Điện Biên cần chủ động phòng chống dịch sởi

Thứ Năm, 21/06/2018, 16:31 [GMT+7]
Điện Biên TV - Sởi do vi rút gây ra, có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp và thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Vì vậy để chủ động phòng, chống bệnh sởi, người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên cần đưa  các cháu trong độ tuổi đi tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
 
s
Dịch sởi có nguy cơ lây lan và bùng phát cao (ảnh kt)

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông vừa qua đã xảy ra ổ dịch sởi tại 04 xã gồm: Keo Lôm, Phình Giàng, Pú Nhi và Noong U. Tính đến ngày 11/6/2018, theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên ghi nhận 47 trường hợp mắc sởi, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Keo Lôm (41 ca), lứa tuổi mắc chủ yếu từ 1 đến 4 tuổi, các ca mắc sởi được thu dung điều trị tại bệnh viện huyện và trạm Y tế xã, có 3 trường hợp điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đã điều trị khỏi 12 ca, không có trường hợp tử vong. 47 ca, lứa tuổi mắc chủ yếu từ 1 - 4 tuổi.

Như vậy, vào thời điểm này thời tiết nắng nóng dịch bệnh sẽ dễ phát sinh, bùng phát cao hơn với các loại bệnh như:  tay chân miệng, sởi/rubella, cúm, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ… Tất cả mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị dịch, bệnh tấn công nhất. Chính vì thế người dân cần chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè đặc biệt là bệnh sởi.

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch lây truyền theo đường hô hấp, do vi rút sởi gây ra. Gần như là trẻ chưa có miễn dịch với sởi mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Và trẻ bị nhiễm vi rút sởi gần như 100% có biểu hiện bệnh lý. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài tạo thuận lợi cho việc bùng phát dịch sởi nhất là những trẻ chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 1

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sởi, Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi. Chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, dịch truyền, nhân lực đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tổ chức phun hóa chất khử khuẩn Cloramin B tại các bản có bệnh nhân mắc sởi. Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vacxin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ ở tất cả các địa phương, nhất là trẻ em từ 1 đến 4 tuổi. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện tiêm các loại vacxin, đảm bảo tất cả các trẻ em được tiêm đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95%.

Để phòng chống dịch bệnh vào mùa hè đặc biệt là bệnh sởi có hiệu quả ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, mỗi người dân cần chủ động tiêm chủng cho con em, bản thân đối với những bệnh có thể phòng được bằng vắc xin tiêm chủng và thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành Y tế./.

 

Tử Long

.