Khó khăn tiêm chủng ở Nậm Pồ

Thứ Ba, 12/06/2018, 16:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nếu như ở thành phố, mỗi khi đến lịch tiêm chủng, các bà mẹ thường tự giác đưa trẻ tới các cơ sở y tế địa phương để tiêm theo đúng lịch đã được thông báo, thì ở địa bàn một số xã vùng cao trong tỉnh Điện Biên, các cán bộ y tế phải lặn lội vào tận bản, thậm chí lên cả trên nương để tiêm chủng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Một lần được theo chân cán bộ y tế huyện Nậm Pồ đi tiêm chủng, chúng tôi đã thấu hiểu bao nỗi khó khăn của những người mặc áo blouse trắng trong việc “cõng” vắc xin lên vùng cao. Vào lúc sáng sớm, từ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, chúng tôi theo các y, bác sỹ tới Trạm Y tế xã Nậm Chua hỗ trợ tiêm chủng.

Tại đây, sau khi chuẩn bị thuốc men, vật tư đầy đủ, chúng tôi và cán bộ y tế phải đi bộ hơn 4km mới vào được bản Nậm Chua 4 để tiêm chủng. Cùng đi với tôi, anh Lầu A Pó, cán bộ phụ trách công tác y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ, chia sẻ: “Do địa bàn xa xôi, cách trở và trình độ hiểu biết của bà con còn hạn chế, họ không mặn mà với cơ sở y tế, vì vậy không tự giác đến hoặc đưa trẻ đến trạm y tế xã để tiêm chủng. Chính vì thế, đều đặn một tháng hai lần, chúng tôi đều tới các bản vùng cao trong huyện để hỗ trợ cán bộ y tế xã tiêm chủng cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.

1
Cán bộ y tế xã Nậm Chua thăm, khám và tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ tại bản Nậm Chua 4, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ.

 

Do vào mùa mưa, đường bản khá lầy lội, khi tới trung tâm bản Nậm Chua 4, đoàn tiêm chủng chúng tôi ai cũng nhễ nhại mồ hôi, lấm lem bùn đất. Đặt chiếc bình đựng vắc xin nặng 6kg xuống đất sau gần 2 tiếng vác trên vai, anh Lò Văn Bích, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Chua nói với chúng tôi: “Tuần nào cũng như thế này đấy nhà báo ạ! Muốn bà con cho trẻ em và phụ nữ có thai tiêm chủng đầy đủ nên chúng tôi cứ phải đến nhiều lần. Ở bản Nậm Chua 4 hiện có trên 30 đối tượng (gồm phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi) cần được tiêm chủng, nhưng không phải khi nào lên bản chúng tôi cũng gặp được họ, mà gặp rồi đôi khi họ còn không cho tiêm”.

Theo chia sẻ của anh Lò Văn Bích, chúng tôi được biết, ở địa bàn này đa phần là người dân tộc Mông sinh sống, họ còn tồn tại nhiều tập quán khá lạc hậu; đồng thời do nhận thức của bà con chưa cao, họ chưa hiểu về lợi ích của vắc xin đối với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ; mà chỉ thấy rằng, việc “đâm kim tiêm” vào người gây đau đớn cho phụ nữ, cho trẻ, nhất là khi trẻ đang khỏe mạnh bình thường sau khi tiêm vắc xin thì có biểu hiện đau đớn, nóng sốt... nên bà con bảo nhau từ chối việc tiêm chủng.

Nhiều người dân đã cho con em tiêm 1 mũi vắc xin, đến khi cán bộ y tế vào tiêm mũi nhắc lại thì không cho tiêm nữa. Chính vì thế, ngoài việc tiêm chủng, các cán bộ y tế còn phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, giải thích thậm chí chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới có thể tiêm chủng được cho phụ nữ, trẻ em.

Không may mắn cho chúng tôi, tại buổi tiêm chủng hôm nay, các cán bộ y tế chỉ gặp gỡ, thăm khám và tiêm chủng được cho 2 phụ nữ mang thai và 3 trẻ nhỏ trong bản Nậm Chua 4. Con số này chỉ chiếm 1/6 số đối tượng được tiêm trong bản. Dù chờ đợi thêm đến quá chiều và nhờ một số cán bộ bản đi tìm, chúng tôi cũng không gặp thêm đối tượng nào để tiêm.

Ông Vàng A Súa, Trưởng bản Nậm Chua 4 ngao ngán chia sẻ: “Bà con ở bản thường ngày đi làm nương ở cách bản vài km, tối mịt họ mới về nhà. Trẻ nhỏ cũng được bố mẹ mang theo lên nương rồi. Mặc dù tôi đã thông báo trước về lịch tiêm chủng, nhưng họ chưa hiểu được lợi ích tiêm chủng nên rất thờ ơ, lẩn tránh. Có gia đình biết cán bộ y tế vào bản tiêm chủng còn đưa con trốn đi để tránh “bị” tiêm chủng”.

Vậy là lặn lội hàng giờ vào bản để tiêm chủng, cán bộ y tế và chúng tôi lại ngậm ngùi vác thùng bảo quản vắc xin về Trạm Y tế xã Nậm Chua. Lúc này trời đã tối mịt, ai nấy cũng mệt rã rời. Và buồn hơn cả đó là những liều vắc xin mang đi tiêm chủng vẫn nằm yên trong bình đựng.

Anh Lầu A Pó chia sẻ thêm: “Ở vùng cao này, cán bộ y tế chúng tôi đi tiêm chủng gặp hoàn cảnh như thế nhiều nên cũng quen rồi; có những chuyến còn trở về tay không, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản chí. Chưa tiêm được đợt này, tuần sau chúng tôi lại vào bản, tiếp tục đi tiêm và vận động tiêm chủng. Chỉ cần thêm một đối tượng được tiêm chủng đủ mũi, đủ liều là chúng tôi đã có thêm động lực tiếp tục thực hiện công tác tiêm chủng vùng cao ”.

Anh Lầu A Pó đã có 8 năm làm công tác y tế dự phòng và đi hỗ trợ cán bộ y tế xã tiêm chủng ở vùng cao huyện Nậm Pồ (trước đây là huyện Mường Nhé). Tuy nhiên, anh cũng nhận định chưa thấy nơi nào, việc tiêm chủng lại khó khăn như ở huyện Nậm Pồ. Chỉ tính riêng năm 2017, toàn huyện có 11/15 xã có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp dưới 30% số đối tượng cần tiêm chủng (gồm phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Trong đó, thấp nhất là 5 xã: Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nậm Tin, Vàng Đán và Nậm Chua.

Do địa bàn các xã này chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống, họ còn nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại lâu đời; trong đó, có ý thức rằng việc tiêm chủng giống như bị “đánh dấu” nên phản đối việc tiêm chủng rất gay gắt. Những năm trước, tại huyện Nậm Pồ còn khá nhiều “bản trắng tiêm vắc xin”. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, vẫn còn 1 bản là Nậm Nhừ 1 (xã Nậm Nhừ) có tỷ lệ tiêm vắc xin là 0% số đối tượng cần được tiêm trong bản.

Tới Trạm Y tế xã Nậm Nhừ, mặc dù không đúng ngày tiêm chủng, nhưng chúng tôi đã gặp được anh Vàng A Phổng, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã và nghe anh chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị ở trạm đối với công tác tiêm chủng. Dẫn chúng tôi đi thăm gian nhà tạm vừa làm phòng làm việc, vừa kiêm luôn phòng bảo quản vắc xin, anh Phổng cho biết: “Ở đây chúng tôi có 1 tủ đá và tủ bảo quản vắc xin để đem lên bản tiêm chủng.

Tuy cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng các thiết bị này vẫn bảo quản được vắc xin trong thời gian 1 tháng. Nếu mất điện, tủ đá có thể bảo quản vắc xin tối đa là 4 ngày. Hàng tháng để có vắc xin mới chúng tôi mang bình đựng ra Trung tâm Y tế huyện để nhận, đồng thời với những liều vắc xin cũ chưa được tiêm hết, chúng tôi lại phải mang về Trung tâm Y tế huyện bảo quản mới đảm bảo. Do đó, nếu chuyến đi bản không tiêm được đủ liều, đủ mũi, chúng tôi phải mất nhiều thời gian mang vác thùng vắc xin về bảo quản. Giá như bà con tin tưởng đồng ý cho tiêm vắc xin đầy đủ, thì cán bộ y tế chúng tôi sẽ bớt đi nhiều khó khăn, vất vả”.

Hiện nay, cơ sở vật chất của các Trạm Y tế xã trong huyện Nậm Pồ đa phần còn thiếu thốn, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác y tế nói chung và việc tiêm chủng nói riêng. Bên cạnh đó, chính sự không đồng thuận của người dân là nguyên nhân khiến cán bộ y tế xã vất vả hơn nhiều trong việc lặn lội mang vắc xin đi nhiều lần, rồi chờ đợi bà con để tuyên truyền, vận động họ đồng ý việc tiêm vắc xin.

Trao đổi với chúng tôi, ông Điêu Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ nhận định: Những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng tại một số xã trong huyện rất thấp, đây là nguyên nhân chính gia tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ mắc hoặc tử vong do bệnh truyền nhiễm. Do đó, UBND huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch cụ thể để thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng vùng cao.

Riêng từ đầu tháng 5/2018 đến nay, UBND huyện và Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức 5 hội nghị truyền thông về tiêm chủng mở rộng tại 5 xã có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong huyện, gồm: Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Nậm Tin, Vàng Đán và Nậm Chua. Riêng ở các bản trong những xã này, cán bộ truyền thông y tế dự phòng cũng tổ chức vào từng bản tuyên truyền, giải thích về lợi ích tiêm chủng đối với sức khỏe bà con.

Nắm rõ được những khó khăn, vất vả của cán bộ y tế đang thực hiện tiêm chủng vùng cao, trong thời gian tới, chính quyền huyện Nậm Pồ sẽ quan tâm hơn nữa trong việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trạm Y tế xã, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế và quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách, tâm tư của những cán bộ y tế vùng cao...

Mong rằng, với những giải pháp truyền thông y tế về tiêm chủng và sự quan tâm của chính quyền huyện Nậm Pồ, trong thời gian tới, công tác tiêm chủng vùng cao sẽ được thuận lợi hơn, nhận được sự ủng hộ của bà con, và từ đó những cán bộ y tế sẽ bớt đi nhiều khó khăn, vất vả.

 

 

CTV - Phương Liên

.