏi mà còn có nguy cơ nặng hơn”- TS Nguyễn Quang Bảy cho biết.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, với những người mắc các bệnh mãn tính, việc tuân thủ điều trị thuốc theo kê đơn của bác sĩ là rất quan trọng. Người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Quảng cáo thực phẩm chức năng tinh vi trên mạng xã hội

Chúng tôi liên hệ với tài khoản facebook “Giảm cân bà Vân” với những cam kết về sản phẩm như: “Không cần tập luyện, giảm tới 7kg chỉ sau 1 liệu trình”, “không bị tăng cân trở lại”, “Béo mấy cũng phải giảm”, “Giảm cân không hề khó”… Sau khi chúng tôi cho số điện thoại, nhân viên của Facebook Giảm cân bà Vân gọi điện, tư vấn nhiệt tình và cam kết dùng sản phẩm sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, khi chúng tôi xin địa chỉ đến xem và mua hàng thì nhân viên không trả lời.

Ngoài thực phẩm giảm cân, trên thị trường còn nhộn nhịp các loại thực phẩm chức năng thu hút người tiêu dùng như các sản phẩm bổ gan, tim, giảm tác hại từ bia, rượu, sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá, những sản phẩm làm trắng da, chống rụng tóc... được chị em phụ nữ (thậm chí cả đàn ông) rỉ tai nhau đi mua về dùng.

Việc kinh doanh thực phẩm chức năng trên Facebook đang ngày càng được nhiều người yêu thích và lựa chọn. Tuy nhiên, các loại thực phẩm chức năng không có nguồn gốc, chất lượng sẽ gây hậu quả khôn lường với sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo PGS.TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng đang lung tung, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật… đặc biệt trên các trang mạng, mạng xã hội chưa thể quản lý được.
 

1
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam. (Ảnh: KT)


PGS.TS Trần Đáng cho rằng, kiểm soát thực phẩm chức năng là phải kiểm soát ngay từ khâu sản xuất đến khi sử dụng chứ không phải khi sản phẩm ra thị trường mới kiểm tra. “Kiểm soát ngay từ khâu nguyên liệu phải tốt, khâu chế biến, sản xuất phải đạt chuẩn thì chỉ cần “bấm nút” là ra sản phẩm tốt. Còn nếu nguyên liệu không tốt, cơ sở sản xuất không đạt chuẩn không quản lý được thì sẽ có hàng loạt sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Lúc đó mới đi kiểm tra thì không xuể. Vì vậy, phải có phương pháp để kiểm soát”- ông Đáng cho biết.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện có khoảng 2.000 loại sản phẩm TPCN, trong đó 70% là sản phẩm sản xuất trong nước. Số người dùng TPCN cũng ngày càng tăng, nếu năm 2000 chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng thì đến năm 2005 là 1 triệu người, năm 2010 là 5 triệu người, năm 2015 là 15.500.000 người, chiếm 17,2% dân số ở 63 tỉnh thành cả ở nông thôn và thành thị.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, nhiều người đã tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng, từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh khiến cho bệnh ngày một nặng lên, đến khi tới cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn vì đã bỏ qua thời gian vàng chữa bệnh.
 

1
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).


Theo ông Phong, quá trình thanh kiểm tra cho thấy, những chiêu thức quảng cáo thực phẩm chức năng đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, việc sử dụng hình ảnh một số nhân vật nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân.

“Thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”- ông Phong nêu rõ.

Hiện Bộ Y tế đã ban hành và tham mưu Chính phủ ban hành kịp thời các văn bản quản lý và tăng cường các hoạt động kiểm tra, hậu kiểm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Bộ trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an toàn thị trường thực phẩm chức năng, bảo vệ các cơ sở sản xuất chân chính.

Thời gian tới, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý thực phẩm chức năng như thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bản công bố sản phẩm, xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế./.

 

 

Theo Thy Hạt/VOV

.